Bất động sản công nghiệp: Lấp đầy nhanh, giá tăng vọt

Bất động sản công nghiệp: Lấp đầy nhanh, giá tăng vọt

(ĐTCK) Sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, định hướng xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) được ký kết, cùng các vùng kinh tế trọng điểm được thành lập đã góp phần tạo nên sức hút cho phân khúc bất động sản công nghiệp.

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm sáng công nghiệp của Đông Nam Á. Từ 335 ha đất được dành riêng cho hoạt động sản xuất công nghiệp (năm 1986), đến năm 2018, con số này lên tới 80.000 ha.

Báo cáo mới nhất của Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố nhận định, hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. So với Trung Quốc, chi phí lao động ở Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng 30-40%. Điều này, cùng với một phần tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đẩy nhanh quá trình quyết định để các doanh nghiệp di dời đến Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Ngoài ra, việc Việt Nam nỗ lực mở rộng khu vực thương mại tự do, trong đó mới nhất là Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết vào cuối tháng 6/2019, cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp trong nước.

Thống kê của JLL cho thấy tỷ lệ lấp đầy và giá thuê bất động sản công nghiệp đang ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2019. Theo số liệu từ JLL Việt Nam, năm thị trường công nghiệp hàng đầu tại khu kinh tế trọng điểm miền Nam đều có tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt được mức cao với 81% trong quý II/2019, trong đó dẫn đầu là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Theo đó, Bình Dương và Đồng Nai tiếp tục là điểm đến được các nhà sản xuất mới thành lập săn đón nhờ có sẵn nền tảng để phát triển sản xuất, bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và thủ tục hành chính được thiết lập tốt. Về mức giá, giá đất khu công nghiệp tiếp tục tăng với tốc độ nhanh. Nhu cầu thuê tăng mạnh nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang đã đẩy giá đất trung bình trong quý II/2019 lên mức mới với 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Với mức 162 USD/m2/chu kỳ thuê, TP.HCM tiếp tục là thị trường có giá thuê đất và nhà xưởng cao nhất phía Nam.  Long An hiện đang là thị trường tiềm năng, được xem là lựa chọn mới bên cạnh hai khu vực đầu tư truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai. Mức tăng trưởng giá thuê đất và kho xưởng tại Long An tăng khá cao trong quý khảo sát, tiệm cận mức 120USD/m2/tháng.

Giá thuê RBF toàn thị trường dao động từ 3,5 - 5,0 USD/m2/tháng với thời hạn thuê tối thiểu 3 - 5 năm. Mức thuê này tăng nhẹ so với kỳ cập nhật hai quý trước đó, nhờ nhu cầu đối với loại hình này đang tăng mạnh.

Trong quý II/2019, thị trường khu công nghiệp phía Nam đạt tổng diện tích đất cho thuê là 25.060 ha, cao gấp 2,5 lần so với miền Bắc. Nguyên nhân là do quỹ đất hiện tại đã đạt tỷ lệ lấp đầy cao, nguồn cung nổi bật đến từ các giai đoạn tiếp theo của các khu công nghiệp hiện hữu và/hoặc các khu công nghiệp mới đã được thiết lập để đưa ra thị trường nhằm tận dụng nhu cầu đang ngày càng tăng.

Tại khu vực phía Bắc, báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho thấy, giá thuê trong các quý gần đây  tăng khá so với cùng kỳ. Trong đó, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh là các địa phương có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp cao, xấp xỉ 80%. Trong đó, Hà Nội có giá thuê cao nhất miền Bắc, ghi nhận đạt 140 USD/m2/kỳ thuê.

Theo đánh giá của ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế. Điều này khiến cho bất động sản công nghiệp là một trong những phân khúc đầu tư hấp dẫn nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn. Theo đó, JLL thời gian gần đây ghi nhận sự tăng trưởng ở số lượng nhà các đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp.

Tuy nhiên, ông Stephen cũng lưu ý một  vài thách thức quan trọng khác mà Việt Nam đang đối mặt là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng, mặc dù ngân sách dành cho cơ sở hạ tầng khá cao khi so sánh với các nước khác. JLL ghi nhận nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam phải bị hoãn do quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hút vốn.

Đồng quan điểm, ông Ngô Hữu Tiệp, CEO GIZA E&C cho rằng, với các yêu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài, các mô hình bất động sản khu công nghiệp sẽ có sự chuyển biến theo hướng kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu công nghiệp.

Trong mô hình này, ngoài khu chức năng là khu sản xuất công nghiệp, còn có các khu chức năng khác như: Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí... để tạo môi trường sống và làm việc đủ tốt cho chuyên gia, người lao động. 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan