Thành phố biển Nha Trang là địa điểm ưa thích của du khách Trung Quốc. Ảnh: Dũng Minh

Thành phố biển Nha Trang là địa điểm ưa thích của du khách Trung Quốc. Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản du lịch thêm sinh khí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Trung Quốc thí điểm mở cửa cho người dân ra nước ngoài du lịch theo tour đợt 2, mà Việt Nam là một trong những điểm đến, được ví như thổi luồng sinh khí mới cho ngành du lịch cũng như phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trong nước, dù còn cần nhiều thời gian thích nghi.

Cuộc đại thanh lọc nhân sự ngành du lịch

Mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Lương Thị Ánh Sen, Phó giám đốc Công ty TNHH Nano Travel (Đà Nẵng) nhớ lại, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại 2021-2022 là quãng thời gian tăm tối nhất đối với các doanh nghiệp, nhân sự hoạt động trong ngành du lịch tại “thành phố đáng sống” nói riêng, cả nước nói chung. Dịch bệnh ập đến bất ngờ và để lại hậu quả kéo dài, khi mới đây, kể cả những tên tuổi lớn nhất của ngành cũng phải đồng loạt cắt giảm hàng trăm nhân sự.

“Chưa bao giờ nhân sự ngành du lịch phải đối mặt với nhiều khó khăn như thế, nhất là với người trẻ. Trong làn sóng sa thải của các doanh nghiệp du lịch đầu ngành tại Thành phố, chỉ những nhân sự kinh nghiệm nhất, có nhiều đóng góp nhất mới được giữ lại, còn lại gần 1.000 người phải ra đi”, bà Sen nói và cho biết thêm rằng, hiện tại, ở Đà Nẵng, lượng nhân sự du lịch thất nghiệp phải chuyển nghề, làm nghề tay trái kiếm thu nhập là khá phổ biến. Trong đó, phần nhiều nam hướng dẫn viên du lịch chuyển sang chạy grab, làm shipper…, còn nữ hướng dẫn viên chuyển sang bán hàng online, do đặc thù ngành này khó có thể làm những công việc khác.

“Với Nano Travel, điều may mắn đến từ việc quy mô doanh nghiệp chưa quá lớn nên có thể xoay chuyển linh hoạt và thích ứng kịp với biến động. Hiện tại, Nano Travel cũng như các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng đều đặt nhiều kỳ vọng vào sự trở lại của du khách Trung Quốc cùng với hiệu ứng tích cực từ Lễ hội pháo hoa sẽ tạo cú huých, giúp thị trường du lịch Đà Nẵng nói riêng, ngành du lịch nói chung trở lại giai đoạn thăng hoa trước đó”, bà Sen nói.

Còn giám đốc vận hành một dự án nghỉ dưỡng tầm trung ở Phú Quốc chia sẻ, chưa bao giờ bà thấy bất lực như hiện tại khi không thể lo chu toàn cho các nhân sự của mình, khiến họ phải bươn trải mọi cách để kiếm sống.

“Đại dịch Covid-19 ập đến quá nhanh, nhưng hệ lụy để lại quá lâu. Đến giờ, ngành du lịch nói chung và khu nghỉ dưỡng của chúng tôi nói riêng vẫn chưa thể phục hồi, một phần vì chịu thiệt hại quá lớn, phần khác do một lượng lớn khách du lịch quốc tế chưa phục hồi, đặc biệt là nhóm khách từ Trung Quốc. Hiện tại, chúng tôi mới chỉ nhận lại được một phần nhân sự, cũng chưa dám mở rộng vì chưa chắc chắn tương lai ngành sẽ ra sao”, vị đại diện khu nghỉ dưỡng bộc bạch và cho biết thêm rằng, có những nhân viên của bà hiện vẫn phải đi mua hải sản gửi về Sài Gòn nhờ tiêu thụ để kiếm thu nhập nuôi gia đình. Tất cả những con người đó từng một thời quần là áo lượt, lúc nào người cũng thơm phức, sang trọng và lịch sự để phục vụ khách trong khu nghỉ, vậy mà giờ nhiều người bị cái nắng, cái gió nhuộm đen đến không thể nhận ra, những bàn tay quen việc nhẹ nhàng thì nay đã chai sạm đi vì nắng gió.

“Chúng tôi hầu như sắp đến giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng, tất cả đều mong chờ ‘cơn mưa rào mùa Hạ’ khi thị trường bước vào mùa cao điểm du lịch hè. Chỉ có thể vực dậy được hoạt động của khu nghỉ thì các nhân sự mới có thể quay trở lại làm việc và đây là điều chúng tôi mong muốn nhất lúc này, chứ không phải tăng trưởng vài chục phần trăm như trước đây nữa”, vị đại diện khu nghỉ dưỡng này nói.

