Theo Knight Frank, quý I/2014, giá nhà ở Dubai chứng kiến mức tăng 3,4%, thấp hơn nhiều so với con số 9,2% của năm 2013, nhưng cũng đủ đưa Dubai trở thành thị trường phát triển bất động sản nóng nhất thế giới trong 4 quý liên tiếp. Số lượng giao dịch bất động sản cũng tăng 38% so với cùng kỳ năm 2013, đạt tổng giá trị 61 tỷ Dhs với 15.694 giao dịch.
“Quý I thường diễn ra nhẹ nhàng hơn so với những tháng cuối năm, vì người mua thường có tâm lý mua nhà trước thời điểm bước sang năm mới. Vì thế, dự đoán quý IV sẽ là lúc thị trường phát triển đỉnh điểm nhất”, Kate Everett-Allen, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực dân cư toàn cầu của Knight Frank nói.
Tháng 4/2014, giá nhà ở khu vực dân cư thuộc tiểu vương quốc này vẫn chưa hạ nhiệt với mức tăng 3,33%, theo Công ty cung cấp thông tin về thị trường bất động sản ở các thị trường mới nổi REIDIN.com. Cùng lúc đó, giá nhà chung cư và biệt thự tại đây cũng lần lượt tăng 3,62% và 2,16%, theo REIDIN.com.
Sở dĩ đà tăng trưởng bất động sản trong quý I/2014 tại Dubai có phần chậm lại so với 3 quý trước bên cạnh tính chu kỳ là nhờ những công cụ điều tiết thị trường của Chính phủ. Theo đó, từ ngày 6/10/2013, Chính phủ Dubai quyết định tăng phí giao dịch ở mọi loại hình bất động sản trừ các khu công nghiệp từ 2% đến 4%.
“Động thái tăng phí này nhằm ngăn chặn giá nhà tăng đột biến và làn sóng đầu cơ, hạn chế giao dịch tràn lan, làm ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản nội địa”, Sultan bin Mejren, Chủ tịch Cục Đất đai Dubai nói.
Hành động gia tăng phí giao dịch cũng được kỳ vọng sẽ huy động nguồn tiền mặt đáng kể, bổ sung vào các quỹ quốc gia, giúp Chính phủ nước này giảm thiểu áp lực đối mặt với món nợ 120 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng cùng lúc tuyên bố hạn chế cho vay thế chấp đối với các dự án bất động sản, nhằm ngăn chặn nguy cơ đầu cơ.
Kể từ khi chính sách mở cửa cho người nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản nội địa được áp dụng vào năm 2002, Dubai trở thành tâm điểm của thế giới với hàng loạt dự án đầu tư có giá trị lớn. Tuy nhiên, sau thời kỳ phát triển nhanh 2006 - 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến thị trường địa ốc của tiểu vương quốc này trượt dài. Thậm chí, nhiều chuyên gia phân tích dự đoán, hậu quả nặng nề này sẽ không thể khôi phục trở lại trong vòng ít nhất 10 năm.
Thế nhưng, những dấu hiệu hồi sinh của thị trường bất động sản nơi đây dần lộ rõ kể từ đầu năm 2013 khi triển vọng tích cực của nền kinh tế Dubai không ngừng kéo giá nhà ở và tổng mức đầu tư vào khu vực này tăng lên rõ rệt. Quý I/2014, tổng giá trị đầu tư vào thị trường địa ốc Dubai đạt 35 tỷ Dhs (khoảng 9,5 tỷ USD), tăng 67% so với cùng kỳ năm 2013. Số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường tăng 81% từ 7.339 lên đến 13.279 người, trong đó người Emiratis đóng góp nhiều nhất với xấp xỉ 7 tỷ Dhs (khoảng 1,9 tỷ USD).
Theo Tổ chức tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL), với tốc độ phát triển nhanh chóng hiện nay, bất động sản Dubai có thể sớm tái hiện lại thời kỳ đỉnh cao năm 2008 trong năm nay hoặc quý I năm sau khi tốc độ tăng giá hiện tại chỉ còn cách năm 2008 khoảng 15%. Theo một báo cáo gần đây của JLL, một số dự án tòa nhà cao cấp ở Dubai hiện có mức giá gần như tương đương với thời kỳ 2008 và chưa có dấu hiệu giảm xuống.
Tháng 5 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF cảnh báo giới chức trách Dubai cần đưa ra những công cụ điều tiết mạnh mẽ hơn, để ngăn chặn làn sóng đầu cơ bất động sản có thể xảy như những gì chính quyền Hồng Kông hay Singapore đang thực hiện.