Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn chung và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế.
“Việt Nam đang nổi lên như là một nền kinh tế có triển vọng hồi phục đầy tích cực sau đại dịch Covid-19, môi trường kinh doanh cải thiện tích cực và trở thành điểm đến an toàn của thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất và dự báo sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt nhất cả trong ngắn, trung và dài hạn”, ông Hà nhận định.
Số liệu cập nhật mới nhất được ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) đưa ra tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 2 vừa diễn ra cuối tuần qua cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu đang xây dựng.
Theo quy hoạch, đến tháng 5/2020, cả nước có 561 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 201.000 ha, trong đó có 374 khu công nghiệp đã thành lập với diện tích khoảng 114.400 ha và 259 khu công nghiệp chưa thành lập với diện tích khoảng 86.600 ha.
Những con số thống kê cũng như dự báo tích cực về lĩnh vực bất động sản công nghiệp khiến thương vụ hợp nhất nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu Viglacera vào Tổng CTCP Thiết bị điện Gelex dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá cho thị trường này, khi cái bắt tay của hai đại gia dẫn đầu ngành với dòng tiền lớn tập trung phát triển mạnh mô hình khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ, cùng hệ thống chuỗi cung ứng các dịch vụ tiện ích khép kín trong toàn bộ hệ sinh thái quanh khu công nghiệp, tận dụng thế mạnh về vốn, kinh nghiệm và lợi thế của đôi bên để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
Theo đó, thương vụ này dự báo sẽ mang lại nhiều quỹ đất hạ tầng có chất lượng cao cho thị trường bất động sản công nghiệp trong thời gian tới như Khu công nghiệp Thuận Thành - Bắc Ninh (250 ha), Huế (1.000 ha), Khu công nghiệp Ðồng Văn 4 mở rộng - Hà Nam (600 ha), Phú Thọ (500 ha), Tây Ninh (700 ha) và các khu công nghiệp tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu…
Dư địa phát triển lớn, nhưng để chớp được thời cơ và hiện thực hóa thành công là bài toán không dễ giải đối với các doanh nghiệp khi vẫn còn những bất cập trong chính sách phát triển khu công nghiệp.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Thế Chinh, Giám đốc Ban Bất động sản Viglacera cho biết, với quy trình thủ tục lựa chọn chủ đầu tư khu công nghiệp phức tạp như hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp lỡ cơ hội đầu tư.
“Với chu trình thủ tục lên tới 3 vòng, trình Thủ tướng 4 lần qua các bộ nhanh nhất thì phải mất tới 2 năm chủ đầu tư mới được phê duyệt dự án. Trong từng ấy thời gian, biết bao cơ hội có thể vuột mất”, ông Chinh nói và kiến nghị, cần xem xét rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư khu công nghiệp để khắc phục các bất cập này, đồng thời đề xuất các địa phương có giải pháp hỗ trợ hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành đầu tư hạ tầng, bởi đây là điểm mấu chốt quyết định tiến độ xây dựng hạ tầng dự án.
Ông Phạm Minh Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho rằng, bất động sản khu công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”, đây là thời cơ chuẩn bị tốt để Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư.
Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư lớn, cần làm tốt được khâu phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, nên cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng, các chủ đầu tư chuẩn bị được quỹ đất sạch một cách nhanh nhất.
“Ðể giải quyết được vấn đề này, cần quan tâm đến các chính sách, đối với các nhà đầu tư phải chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính nhằm giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng, từ đó mới có thể tận dụng triệt để các cơ hội”, ông Phương nói.