Bom tấn hạ tầng
Sau thời gian gấp rút giải phóng mặt bằng, đầu tháng 1/2021, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - dự án thành phần 3 đã chính thức được khởi công. Khi hoàn thành, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, công suất 100 triệu lượt hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Được thiết kế để đạt cấp 4F, mức cao nhất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), sân bay Long Thành dự kiến trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế và khu vực. Khi đưa vào sử dụng, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước từ 3-5%.
Thực tế, các dự án hạ tầng lớn như sân bay luôn mang tới một lực đẩy cực mạnh, nâng tầm diện mạo đô thị. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại dịch vụ, du lịch giải trí sẽ có nhiều cơ hội phát triển và một cộng đồng dân cư sầm uất sẽ dần hình thành. Do đó, để đồng bộ hạ tầng gắn kết với sân bay Long Thành sau này, tỉnh Đồng Nai đã khởi động một loạt tuyến giao thông đường bộ như Hương lộ 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…
Mới đây nhất, địa phương này đã đề xuất đầu tư thêm 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, gồm tuyến số 1 dài 3,8 km chạy từ Quốc lộ 51 vào đến sân bay và tuyến số 2 dài 3,5 km nối từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào tuyến số 1, song song với Quốc lộ 51. Tổng kinh phí thực hiện 2 tuyến đường mới dự kiến hơn 4.800 tỷ đồng.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, định hướng không gian phát triển kinh tế Đồng Nai trong giai đoạn tới định hình các huyện Long Thành, Nhơn Trạch là hạt nhân nên có tiềm năng phát triển rất lớn.
Ô tô xếp hàng dài đưa chủ nhân đi thăm dự án Aqua City của Novaland. Ảnh: Lê Toàn |
Đặc biệt, chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế khi sân bay Long Thành và các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đưa vào khai thác, khu vực Long Thành, Nhơn Trạch được xác định là vùng trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ của tỉnh Đồng Nai, mà cả khu vực phía Nam, đặc biệt trong các dịch vụ bất động sản, logistics và tài chính.
Với các doanh nghiệp bất động sản, sân bay Long Thành cũng mang tới động lực tăng trưởng mới. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nhiều doanh nghiệp TP.HCM đã đầu tư những dự án quy mô từ vài chục đến cả nghìn héc-ta tại Đồng Nai.
“Cơ sở hạ tầng ở Đồng Nai được chú trọng đầu tư rất lớn cả trong ngắn và dài hạn từ 10-30 năm, điển hình là những dự án hạ tầng lớn như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cụm cảng Cái Mép… Có thể nói, sân bay Long Thành là cái lõi để kết nối hạ tầng giao thông các khu vực xung quanh”, ông Châu nhấn mạnh.
Bất động sản “cất cánh”
Thực tế, bất động sản Đồng Nai đã sốt nóng từ cách đây hơn 10 năm, thời điểm thông tin xây dựng sân bay Long Thành bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ xô về khu vực này mua đất khiến giá đất tăng vùn vụt.
Đến thời điểm hiện tại, dù chỉ vừa mới bắt đầu khởi công, các dự hạ tầng giao thông kết nối với sân bay cũng đang trong quá trình triển khai, nhưng “sân bay Long Thành” vẫn là từ khóa được nhiều doanh nghiệp địa ốc sử dụng cho hoạt động truyền thông, thị trường bất động sản Đồng Nai vẫn không ngừng chứng kiến sự đổ bộ của nhiều “ông lớn” địa ốc với hàng loạt dự án đại đô thị.
Đơn cử, cuối năm 2019, thị trường một phen xôn xao khi Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An - thành viên của Tập đoàn Đất Xanh, vượt qua một loạt tên tuổi khác đấu giá thành công lô đất vàng tại xã Long Đức, huyện Long Thành, gần khu vực dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, với giá thắng thầu là 3.060 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp đang thực hiện dự án với tên gọi Gem Sky World trên khu đất này, tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.725 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhắc tới Đồng Nai không thể không nói tới Tập đoàn Novaland khi cho mắt mô hình đô thị sinh thái đầu tiên tại thị trường này với tên thương mại là Aqua City, quy mô hơn 186 ha. Đây là dự án có vị trí gần sân bay Long Thành nhất và nằm ngay cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Cho đến nay, hàng nghìn sản phẩm của dự án đã được tiêu thụ.
Ngoài những dự án nói trên, thị trường địa ốc Đồng Nai thêm phần sôi động với sự góp mặt của nhiều nhà phát triển bất động sản tên tuổi khác như Nam Long, Tuấn Lộc, Thăng Long, Kim Oanh, Amata, Phú Đông... với loạt dự án quy mô lớn trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ kết hợp với khu đô thị tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa.
Không chỉ doanh nghiệp, tận dụng những ưu thế sẵn có, UBND tỉnh Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh hoàn thành các thủ tục pháp lý để đưa nhiều khu đất có diện tích lớn, vị trí tốt ra đấu giá, mục tiêu là để lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có thực lực đầu tư vào các dự án theo quy hoạch của tỉnh, với những ràng buộc chặt chẽ như sau 4 năm không triển khai dự án sẽ bị thu hồi và không được bồi thường… Đến thời điểm này, Đồng Nai đã cấp phép đầu tư cho gần 450 dự án khu dân cư trên địa bàn tỉnh, tập trung tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP. Biên Hòa.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai chia sẻ, trong bối cảnh tín dụng thắt chặt hơn với bất động sản, nhưng thị trường địa ốc Đồng Nai vẫn duy trì sự sôi động thời gian qua nhờ kinh tế địa phương tăng trưởng cao và hàng loạt dự án giao thông lớn được đẩy nhanh tiến độ.
“Các doanh nghiệp mới được cấp phép triển khai dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm sớm đưa sản sản phẩm chào bán, mức giá dự kiến tương đương hoặc tăng nhẹ so với thời điểm hiện nay”, ông Lâm thông tin.
Còn ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho hay, các chủ đầu tư lớn đều muốn đầu tư ở Đồng Nai với những dự án khu đô thị quy mô từ vài trăm héc-ta trở lên và điều này giúp giảm áp lực nguồn cung nhà ở trên địa bàn tỉnh cũng như vùng phụ cận.
“Thị trường bất động sản phía Đông TP.HCM đang trong giai đoạn tăng trưởng nên giá sẽ còn tăng, nhất là khi các tuyến giao thông hoàn thiện. Với khả năng kết nối vùng tốt, thị trường bất động sản Đồng Nai được xem là 'thỏi nam châm' thu hút dòng vốn đầu tư và là thị trường chủ đạo tại khu vực phía Nam sau giai đoạn trầm lắng vì dịch Covid-19”, ông Quang nhìn nhận.