Nha Trang sẽ là điểm đến chủ lực

Trung Quốc cho phép tổ chức lại các đoàn khách du lịch đến Việt Nam là một lợi thế, song cần lưu ý rằng, việc quá phụ thuộc vào một thị trường cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi đặc tính dễ biến động của ngành này.

Trung Quốc mở cửa du lịch quốc tế cho người dân nước này xuất ngoại và Việt Nam là một trong những điểm đến là tin vui với ngành du lịch Việt Nam. Theo thông tin Báo Đầu tư Chứng khoán tìm hiểu được, trước tiên, khách Trung Quốc sẽ tập trung vào 3 điểm đến chính là Hà Nội, Khánh Hoà và TP.HCM. Trong đó, thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) là điểm đến được quan tâm nhất với tần suất 163 chuyến bay từ các địa phương của Trung Quốc tới sân bay Cam Ranh. Nói cách khác, việc khách Trung Quốc khá “chọn lọc” ở các điểm đến cho thấy hiệu ứng từ việc mở cửa du lịch của nước này đến cả ngành du lịch hay các điểm đến khác của Việt Nam còn cần thêm thời gian thẩm thấu.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và Quản lý điểm đến (The Outbox Company) cho rằng, việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa đợt 2 cho người dân nước này đến du lịch được ví như thổi một luồng sinh khí mới cho ngành du lịch Việt Nam. Dẫu vậy, các doanh nghiệp du lịch trong nước cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản hơn đối với thị trường khách Trung Quốc để tránh lặp lại “vết xe đổ” trong việc phục hồi các thị trường quốc tế giai đoạn trước.

“Cần phải nhấn mạnh lại rằng, Chính phủ Trung Quốc chỉ mới đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa cho phép các doanh nghiệp nước này được tổ chức tour du lịch theo đoàn cho du khách từ ngày 15/3/2023, chứ không phải tự do như trước đây. Trên thực tế, ngay cả trong điều kiện mở cửa hoàn toàn, một thị trường bình thường cũng phải cần một khoảng thời gian nhất định để có thể kết nối lại. Do đó, trong điều kiện lạc quan nhất, du khách Trung Quốc chỉ có thể trở lại với Việt Nam sớm nhất từ đầu quý II, thậm chí là phải chờ đến quý III năm nay”, ông Phước phân tích.

Quay trở lại câu chuyện du lịch tại Đà Nẵng, bà Lương Thị Ánh Sen cho hay, hiện tại, dù thực trạng đồng loạt rao bán khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã giảm đáng kể và ngành du lịch Thành phố đang háo hức chuẩn bị đón du khách trong dịp cao điểm du lịch hè sắp tới, nhưng những thách thức không phải đã hết bởi những “tổn thương” mà dịch bệnh gây ra quá nặng nề, cần nhiều thời gian để “chữa lành”.

Theo bà Sen, việc các khách sạn, khu nghỉ dưỡng được xây dựng nhiều, chi phí thuê, mua lớn… nhưng không đạt hiệu suất khai thác mong muốn do ảnh hưởng dịch kéo dài khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, buộc phải rao bán dự án để giảm sức ép tài chính.

Thực tế trên phần nào cho thấy tác động nặng nề mà phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phải gánh chịu thời gian qua. Đây cũng là ngành chịu “tác động kép” từ nhiều năm nay, từ pháp lý cho sản phẩm condotel chậm được hoàn thiện dẫn đến sự đổ vỡ hàng loạt dự án cho đến đại dịch Covid-19. Đến nay, dù Trung Quốc mở cửa trở lại và mang đến kỳ vọng tích cực, nhưng giới chuyên gia cho rằng, vẫn cần nhiều thời gian để ngành du lịch cũng như lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng trở lại “thời kỳ huy hoàng” trước đó.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC cho biết, giai đoạn trước dịch 2009-2019, lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ấn tượng với tốc độ bình quân 16,9%/năm, qua đó thúc đẩy các dự án nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2019, trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 phòng khách sạn trung cao cấp đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào đà tăng trưởng của ngành bất động sản nghỉ dưỡng và ngành này sẽ cần rất nhiều nỗ lực để có thể khôi phục hoàn toàn. Thậm chí, ngay trước khi đại dịch xảy đến, với số lượng lớn nguồn cung phòng lớn được hoạch định và phát triển, ngành du lịch Việt Nam cần nguồn cầu tăng trưởng 20-30% mỗi năm mới có thể theo kịp tốc độ phát triển nguồn cung.

Bình luận thêm về triển vọng từ nhóm khách du lịch Trung Quốc, ông Mauro Gasparotti cho rằng, động thái cho phép tổ chức lại các đoàn khách du lịch đến Việt Nam là một lợi thế, song các nhà phát triển du lịch, dự án nghỉ dưỡng trong nước cần lưu ý rằng, việc quá phụ thuộc vào một thị trường cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi đặc tính dễ biến động của ngành này.

Tin bài liên quan