Giá nhà vững vàng
Giá nhà chỉ giảm 6,1% kể từ mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 6/2019, theo chỉ số Centa-City Leading do Centaline Property Agency công bố. Chỉ số này đã tăng 4 tuần liên tiếp cho tới ngày 9/2, theo số liệu mới nhất được công bố, ngay cả khi dịch bệnh bùng phát khiến nền kinh tế Trung Quốc chấn động, tác động tới dòng người du lịch tới Hồng Kông, cũng như buộc nhiều nhân viên tại một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới này phải làm việc tại nhà.
Một trong những yếu tố hỗ trợ giá nhà là sự thống trị của số lượng nhỏ các doanh nghiệp gia đình hiện đang nắm giữ nguồn cung bất động sản trên thị trường, môi trường lãi suất thấp và tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trung bình tại Hồng Kông ở mức thấp.
Theo chiến lược gia Praveen Choudhary của Morgan Stanley, các nhà phát triển bất động sản Hồng Kông chỉ hoàn thiện 14.000 căn hộ trong năm 2019, giảm 33% so với năm 2018. Để so sánh, năm 2002, có tới 31.000 căn hộ được cung cấp ra thị trường. Nguồn cung hạn chế là một trong các lý do giá nhà không giảm mạnh trong thời gian các cuộc biểu tình diễn ra, cũng như khi dịch bệnh tác động tới nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tỷ lệ cho vay mua bất động sản mới tại Hồng Kông đã giảm từ mức đỉnh được vay 69% giá trị bất động sản năm 2002 xuống còn 46% vào tháng 9/2019, theo Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông. Điều này khiến những người muốn mua nhà sẽ phải cân nhắc khi giá nhà tại đây thuộc dạng “đắt đỏ” nhất hành tinh. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng tại Hồng Kông, thường được dùng để tính toán lãi suất cho vay bất động sản, đã giảm xuống mức dưới 2% trong tháng 2/2020. Như vậy, những người đã vay tiền để mua nhà chứng kiến áp lực trả nợ đi xuống, không cần thiết phải bán bất động sản trong thời điểm này.
Bất động sản cho thuê gặp sóng gió
Sự vững vàng của giá nhà là điều mà các nhà phát triển bất động sản cho thuê đang thèm muốn. Hiện tại, văn phòng, trung tâm thương mại, bất động sản cho thuê là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nền kinh tế đối diện với dịch bệnh bùng phát. Theo nhận định của các tổ chức kinh tế, bất động sản cho thuê và văn phòng tại Hồng Kông đang mất dần sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.
Tổng giá trị giao dịch văn phòng và bất động sản cho thuê đã giảm 12,9% trong năm 2019, xuống còn 6,4 tỷ USD, theo chiến lược gia Patrick Wong của Bloomberg Interlligence. Phân khúc văn phòng hạng sang vừa đạt kỷ lục 6% diện tích trống trong tháng 12/2019, mức cao nhất kể từ tháng 4/2010, theo số liệu của nhà môi giới bất động sản Jones Lang LaSalle Inc (JLL). Các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn đã trở thành một phần rất quan trọng đối với bất động sản thương mại Hồng Kông, đã giảm dần sự hiện diện tại thị trường này, khiến diện tích văn phòng cho thuê với nhóm khách hàng này giảm gần 40%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sở hữu bất động sản trung tâm thương mại, bán lẻ cho thuê đã phải giảm giá tới gần 60% trong tháng 2/2020 để hỗ trợ người thuê đối diện với tình trạng kinh doanh trì trệ do dịch bệnh. Tỷ lệ chỗ trống 9% tại các trung tâm mua sắm trong những tháng qua là mức cao nhất 5 năm, theo JLL. Trong khi đó, giá thuê trung bình tại các khu phố mua sắm giảm 21% vào cuối năm 2019 so với thời điểm đầu năm.
Du lịch, với dòng người đông đảo từ Trung Quốc từ lâu đã đóng góp lớn cho nền kinh tế Hồng Kông, và cũng là lý do khiến tác động của dịch bệnh lại ảnh hưởng rất nặng nề tới kinh tế. Số liệu từ Uỷ ban Du lịch Hồng Kông cho thấy, lượng khách du lịch trong tháng 2 đã giảm tới 99%, xuống còn chưa tới 3.000 người.
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà phát triển bất động sản văn phòng và thương mại sẽ cần chuẩn bị tâm lý để tiếp tục “chịu trận” khi dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.