Các nhà đầu tư lớn có tiêu chí rất khắt khe khi lựa chọn cứ điểm sản xuất. Ảnh: Dũng Minh

Các nhà đầu tư lớn có tiêu chí rất khắt khe khi lựa chọn cứ điểm sản xuất. Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản công nghiệp Việt Nam cao giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam đang ở vào vị trí có thể chọn lựa các nhà đầu tư chất lượng cao và “bộ lọc” ở các địa phương là rất quan trọng.

Cởi mở nhưng không mở toang

TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đang nổi lên là một trong những địa chỉ được nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp và khách thuê tìm đến bởi sự phát triển của hạ tầng và chính sách khá cởi mở của lãnh đạo địa phương này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND TP. Sông Công, “cởi mở không có nghĩa là mở toang”, mà có sự sàng lọc theo các tiêu chí cứng và tiêu chí mềm để đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế và chất lượng môi trường, chất lượng sống tại địa phương.

Vị đại diện này tiết lộ, trong tháng 4/2020 vừa qua, địa phương đã từ chối hồ sơ đầu tư của một doanh nghiệp lớn liên quan đến ngành vải từ Đài Loan (Trung Quốc) vì lý do không đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường.

Ảnh tác giả

Lợi thế về vị trí và bối cảnh hiện tại cho phép Việt Nam dần bước qua giai đoạn tạo lợi thế bằng các ngành thâm dụng lao động để hướng tới những ngành nghề, công nghệ có hàm lượng chất xám cao.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Công ty Savills Việt Nam

Định hướng TP. Sông Công sẽ là một “khu đô thị công nghiệp” nên việc chấp nhận loại bỏ nhà đầu tư không đảm bảo tiêu chí về môi trường là điều mà địa phương này đã và sẽ còn thực hiện, bởi theo vị lãnh đạo nói trên, nếu không thận trọng, kêu gọi đầu tư dễ dãi rất có thể sẽ “biến TP. Sông Công nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành địa chỉ tập kết công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường”.

Ở một địa phương khác là Bắc Giang, cách tiếp cận này cũng đang được cổ vũ. Phân tích về hướng đi này, ông Nguyễn Anh Quyền, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang cho biết, Bắc Giang chào đón các doanh nghiệp đầu tư bất động sản công nghiệp theo tiêu chí bền vững, phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, kết hợp khu công nghiệp với khu đô thị để giải quyết bài toán nhà ở, an sinh xã hội cho người lao động và các chuyên gia làm việc trong khu công nghiệp.

Do đó, “tiêu chí trong lựa chọn nhà đầu tư sẽ khắt khe hơn, đặc biệt là tiêu chí về môi trường, bởi sẽ không công bằng nếu các doanh nghiệp phát triển bền vững và không bền vững được đối xử như nhau”, ông Quyền nói.

Tại Bắc Giang, Khai Sơn Group là một trong những nhà đầu tư bất động sản công nghiệp truyền thống, nhưng không vì đã “bén rễ” ở đây mà doanh nghiệp này không nỗ lực làm mới mình theo chủ trương nâng chuẩn đầu tư bất động sản công nghiệp của lãnh đạo tỉnh này.

Tiên phong trong phong trào “xanh hóa” các khu công nghiệp, ngay từ giai đoạn 1 Khu công nghiệp Khai Sơn Thuận Thành III và đến giai đoạn 2 đang triển khai, ông Trần Thái Sơn, Phó tổng giám đốc Khai Sơn Group chia sẻ rằng, doanh nghiệp đã thực sự được thụ hưởng thành quả khi các khu công nghiệp do Khai Sơn triển khai có tỷ lệ lấp đầy cao và khách thuê đều là những công ty uy tín.

“Chúng tôi muốn xây dựng các sản phẩm bất động sản công nghiệp không chỉ là nơi tốt cho sản xuất mà còn là địa chỉ có thể thụ hưởng cuộc sống và tái tạo sức khỏe người lao động”, ông Sơn kỳ vọng.

