Bất động sản công nghiệp “dẫn dắt” dòng vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư nước ngoài vào bất động sản lập kỳ tích trong quý I/2022 khi vốn chảy qua các kênh đăng ký mới, điều chỉnh tăng vốn, góp vốn - mua cổ phần tăng vọt lên gần 2,7 tỷ USD.
Singapore tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP Hải Dương

Singapore tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP Hải Dương

Bất động sản công nghiệp trở thành “tay chơi” dẫn dắt

Đòn bẩy chính của dòng vốn ngoại quý I đến từ phân khúc bất động sản công nghiệp. Việc chủ đầu tư Singapore tăng vốn thêm gần 941 triệu USD cho Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh đã giúp tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào bất động sản “nhảy vọt”. Singapore tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý I, với tổng vốn đăng ký đạt 2,29 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Cũng trong quý I, GLP - “ông lớn” bất động sản công nghiệp khác đến từ Singapore, công bố thành lập Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng logistics GLP Vietnam Development Partners I, với tổng giá trị 1,1 tỷ USD. Quỹ sẽ tập trung xây dựng các cơ sở logistics hiện đại, thân thiện với môi trường tại khu vực Hà Nội mở rộng và TP.HCM mở rộng, với khởi điểm là 6 dự án logistics có tổng diện tích đất gần 900.000 m2, cùng với nhiều dự án tiềm năng phát triển trong tương lai.

GLP Vietnam Development Partners I nhắm tới mục tiêu trở thành một trong những quỹ phát triển logistics lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, thu hút các nhà đầu tư đa dạng đến từ các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia và các công ty bảo hiểm đến từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.

Ông Jenkin Chiang, Giám đốc điều hành SEA Logistic Partners (SLP, nền tảng hoạt động kinh doanh của GLP tại thị trường Việt Nam) cho rằng: “Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi thị trường, thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử và làm tăng nhu cầu cả ngắn hạn lẫn dài hạn đối với bất động sản công nghiệp. Trong những năm gần đây, nhu cầu về nhà kho xây sẵn cũng gia tăng đáng kể”.

Trong quý I, SLP đã khởi công xây dựng Dự án SLP Park Xuyên Á (giai đoạn I) tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Giai đoạn I của Dự án dự kiến hoàn thành vào quý I/2023, với tổng diện tích cho thuê 84.000 m2.

“Chúng tôi dự định đáp ứng kịp thời nhu cầu kho vận ngày càng đa dạng của khách hàng, nắm bắt lợi thế trong giai đoạn đầu của sự phát triển và hiện đại hóa lĩnh vực logistics Việt Nam”, ông Jenkin Chiang nói.

Theo ông Graeme Torre, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận Bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Quỹ hưu trí Hà Lan APG Asset Management (APG), việc chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục dịch chuyển đến Việt Nam, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Đại diện Quỹ APG Asset Management cũng cho rằng, lĩnh vực logistics của Việt Nam bổ trợ rất tốt cho các khoản đầu tư trong cùng ngành của quỹ này ở khu vực, đồng thời kỳ vọng mang lại mức lợi nhuận cao sau khi điều chỉnh các yếu tố rủi ro, cũng như tăng thêm giá trị đầu tư cho khách hàng.

Khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng sáng cửa thu hút vốn ngoại

Từ chỗ gần như “đóng băng”, đầu tư vào khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng hứa hẹn sẽ bật mạnh trong những tháng còn lại của năm 2022 nhờ đòn bẩy từ nội lực và vốn ngoại sau khi Việt Nam mở cửa, phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, với lực đẩy từ gói hỗ trợ kích thích kinh tế, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật mạnh sau nhiều năm “ngủ đông”. Đặc biệt, nếu so về giá, thì bất động sản nghỉ dưỡng tại các dự án chưa tăng quá nhiều so với đất vườn, đất vùng ven trong 2 năm qua. Đó là lý do để phân khúc này thu hút nhà đầu tư trở lại.

Bên cạnh các địa phương có thế mạnh về du lịch như Quảng Ninh, Hải Phòng, ở Hòa Bình và Thanh Hóa cũng có nhiều dự án lớn về du lịch, nghỉ dưỡng. Hạ tầng giao thông được kết nối thuận tiện với các đô thị lớn như Hà Nội sẽ góp phần kéo nhà đầu tư đổ tiền vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Đối với mảng khách sạn, ông Steve Carroll, Trưởng bộ phận Dịch vụ khách sạn khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại CBRE nhận định, đây là một trong những ngành được hưởng lợi khi nhiều quốc gia trong khu vực bắt đầu mở cửa trở lại. Lĩnh vực khách sạn mang lại lợi suất hấp dẫn, nhờ đó thu hút đông đảo giới đầu tư. Cùng với đó, chiến lược tái định vị các tòa nhà khách sạn mang đến cơ hội nâng cao mức lợi suất kỳ vọng.

“Ngoài ra, khách sạn còn được xem là kênh đầu tư phòng ngừa lạm phát nhờ đặc tính cho thuê ngắn ngày, thay vì hợp đồng thuê với thời hạn theo tháng, năm như các hạng mục sản phẩm bất động sản thương mại khác”, ông Carroll lý giải.

CBRE đánh giá, khách sạn là một trong những phân khúc được săn đón nhiều nhất, đặc biệt với các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị. Kế hoạch mở cửa và nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch và khách sạn nhanh chóng bùng nổ trở lại sau dịch.

Theo đó, giới đầu tư, gồm cả quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT), công ty tư nhân và nhiều quỹ đầu tư cá nhân (PE) đang đẩy mạnh việc mua lại các tòa nhà khách sạn để nâng cấp dịch vụ nhằm đón đầu xu hướng bật tăng của du lịch. Đồng thời, các đơn vị này cũng tăng cường hoạt động chuyển đổi một số tòa khách sạn thành văn phòng và mô hình căn hộ chia sẻ (co-living space).

Bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam nhận định: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tăng cường mở cửa nhằm thúc đẩy thị trường khách sạn - nghỉ dưỡng hồi phục mạnh mẽ. Hoạt động đầu tư vào ngành khách sạn tại khu vực duy trì đà tăng trưởng ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh. Tại Việt Nam, thị trường được dự báo chứng kiến mức tăng trưởng đầu tư khách sạn tích cực nhờ sự trở lại của nguồn khách quốc tế và tiềm năng phát triển của du lịch trong dài hạn”.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 2,69 tỷ USD trong quý I/2022, cao hơn con số 2,63 tỷ USD của cả năm 2021. Trong đó, hoạt động điều chỉnh tăng vốn và góp vốn - mua cổ phần là hai kênh dẫn vốn chính, với giá trị lần lượt đạt 1,1 tỷ USD và 992 triệu USD.

Tin bài liên quan