Các sàn giao dịch bất động sản bận rộn với nhiều đợt mở bán kể từ đầu năm

Các sàn giao dịch bất động sản bận rộn với nhiều đợt mở bán kể từ đầu năm

Bất động sản đón sóng tháng 5

(ĐTCK) Theo kinh nghiệm, giới kinh doanh bất động sản Hà Nội xác định, thời điểm “làm ăn” chính của lĩnh vực này là tháng 5 và tháng 10 Âm lịch hàng năm.

Nhộn nhịp bung hàng

Theo giới kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản Hà Nội sau Tết Nguyên đán thường rất ít giao dịch. Thời gian này, giới địa ốc thường “ăn chơi, hội hè” là chính, nhịp sống kinh doanh chỉ thực sự trở lại khoảng tháng 4 và dần tăng lên đến đỉnh điểm vào tầm tháng 5 Âm lịch. Sau thời gian này, thị trường sẽ bị chùng xuống, nhất là trong tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch).

Qua tháng Ngâu, thị trường sẽ sôi động trở lại để đáp ứng nhu cầu mua bán, sửa chữa nhà cửa dịp cuối năm của người dân, trong giai đoạn này, tháng 10 Âm lịch là đỉnh điểm của mùa “làm ăn”.

Xu hướng trên đã trở thành quy luật và được giới kinh doanh bất động sản “thuộc nằm lòng” để phục vụ cho hoạt động của mình. Quy luật này đã bị gián đoạn trong 3 năm (2011 - 2013) do thị trường “đóng băng”, nhưng nay, cùng với sự phục hồi của thị trường, quy luật này đang trở lại.

Theo ông Trần Ngọc Quang, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản hiện đang đón nhận nhiều thông tin tích cực, đưa ra những triển vọng sáng sủa trong năm 2014.

“Ngay từ đầu năm, một số sàn giao dịch bất động sản đã có các giao dịch thành công và số lượng các giao dịch có xu hướng tăng, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư loại trung bình. Tâm lý khách hàng đối với bất động sản đã có dấu hiệu quay trở lại, song còn cần nhiều thời gian và cần có sự đảm bảo chắc chắn của các chủ đầu tư và hệ thống chính sách, thì lòng tin này mới được phát triển tiếp”, ông Quang cho biết.

Về phía các đơn vị phân phối, hoạt động của nhiều doanh nghiệp cũng nhộn nhịp hơn với các hoạt động mở bán.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản cuối tuần qua, ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ, kiêm Chủ tịch Liên minh Các sàn giao dịch bất động sản G5 cho biết, đang tiến hành đàm phán với Viglacera để dành quyền phân phối đợt cuối Dự án Thang Long Number One. Ngoài ra, G5 còn chuẩn bị phân phối nhiều căn hộ tại 2 dự án khác là Mỹ Sơn Tower và C37 Bắc Hà.

Ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thái Minh Quang cũng cho biết, Công ty ông cùng Liên minh Các sàn giao dịch bất động sản R9+ đang chuẩn bị đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm căn hộ trên địa bàn Hà Nội, như Dự án Green Stars (234 Phạm Văn Đồng); Dự án HUD3 Tower Linh Đàm…

Ngoài ra, trên thị trường cũng có nhiều dự án đã hoặc sắp mở bán như Viện 103 Văn Quán, 136 Hồ Tùng Mậu, HP Landmark Tower, Hei Tower, Thăng Long Victory…

Theo ông Giang, tháng 6 này, thị trường sẽ có khoảng 9 dự án bất động sản ra hàng, cung ứng một lượng căn hộ không nhỏ.

Ngoài phân khúc căn hộ chung cư, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn bất động sản 24h.net cho biết, thời gian này, thị trường cũng đang bị thu hút nhiều bởi phân khúc đất nền bình dân, có giá trên dưới 1 tỷ đồng/nền. Tuy nhiên, những dự án thu hút được sự quan tâm của khách hàng thường nằm ở khu vực gần trung tâm, hạ tầng tương đối hoàn thiện, có tiến độ xây dựng nhanh và do chủ đầu tư có uy tín thực hiện. Trong khi đó, một vài dự án tuy cũng được triển khai với tiến độ tốt, nhưng nằm ở vị trí không thuận lợi, hạ tầng thiếu thốn hoặc chưa có gì thì rất khó bán.