Nhìn nhận toàn cảnh thị trường, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn và Dịch vụ đầu tư bất động sản Kland cho rằng, thực tế những bước chân chuyển dịch sản xuất về Việt Nam của các công ty lớn trên thế giới chưa được như những đánh giá rất táo bạo trước đó vì có những bất cập giữa mong muốn của nhà đầu tư và thực tế bất động sản công nghiệp ở Việt Nam.

Đó là những bất cập về diện tích mặt bằng cơ sở sản xuất, sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông và các ngành phụ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư về một nền sản xuất lớn.

Đồng thời, những hạng mục mang tính an sinh, môi trường cũng cần được quan tâm hơn, bởi theo xu hướng chuyên môn hóa cao của nền sản xuất hiện đại, khu công nghiệp không chỉ là nơi sản xuất tập trung mà sẽ còn là nơi nghỉ ngơi, giải trí và sinh hoạt tập trung.

Khu công nghiệp sinh thái sẽ là xu hướng tất yếu

Khu công nghiệp sinh thái sẽ là xu hướng tất yếu

Câu chuyện mới đây Apple thông tin tạm ngừng kế hoạch lắp ráp iPhone tại Việt Nam vì một phần nhà máy của Luxshare - đối tác sản xuất - tại Bắc Giang chưa đạt đủ yêu cầu về ký túc xá của công nhân cho thấy điều này. Apple lo ngại khi thiếu ký túc xá cạnh nhà máy, Luxshare-ICT Việt Nam sẽ phải tìm cách thuê công nhân ở những nơi xa hơn và vì vậy, đang yêu cầu Công ty Luxshare phải xây dựng thêm các ký túc xá cho công nhân.

“Những tiện ích phụ trợ bên ngoài khu sản xuất đã được coi trọng, còn sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng một chuỗi cung ứng sẽ là những yếu tố tối quan trọng”, đại diện Kland nói.

Cơ hội chọn lọc

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, những tháng cuối năm 2020 và đầu năm tới, những tín hiệu tích cực với thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng sẽ trở nên rõ nét hơn. Sau những bước thăm dò, đánh tiếng, các tập đoàn sản xuất lớn sẽ có các bước đi cụ thể đầu tư vào Việt Nam. Theo ông Thành, những tác động của EVFTA, các quy định mới mang tính cởi mở hơn của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản công nghiệp, cũng như phát triển nền công nghiệp sản xuất.

Trong khi đó, nhìn nhận thành công trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 như một cơ hội lớn, đại diện Kland phân tích, trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch thương mại ngày càng tăng, xu hướng thương mại song phương được cổ vũ thì niềm tin của các nhà đầu tư về năng lực điều hành quốc gia trở nên rất quan trọng.

Trong những ngày gần đây, một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… đã bắt đầu mở chuyến bay quốc tế, trong đó Việt Nam luôn là cái tên đầu tiên được đề cập trong danh sách đối tác mở đường bay, điều này tạo nên những tác động rất tích cực cả về thực chất và hình ảnh quốc gia.

Trong bối cảnh hiện tại, không có làn sóng dịch chuyển nào tạo nên những cuộc ‘tháo chạy’ ồ ạt và thực chất cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng chưa đủ sức đón nhận một cuộc “di cư” sản xuất ồ ạt, nhưng “với sự chủ động của Việt Nam cũng như sự tin tưởng của nhà đầu tư, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2021 sẽ rất nhộn nhịp”, đại diện Kland nhận định.

Đó cũng chính là cơ hội để các địa phương và từng nhà đầu tư bất động sản khu công nghiệp nâng chất sản phẩm và nâng chuẩn lựa chọn khách thuê, bởi theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Công ty Savills Việt Nam, lợi thế về vị trí và bối cảnh hiện tại cho phép Việt Nam dần bước qua giai đoạn tạo lợi thế bằng các ngành thâm dụng lao động để hướng tới những ngành nghề, công nghệ có hàm lượng chất xám cao và đó cũng là tầm nhìn mà các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp cần hướng tới trong việc phát triển các hạng mục trong khu công nghiệp và lựa chọn khách thuê.

Tin bài liên quan