Bất động sản, gian nan mục tiêu 2013

Bất động sản, gian nan mục tiêu 2013

(ĐTCK) Quý I/2013, ngay cả khi doanh nghiệp đẩy mạnh được doanh thu, thì cũng không đồng nghĩa với lợi nhuận được cải thiện.

Lợi nhuận giảm mạnh

Theo thống kê, trong các công ty bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2013, có đến 90% DN báo cáo lợi nhuận sụt giảm. Từ những DN mà đà suy giảm có thể đoán trước như Quốc Cường Gia Lai (QCG), Licogi 16 (LCG), Phát Đạt (PDR) đến những tên tuổi từng “vững vàng trong bão” như Đất Xanh (DXG), Thế kỷ 21 (C21), Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI)... đều bất lực nhìn lợi nhuận tuột dốc.

Báo cáo tài chính của các DN cho thấy, đà sụt giảm lợi nhuận quý I năm nay khá mạnh. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trong quý I/2013 của BCI giảm 54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 10,57 tỷ đồng. Tương tự, lãi ròng của C21 giảm 44,5%, còn 6,6 tỷ đồng; Thủ Đức House (TDH) giảm 91,8%; Đầu tư và xây dựng Sao Mai An Giang (ASM) giảm 79%; Sacomreal lãi chưa đến 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 91,3 tỷ đồng; DXG thì thua lỗ.

Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm khiến các DN bất động sản rối bời xoay xở, nghĩ cách bán hàng, xử lý tồn kho. Tuy nhiên, kể cả khi DN đẩy mạnh được doanh thu cũng không đồng nghĩa với lợi nhuận được cải thiện.

Báo cáo tài chính quý I/2013 của ASM cho thấy, doanh thu thuần tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo lãnh đạo Công ty, ASM vẫn chưa thể ghi nhận mức lãi như mong muốn, vì ASM chỉ bán được hàng ở phân khúc bất động sản có tỷ suất lợi nhuận thấp. Tương tự, doanh thu của DXG trong quý I/2013 tăng 40%, nhưng do giá vốn chiếm 40% doanh thu thuần, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ chiếm 10% doanh thu, nên lãi gộp sụt giảm so với quý I/2012.

Ngoài ra, trong quý I năm nay, đa số DN bất động sản đều bị thất thu từ nguồn đầu tư tài chính, liên doanh, liên kết. Điển hình, doanh thu tài chính của TDH chỉ đạt 200 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 3,3 tỷ đồng. Lãi từ liên doanh, liên kết của TDH chỉ đạt 1 triệu đồng so với con số 3,9 tỷ đồng trong quý I năm ngoái. Với BCI, nguồn thu tài chính sụt giảm 86,5%; DXG, SCR bị lỗ trong liên doanh, liên kết, trong khi cùng kỳ năm 2012, SCR lãi 87,7 tỷ đồng từ khoản mục này.

Theo giải trình của các công ty, sự suy giảm nguồn thu tài chính do lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm. Do tình hình thị trường khó khăn nên trong quý I năm nay, các DN còn bị mất, bị giảm các nguồn cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị liên doanh, liên kết.

“Ăn mòn” vào lợi nhuận trong quý I/2013 của nhóm DN bất động sản còn ở chi phí tăng cao. Dù DN đã tìm cách giảm chi phí lãi vay, giảm chi phí quản lý DN, nhưng trước sức ép phải bán hàng để có dòng tiền và trước sức cạnh tranh lớn, nhiều DN buộc phải tiếp tục hạ giá sản phẩm, tăng cường khuyến mãi. Kết quả, chi phí bán hàng tăng cao; đơn cử, chi phí bán hàng của DXG tăng 72,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Một số đơn vị như CTCP Đầu tư phát triển nhà Cotec (CLG) chia sẻ, do việc bán hàng gặp khó, thiếu vốn hoạt động nên Công ty phải đi vay các tổ chức tài chính bên ngoài, dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

 

Gian nan đường về đích

Mặc dù còn 3 quý để các DN tiến về đích lợi nhuận kế hoạch năm 2013, nhưng với bức tranh lợi nhuận trong quý I, theo giới phân tích, đường đến đích sẽ rất gian nan.

Thứ nhất, so với kế hoạch cả năm thì lợi nhuận trong quý I/2013 của nhóm DN bất động sản chỉ mới đi được một chặng rất khiêm tốn. TDH thậm chí còn chưa “nhúc nhích” được bao nhiêu so với mục tiêu 55,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hay để lãi thêm 80 tỷ đồng trong 3 quý còn lại là áp lực cho BCI.

Thứ hai, mặc dù các DN bất động sản đã sớm tìm cách điều chỉnh để có thể bán ra thị trường những sản phẩm hợp nhu cầu, nhưng trước tình hình thị trường bất động sản ảm đạm, cung lớn hơn cầu, người dân chưa yên tâm và còn chờ đợi, thì hoạt động phân phối sản phẩm của các DN vẫn rất khó. Dự báo, thị trường bất động sản ảm đạm sẽ còn kéo dài sang năm 2014.

Nhiều DN như ASM, TDH… đã nhìn thấy các khó khăn kể trên và tính cách mở rộng thêm ngành nghề từ các năm trước. Tuy nhiên, như lãnh đạo TDH thừa nhận tại ĐHCĐ năm 2013, mảng kinh doanh, xuất khẩu nông sản chỉ đạt tỷ suất sinh lời 1 - 2% nên đây là hoạt động có tính phụ trợ nhiều hơn.