Tích cực tuyển nhân viên

Việc thị trường sôi động trở lại khiến các sàn giao dịch bất động sản thiếu hụt nhân viên và đang tích cực tuyển người. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, nếu thời điểm giữa năm 2013, 24h.net chỉ duy trì hoạt động cầm chừng với khoảng 5 nhân viên, thì đến thời điểm này, con số lao động mà Công ty đang sử dụng đã tăng gấp 10 lần.

“Với khoảng 50 nhân viên làm việc liên tục, nhưng lúc nào chúng tôi cũng bận bù đầu với công việc”, ông Quỳnh nói và cho biết, phương thức bán hàng bây giờ đã khác trước, khách hàng hiện nay thật sự là thượng đế, nên để bán được hàng, các nhân viên sàn phải tìm đủ mọi cách để làm cho khách hàng hài lòng. Vì vậy, hiện nhân viên môi giới không ngồi ở sàn như trước nữa, mà phải đi xuống từng dự án để bán hàng.

Đồng quan điểm, ông Vũ Kim Giang cho biết thêm, các nhân viên môi giới bất động sản có kinh nghiệm hiện nay rất khó tuyển dụng, bởi sau một thời gian dài thị trường “đóng băng”, nhiều người đã chuyển nghề và không muốn quay lại. Những người mới bước vào nghề hiện nay còn thiếu kinh nghiệm, nhiều người chỉ làm được thời gian ngắn đã bỏ, nên các sàn phải tổ chức tuyển dụng liên tục.

“Nếu thị trường có xu hướng phát triển tốt, thì cũng phải mất khoảng 2 năm mới cho ra lò được một lớp nhân viên môi giới có nghề”, ông Giang nói và nhìn nhận, hiện các sàn giao dịch bất động sản đang khó khăn trong việc tuyển người.

Đánh giá về các đơn vị phân phối và dịch vụ bất động sản, ông Trần Ngọc Quang cho biết, các dịch vụ bất động sản vẫn phát triển một cách thiếu đồng bộ và yếu kém, đặc biệt trong việc quản lý vận hành các bất động sản, trong đó quản lý chung cư là một phần. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư, đơn phân phối đã thực sự nỗ lực và sáng tạo trong cách làm, hướng tới hoạt động chuyên nghiệp và minh bạch, nên đã góp phần thúc đẩy thị trường và khơi dậy lại lòng tin của khách hàng. Trong khi đó, thời gian khủng hoảng vừa qua của thị trường giúp nhiều chủ đầu tư rút ra được bài học đắt giá.

“Từ giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ khủng hoảng và quá trình phát triển doanh nghiệp, cùng với phong trào đầu tư bất động sản ào ạt đã mang lại những bài học đắt giá. Thoái vốn, phát triển các dự án cẩn trọng, liên doanh liên kết cùng đầu tư, mua bán doanh nghiệp, phá sản, giải thể… của các nhà đầu tư cho thấy, bài học đó đã phần nào thấm thía đối với mỗi doanh nghiệp”, ông Quang đánh giá và cho biết, những điều nêu trên chỉ là những điểm sáng trong bức tranh tổng thể lớn, chưa thực sự mang tính bền vững. Sự chuyên nghiệp trong đầu tư bất động sản, sự đồng bộ của các thành tố trong thị trường, sự hoàn chỉnh của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật…, cần có thời gian, đồng thời cũng cần có sự khởi sắc chung của các thị trường khác trong nền kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Maxland cho biết, việc thị trường có duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt như trong mấy tháng đầu năm hay không, còn phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa lại có cái nhìn lạc quan khi cho rằng, thị trường bất động sản vẫn đang đón nhận những tín hiệu vui, như tính thanh khoản ngày càng tăng, dư nợ cho vay bất động sản tăng lên, trong khi giá bất động sản lại giảm đến điểm tiệm cận với khả năng tài chính của người dân… Đó là những yếu tố có thể tạo nên sự “hưng phấn” cho thị trường trong thời gian tới.

Các dự án có thanh khoản tốt nhất và nguyên nhân dẫn tới việc khan hàng tại những dự án này sẽ được Đầu tư Bất động sản điểm lại trong chuyên đề đặc biệt “Cuộc chơi lớn bắt đầu” xuất bản vào cuối tháng 6 này.

Tin bài liên quan