Bất động sản công nghiệp với bài toán giữ chân khách hàng

Bất động sản công nghiệp với bài toán giữ chân khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Mức thuế đối ứng cao mà Mỹ đưa ra đang khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư e ngại, trong đó mảng bất động sản công nghiệp có thể sẽ chịu tác động lớn.

Phản ứng nhanh

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lệnh áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam cao nhất lên tới 46%, áp dụng từ ngày 9/4/2025. Ngay sau đó, sáng ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành để ứng phó, trước bối cảnh cạnh tranh thương mại sẽ diễn ra gay gắt và khó đoán định.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, có giải pháp ứng phó linh hoạt, đồng thời chỉ đạo thành lập ngay tổ phản ứng nhanh do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn về các giải pháp.

Theo Thủ tướng, thời gian tới cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, xanh hoá, số hoá, dựa vào khoa học công nghệ, gắn với hội nhập sâu rộng, mở rộng và đa dạng hoá thị trường. Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên không thay đổi.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu, Dragon Capital cho biết, chính sách thuế của Mỹ đưa ra cao hơn nhiều với dự báo của các nhà đầu tư. Mức thuế lên tới 46% có tác động trực tiếp đến xuất khẩu, vì chi phí xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhiều hơn so với một số nhiều quốc gia khác. Điều này có thể khiến đơn hàng nhập khẩu từ Việt Nam chuyển dịch sang các nước có mức thuế thấp hơn.

Theo bà Minh, tác động lớn tới Việt Nam có thể thấy trước là sức cầu hàng hóa giảm. Tổng tác động giảm mà Dragon Capital ước tính vào khoảng 13,4 tỷ USD. Đáng lưu ý, ở mức thuế mới áp cho hàng hoá Việt Nam là 46%, cao hơn một số nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở nhiều ngành hàng, có thể dẫn tới tình trạng một số nhà sản xuất dịch chuyển từ Việt Nam sang nước khác, ước tính mất thêm 24 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, Việt Nam có thể sụt giảm tới 37,5 tỷ USD, tương đương 9% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Đại diện Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cho rằng, chưa rõ cách tính và áp thuế 46% như thế nào, nhưng việc Mỹ áp thuế cao với Việt Nam sẽ tác động đến doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực cũng như hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Động thái bán tháo cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán lao dốc cho thấy sự lo ngại của các nhà đầu tư về vấn đề này.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhận xét, quyết định áp thuế mới của Mỹ lần này quá cao so với dự đoán của giới phân tích. Trước đó, các chuyên gia dự đoán, mức thuế sẽ dao động phổ biến trong khoảng 20 - 30% đối với một số ngành hàng cụ thể, nhưng thực tế nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, phải đối mặt với mức thuế cao hơn dự kiến.

Ông Ngọc nhận định, nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ chịu tác động không nhỏ khi các nhà sản xuất lớn nhiều khả năng phải tìm kiếm địa điểm mới để đặt nhà máy sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro từ các chính sách thuế quan mà chính quyền Donald Trump áp đặt. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến sản xuất hấp dẫn cho các công ty tìm cách tránh những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các doanh nghiệp lớn dần dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng trong bối cảnh mới, các công ty buộc phải xem xét lại chuỗi cung ứng và đặt ra câu hỏi về việc có nên tìm đến một quốc gia khác để sản xuất hay không.

Một số điểm cần lưu ý

Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, mức thuế suất 46% nếu được áp dụng sẽ không áp dụng cho tất cả hàng hoá Việt Nam, mà chỉ áp dụng cho nhóm các sản phẩm bị coi là “đe doạ an ninh kinh tế Mỹ”. Các doanh nghiệp có thể tra mã HS Code trên hệ thống của Hải quan Mỹ để kiểm tra thuế chính xác cho từng mặt hàng. Cùng với đó, có thể xem danh sách hàng chịu thuế 46% tại Phụ lục Thông cáo của Nhà Trắng. Kỳ vọng, chính sách thuế này sẽ thay đổi theo hướng giảm, nếu Việt Nam đàm phán thành công, ví dụ cam kết giảm nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc.

Ông Vũ Công Trụ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietnam Solution cho biết, ngày 2/4/2025, ông Donal Trump mới đưa ra lệnh áp thuế đối ứng ở mức cao, nhưng từ cuối năm 2024, dòng vốn FDI và sự quan tâm của nhà đầu tư từ Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm, cho thấy sự phán đoán của nhóm nhà đầu tư này với chính sách thuế của Mỹ.

“Thay vì đầu tư ồ ạt, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang chuyển sang làm thương mại xuyên biên giới và tìm hiểu thị trường. Với mức thuế mới, việc thu hút FDI nói chung và mức độ cạnh tranh giữa các khu công nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng khốc liệt, nhất là với nhóm khách hàng từ Trung Quốc”, ông Trụ nói.

Theo ông Trụ, có thể tạm chia các nhà đầu tư FDI hiện hữu thành 3 nhóm: nhóm đang tìm hiểu, thử thị trường; nhóm các nhà đầu tư lớn và nhóm các nhà đầu tư vừa (chủ yếu là các vendor, các nhà cung ứng). Nhóm đầu tiên có thể sẽ có sự điều chỉnh, thậm chí “quay xe” nếu diễn biến thuế bất lợi, bởi nhóm này mới đang tìm hiểu chứ chưa đầu tư nhiều về hạ tầng, nhà máy. Với nhóm thứ hai, thường là các tập đoàn đa quốc gia, có thể sẽ phải thực hiện những điều chỉnh về địa điểm, mặt hàng sản xuất tại Việt Nam và các khu vực khác để thích nghi. Nhóm thứ ba là nhóm đi theo các nhà đầu tư lớn, cũng bị ảnh hưởng do chính sách thuế, nhưng do quy mô không quá lớn nên mức độ ảnh hưởng cũng vừa phải.

Đại diện đầu tư một khu công nghiệp cho rằng, câu chuyện thuế suất còn có những hàm ý chính sách đằng sau. Ông Donal Trump tỏ ra quyết liệt với hàng hoá Trung Quốc hoặc hàng hoá Trung Quốc “núp bóng” quốc gia khác để xuất khẩu sang Mỹ. Việt Nam cần lưu ý điều này để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Tin bài liên quan