Chi phí nhân công rẻ là một trong những lợi thế của Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh

Chi phí nhân công rẻ là một trong những lợi thế của Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản khu công nghiệp: "Cầm vàng chớ để vàng rơi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) So với các nước trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là điểm đến tiềm năng cho làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, nhưng nếu không chuyển mình kịp thời sẽ mất đi “thời cơ vàng”.

Cơ hội từ làn sóng dịch chuyển sản xuất

Theo bà Vũ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, TNI Holdings Vietnam, Việt Nam đang nổi lên như là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trên thế giới, đặc biệt trong làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Âu, Mỹ khỏi Trung Quốc. Đồng thời, những đổi mới trong chiến lược thu hút FDI của chính quyền địa phương và các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp trong nước cũng góp phần đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.

Dẫu vậy, để giữ chân và thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn FDI chất lượng, bà Hằng cho rằng, Việt Nam cần cải thiện nhiều mặt, từ thể chế, chính sách thu hút đầu tư đến giải pháp quy hoạch đồng bộ hệ thống các khu công nghiệp với sự kết nối hoàn chỉnh về giao thông, giao thương và chuỗi cung ứng. Đây là nền tảng để vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp thế giới được rõ nét và vững chắc hơn.

Cùng góc nhìn, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, lâu nay, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đặc biệt trong mảng bất động sản khu công nghiệp và logistics trước sự mở rộng dây truyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI hiện hữu trong bối cảnh chiến lược “Trung Quốc + 1” được nhiều công ty đa quốc gia đang áp dụng.

Thực tế, từ đầu tháng 4/2018, thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức nổ ra, sau đó là việc áp thuế cao từ Hoa Kỳ lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã buộc nhiều nhà sản xuất nước ngoài tại đây phải di dời các nhà máy để tránh rào cản thuế quan. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như là điểm đến tin cậy của làn sóng dịch chuyển này do vị trí địa lý thuận lợi, có sẵn quỹ đất sạch để phát triển dự án, dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp khá hoàn chỉnh, nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công rẻ.

Theo đại diện Công ty cổ phần Khu công nghiệp Thành Thành Công (TTC IZ), các nhà sản xuất toàn cầu đã và đang tập trung tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là “cơ hội vàng” để các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp Việt Nam củng cố và tăng cường năng lực nội tại sẵn sàng “đón sóng” FDI trong thời gian tới.

“Thủ tục đăng ký đầu tư là một trong những vấn đề được khách thuê khu công nghiệp quan tâm hàng đầu. Do đó, việc tư vấn lập hồ sơ đăng ký giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cận được thực hiện bài bản ngay từ đầu, tránh phát sinh rủi ro dự án không được cấp phép hoặc ngành nghề không được phép thu hút vào khu công nghiệp, giúp các khách hàng yên tâm hơn khi đầu tư”, vị này nhấn mạnh.

Chớp thời cơ, cách nào?

Nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng mới được phát triển để đón “thời cơ vàng”. Ảnh: Thành Nguyễn

Nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng mới được phát triển để đón “thời cơ vàng”. Ảnh: Thành Nguyễn

Quay trở lại câu chuyện “dọn tổ” để đón “đại bàng”, theo bà Vũ Thị Thu Hằng, việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư là vô cùng cần thiết, đặc biệt là giảm thiểu quy trình thủ tục và nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xin cấp phép đầu tư, cấp phép hoạt động…

Tiếp đó là chuẩn bị mặt bằng sạch để bàn giao cho khách thuê. Bà Hằng cho biết, hiện nay, sự phức tạp trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng tại các địa phương và khó khăn trong triển khai các chính sách liên quan đang là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới công tác đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp. Do đó, các cơ quan hữu quan cũng như chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng để tháo gỡ nút thắt này, đảm bảo luôn sẵn quỹ đất sạch để bàn giao cho khách thuê.

Một nội dung quan trọng khác được đề cập tới, đó là nguồn nhân lực. Theo bà Hằng, để nâng cao năng lực tiếp nhận các nhà sản xuất lớn, bên cạnh chuẩn bị lực lượng lao động đủ lớn, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân sự chất lượng cao, từ đó cải thiện năng suất lao động.

Đồng quan điểm, ông Phùng Minh Tâm, chuyên viên Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà (HDTC) - chủ đầu tư Khu công nghiệp Bá Thiện cũng cho rằng, muốn thu hút các nhà đầu tư lớn thì dự án cần minh bạch về tính pháp lý, hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp về các thủ tục cấp phép, các chính sách ưu đãi với các lĩnh vực, ngành nghề được ưu tiên phát triển tại địa phương… Cùng với đó, hiệu quả thu hút đầu tư còn phụ thuộc vào vị trí địa lý, trình độ lao động địa phương, chính sách nhà ở cho chuyên gia, người lao động tại khu công nghiệp…

“Khả năng giao đất nhanh hay chậm, sự cam kết của chủ đầu tư, địa phương đến đâu… là các yếu tố nhà đầu tư quan tâm nhất, nếu rút ngắn được các khâu này thì sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và mang lại hiệu quả tốt cho dự án”, ông Tâm nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc hình thành và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là hướng đi chiến lược quan trọng của Việt Nam trong việc kêu gọi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Để các khu công nghiệp, khu kinh tế đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai, nghị định này đã xuất hiện những bất cập. Trên cơ sở đó, tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo nhiều điều kiện hơn trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và thu hút đầu tư.

Bà Trần Tố Loan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ đánh giá, Nghị định 35/2022 có nhiều điểm tiến bộ so với Nghị định 82/2018, trong đó có 2 điểm chính tác động trực tiếp tới các dự án khu công nghiệp: Một là, các chủ đầu tư có thể xây dựng nhà ở công nhân ngay trong khu công nghiệp; hai là, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân quyền để thẩm định và cấp phép các dự án có quy mô phù hợp.

“Những thay đổi trên đều giúp tiết kiệm thời gian triển khai dự án, định hướng và giảm chi phí cho nhà đầu tư. Đặc biệt, tránh được quy trình phức tạp và kéo dài khi triển khai dự án, bởi trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều vấn đề phát sinh mà lúc thành lập dự án không thể tính toán hết được”, bà Loan nhấn mạnh.

Ngoài ra, Nghị định 35/2022 cũng phân định rõ các loại hình khu công nghiệp gồm khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ và có hướng dẫn cụ thể hơn về mặt pháp luật, giúp nhà đầu tư xác định phương hướng rõ ràng trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư.

Tin bài liên quan