Nhưng sau thời kỳ phát triển nhanh năm 2006 - 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến thị trường địa ốc Dubai xuống dốc không phanh. Đặc biệt, nếu so với những thành phố khác trên thế giới, Dubai thuộc diện bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thậm chí nhiều nhà phân tích cho rằng, thị trường nơi đây sẽ không bao giờ có thể phục hồi trở lại.
Thế nhưng, những dấu hiệu “hồi sinh” của Dubai dần lộ rõ khoảng 1 năm trở lại đây khi giá nhà đất bắt đầu tăng trở lại, đồng thời triển vọng tổng thể của nền kinh tế Dubai khiến giới chuyên môn cảm thấy an tâm hơn. Theo Tổ chức tư vấn bất động sản quốc tế Jones Lang LaSalle (JLL), giá cả khu vực dân cư ở Dubai tăng xấp xỉ 24% cho các dự án biệt thự và 38% đối với căn hộ trong năm 2013.
Theo số liệu quý I/2014 của Cục Đất đai Dubai (DLD), tổng giá trị đầu tư vào thị trường địa ốc Dubai đạt 35 tỷ Dhs (khoảng 9,5 tỷ USD), tăng 67% so với cùng kỳ năm 2013. Theo đó, số nhà đầu tư cá nhân đổ xô vào thị trường này tăng 81%, từ con số 7.339 lên đến 13.279. Trong đó, người Emiratis đóng góp nhiều nhất với xấp xỉ 7 tỷ Dhs (khoảng 1,9 tỷ USD), Ấn Độ tiếp tục là quốc gia nước ngoài đầu tư lớn nhất vào Dubai với khoảng 1,58 tỷ USD trong quý I/2014. Những nhà đầu tư người Saudi Arabia hay Qatari cũng đóng góp giá trị không nhỏ, với khoảng 490 triệu USD và 340 triệu USD.
“Sự gia tăng số lượng các giao dịch bất động sản và nhà đầu tư tại đây trong 3 tháng đầu năm 2014 có thể nhờ vào triển vọng đầy hứa hẹn của nền kinh tế Dubai mang lại, bao gồm sự trưởng thành của môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ và hệ thống luật pháp minh bạch”, Sultan Butti Bin Mejren, Tổng giám đốc DLD nói.
Theo CBRE dự đoán, thị trường bất động sản Dubai sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong năm 2014, thậm chí những đợt tăng giá gần đây còn dấy lên mối lo ngại rằng, phân khúc bất động sản nội địa đang bộc lộ đà tăng trưởng nóng trở lại và góp phần tăng mạnh chi phí sinh hoạt vốn đắt đỏ ở tiểu vương quốc này.
“Chi phí sinh hoạt bắt đầu trở thành nỗi lo của nhiều người dân với giá thuê nhà tăng trung bình 45% trong 2 năm qua”, Mat Green, Trưởng phòng Nghiên cứu & Tư vấn CBRE Trung Đông nói.
Cụ thể, theo CBRE, giá thuê căn hộ ở Dubai tăng tới 29% trong quý I/2014 so với cùng kỳ năm 2013, bất chấp nỗ lực hạn chế đầu cơ và vay thế chấp của các nhà chức trách. CBRE dự đoán, trong năm nay, thị trường bất động sản Dubai sẽ chào đón 17.000 dự án khu dân cư mới.
Cùng lúc đó, giá thuê biệt thự trung bình ở Dubai tăng 15%. Nếu tính gộp giá thuê chung cư và biệt thự, cho thấy mức tăng xấp xỉ 22% so với cùng kỳ và tăng 2,8% so với quý trước. Theo CBRE, giá thuê và giá bán ở các cụm dân cư dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, tất nhiên, với tốc độ chậm hơn so với năm 2013. Tuy nhiên, kết quả của lạm phát giá cả có thể kéo theo việc hàng loạt người thuê nhà sẽ bỏ đi đến các tiểu vương quốc phía Bắc khác như Shrjah để tìm kiếm những sự lựa chọn nhà ở với mức giá phải chăng hơn.
Ngoài ra, giá cả của những dự án văn phòng thương mại cũng tăng 21%. Song, mức giá hiện tại vẫn được xem là khá rẻ nếu so với mốc giá đỉnh điểm của thời kỳ trước cuộc khủng hoảng với mỗi m2 diện tích văn phòng có giá trung bình khoảng 500 USD/năm, theo CBRE.
Nhân tố quan trọng đóng góp vào tốc độ phát triển khả quan của thị trường địa ốc Dubai là sự kiện Expo 2020 với việc có thể tạo ra 30.000 việc làm và làm gia tăng nhu cầu nhà ở tại đây. Expo 2020 cũng sẽ là bàn đạp thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch trong nước, dự kiến chào đón hơn 25 triệu khách du lịch đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Kinh nghiệm thất bại từ sự đổ vỡ năm 2008 đã trở thành bài học đắt giá đối với thị trường bất động sản Dubai. Chính phủ, cũng như Ngân hàng Trung ương tiểu vương quốc này đang cố đảm đương tốt vai trò của mình, để đảm bảo ngăn chặn làn sóng đầu cơ ồ ạt, tránh tái hiện lại bức tranh bong bóng bất động sản năm 2008. Đặc biệt, sự thay đổi trong hệ thống luật pháp đã nhận được những phản hồi tích cực, đồng thời đem đến nhiều cơ hội đầu tư chắc hơn cho các nhà đầu tư.