Nhiều “ông lớn” chọn Việt Nam là điểm đến
Từ nhiều năm nay, hàng năm đều có đoàn các doanh nghiệp do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tổ chức đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, nhưng có lẽ, chưa bao giờ quy mô đoàn lại lớn như năm nay, khi có tới 52 doanh nghiệp, trong đó có rất nhiều tên tuổi lớn như Boeing, Coca-Cola, CitiBank, Meta, SpaceX, Netflix, Abbott, Apple, Meta, Amazon…, đến Việt Nam từ ngày 21 đến 23/3/2023.
Phần lớn doanh nghiệp tham gia phái đoàn lần này đều có hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Chẳng hạn Apple, dù chưa đầu tư trực tiếp, nhưng đã có nhiều nhà máy của các nhà cung ứng thiết bị cho “ông lớn” này hoạt động tại Việt Nam. Điều này đặt ra kỳ vọng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.
Mới đây, một trong những đối tác lớn nhất của Apple là Goertek đã ký kết Biên bản ghi nhớ thuê lại 62,7 ha tại Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh (Bắc Ninh). Một đối tác sản xuất linh kiện lớn khác của Apple là Foxconn cũng ký hợp đồng thuê khu đất 45 ha tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) với giá 62,5 triệu USD nhằm mở rộng sản xuất. Hợp đồng thuê kéo dài đến tháng 2/2057.
Còn với Boeing, dù chưa đặt trụ sở tại Việt Nam, nhưng trong thực tế, các nhà sản xuất linh kiện máy bay đã vào Việt Nam từ lâu. Tại Hưng Yên cách đây hơn 10 năm đã có nhà xưởng chuyên sản xuất thiết bị cửa chốt cho nhà làm vỏ động cơ máy bay, rồi chuyển đến Mỹ để hoàn thiện chiếc máy bay thương mại.
Nhiều tập đoàn lớn khác cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới. Chẳng hạn Samsung đang tìm cách tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các lĩnh vực khác.
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc (EV) BYD Auto Co có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để sản xuất phụ tùng nhằm tăng thêm chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á như một phần của chiến lược mở rộng toàn cầu.
Như vậy, cùng với sự kiện phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp lớn từ Mỹ đến Việt Nam trong tuần qua thêm một lần nữa khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp điện tử chọn Việt Nam là điểm đến.
Cơ hội cho bất động sản công nghiệp bùng nổ
Việc dòng vốn FDI tiếp tục rót vào Việt Nam đã giúp phân khúc bất động sản công nghiệp có thêm nhiều động lực để tăng trưởng. Theo CBRE Việt Nam, giá phân khúc bất động sản công nghiệp cho thuê cũng như tỷ lệ lấp đầy đang rất tốt trên khắp các khu vực của cả nước.
Dòng vốn FDI tiếp tục rót vào Việt Nam giúp phân khúc bất động sản công nghiệp có thêm nhiều động lực để tăng trưởng, giá cho thuê đang rất tốt trên khắp các khu vực của cả nước.
Tại miền Nam, giá thuê đất bình quân tăng 8 - 13% theo năm và đạt 166 USD/m2/kỳ hạn thuê, cao hơn khoảng 38% so với mức trung bình của khu vực miền Bắc. Giá thuê có thể đạt 280 - 300 USD/m2/kỳ hạn thuê tại các vị trí đắc địa trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương và Long An.
Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên cả nước hiện nay khoảng 80%, trong đó các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt trên 85% tổng diện tích. Riêng tỉnh Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cao nhất cả nước, với 29 khu công nghiệp đang hoạt động, có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%.
Tại phía Bắc, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đạt 83,2%. Những khách thuê tích cực nhất ở miền Bắc là các nhà sản xuất điện tử, năng lượng mặt trời và ô tô. Tiếp theo là doanh nghiệp phát triển nhà kho xây sẵn và nhà xưởng xây sẵn. Giá thuê trung bình ở mức 120 USD/m2/kỳ hạn thuê, tăng 11% so với năm trước.
Với các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp, giá thuê tăng, tỷ lệ lấp đầy cao, trong khi nguồn cung còn hạn chế đã giúp họ thu lợi lớn. Những đơn vị có quỹ đất sẵn sàng cho thuê như IDICO, Sonadezi Châu Đức, Becamex, Viglacera đang được nhiều nhà đầu tư tìm đến đàm phán ký hợp đồng thuê. Dự báo, với giá cho thuê cao sẽ giúp những doanh nghiệp này duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp trên 40% trong năm 2023...
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của nhà đầu tư. Thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam đang có rất nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.
Minh chứng là trong năm 2022, Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) và ESR đã hợp tác thành lập liên doanh trị giá 600 triệu USD. Trong năm nay, ESR tiếp tục mua cổ phần của BW Industrial - công ty bất động sản công nghiệp và logistics lớn tại Việt Nam.
Đại diện Savills Việt Nam dự báo, nhu cầu thuê đất công nghiệp tiếp tục cao trong năm nay, trong đó, điểm đáng chú ý là xu hướng gia tăng đầu tư cho các sản phẩm chuyên biệt như nhà kho xây sẵn (RBW), nhà xưởng xây sẵn (RBF), logistics (kho bãi, hậu cần), data centers (trung tâm dữ liệu)...
“Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối (last-mile logistics) và triển khai hệ thống logistics 4.0. Hơn nữa, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh tại Việt Nam là điểm các chủ đầu tư có thể tận dụng để phát triển thêm dự án mới, tăng nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư”, ông John Campbell nhấn mạnh.