Bất động sản công nghiệp vẫn “nóng”

Bất động sản công nghiệp vẫn “nóng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tháng 10 vừa qua, thông tin về các dự án đầu tư mới có quy mô lớn được công bố dồn dập.

Thêm nhiều dự án đầu tư quy mô trăm triệu USD

Mới đây, Tập đoàn Meiko (Nhật Bản) cho biết sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch điện tử tại Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà (Hòa Bình) vào tháng 3/2024. Dự án có quy mô 9,2 ha, vốn đầu tư 200 triệu USD. Meiko hiện đang sở hữu 3 nhà máy tại Việt Nam (tổng vốn đầu tư 500 triệu USD), 5 nhà máy tại Nhật Bản, 2 nhà máy tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, tập đoàn này đang tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động, đóng góp khoảng 30 triệu USD mỗi năm vào ngân sách Nhà nước.

Năm 2006, Meiko xây dựng nhà máy điện tử đầu tiên tại Việt Nam, ở Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Dự án này là một trong 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất năm 2006 và cũng là dự án sản xuất điện tử lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài thời điểm đó.

Còn theo Bộ Xây dựng, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) đang lên kế hoạch đầu tư nhà máy khoảng 100 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP (Bình Dương). Nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh LEED Gold, sử dụng năng lượng tái tạo. Dự án dự kiến sẽ tạo việc làm cho hơn 6.000 thợ thủ công với công suất hàng năm khoảng 60 triệu sản phẩm trang sức.

Cũng trong tháng 10/2023, Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam có tổng vốn đầu tư trên 750 triệu USD, diện tích sử dụng đất 31,3 ha tại Quảng Ninh đã được khởi động. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, tổ hợp này sẽ tạo doanh thu khoảng 100.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 4.500 lao động với mức lương trung bình khoảng 13 triệu đồng/người/tháng. Sau thời gian được hưởng ưu đãi thuế, dự án sẽ đóng góp cho ngân sách trên 1.400 tỷ đồng/năm.

Với nhóm doanh nghiệp trong nước, mới đây, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP đã đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics, cảng thủy nội địa Ninh Giang ở xã Hồng Phúc (Ninh Giang, Hải Dương) quy mô gần 27 ha. Dự án sẽ có công suất 3 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu được chấp thuận, dự án dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý III/2024, khởi công xây dựng trong quý IV/ 2024…

Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp quý III/2023 của CBRE cho hay, trong quý vừa qua, thị trường phía Bắc tiếp tục ghi nhận những diễn biến khả quan khi có thêm 597 ha nguồn cung đất công nghiệp, tỷ lệ hấp thụ tại các thị trường cấp 1 đạt 215 ha.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tỷ lệ hấp thụ đạt hơn 700 ha, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 18%. Giá thuê trung bình cho thị trường cấp 1 ở miền Bắc đạt 131 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 2% theo quý và 12% theo năm. Đến cuối quý III, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại thị trường cấp 1 đạt 80,2%. Thị trường tiếp tục ghi nhận các giao dịch lớn từ các khách thuê ngành sản xuất nhựa, dệt may, kính áp tròng tại nhiều tỉnh, thành phố.

Tại phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trung bình trong quý III đạt 81,9%. Tỷ lệ hấp thụ đất công nghiệp trong quý đạt hơn 190 ha, tăng 5,9% so với quý trước. Tính chung 9 tháng, tỷ lệ hấp thụ đất đạt hơn 770 ha, gần bằng mức hấp thụ cả năm 2022. Giá thuê trung bình tại các thị trường cấp 1 đạt 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tiếp tục tăng nhẹ 1% so với quý trước và cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường ghi nhận các giao dịch lớn đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản, với đa dạng các ngành công nghiệp như cơ khí, hóa chất, nhựa, cao su, điện tử.

Làn sóng tái thiết lập chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự góp mặt của các tên tuổi mới, hoặc các doanh nghiệp đã “đứng chân” tại Việt Nam tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư đang là thực tế hiện hữu. Đồng hành với đó là sự vươn mình của nhóm nhà đầu tư trong nước.

Bình luận về câu chuyện này, ông Phùng Minh Tâm, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà (HDTC) - chủ đầu tư Khu công nghiệp Bá Thiện cho rằng, các doanh nghiệp nội, các nhà sản xuất trong nước cũng đang rất chủ động mở rộng sản xuất. Đây là nhóm có tiềm lực tài chính “bất ngờ”, điển hình là nhóm các doanh nghiệp ngành nhôm, cơ khí chính xác.

Những “ngôi sao” mới thu hút FDI

Theo CBRE, trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ hấp thụ đất công nghiệp đạt hơn 700 ha, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 18%.

Một điểm mới đang được các thành viên thị trường đánh giá cao là tinh thần cầu thị, trải thảm đỏ với các nhà đầu tư của các địa phương.

Trong cuộc đua thu hút đầu tư, phần lớn các tỉnh đều chủ động phát triển các dự án khu công nghiệp quy mô, đồng bộ, tận dụng các lợi thế về vị trí, giao thông kết nối, cùng với đó là việc rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư. Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu. Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành thủ tục và cấp phép cho nhà đầu tư.

Một diễn biến đáng lưu ý khác là vị thế của Việt Nam trong câu chuyện thu hút đầu tư FDI. Theo dữ liệu của Savills, vào năm 2016, doanh thu từ việc xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại của Việt Nam chỉ đạt mức 34 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2022, lĩnh vực này ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 58 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tương tự, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao khác như điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2016 đạt kim ngạch xuất khẩu 19 tỷ USD. Tuy nhiên, tới năm 2022, giá trị xuất khẩu đã đạt 56 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Các ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp như dệt may hay giày dép chỉ chiếm lần lượt 10% và 4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, giai đoạn 2016 - 2022, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính của Việt Nam tăng 193% và kim ngạch xuất khẩu điện thoại tăng 68%. Điều này phản ánh việc Việt Nam đang tiến tới chuỗi giá trị với tư cách là nền kinh tế định hướng xuất khẩu đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Trong cuộc đua thu hút đầu tư, thời gian gần đây cũng đã chứng kiến những cái tên mới nổi, những địa phương vốn trước đây ít được “quan tâm” thì nay có thể đã trở thành hiện tượng mới. Bắc Giang là một ví dụ, trong 6 tháng đầu năm, địa phương này ghi nhận lượng vốn FDI đăng ký mới trong sản xuất lớn nhất cả nước với 1,06 tỷ USD, tương đương 20% lượng vốn FDI đăng ký mới trên cả nước.

Bình Phước đứng ở vị trí tiếp theo, chiếm tới 11% tổng vốn FDI đăng ký mới, với 577 triệu USD. Ngoài ra, có thể gọi tên một số địa phương khác như Thái Bình, Quảng Ninh… Đây đều là những địa phương đang có nhiều bước tiến trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn FDI, tạo nên những thị trường bất động sản công nghiệp mới, giúp giải nhiệt cho các thị trường cấp 1.

Tin bài liên quan