Đây là thời điểm chuyển mình cho bất động sản công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn
Khối ngoại rót vốn
Cuối tháng 10/2020, gã khổng lồ kho bãi châu Á - GLP và SEA Logistic Partners (SLP) có trụ sở tại Singapore chính thức công bố liên doanh 1,5 tỷ USD để đầu tư và phát triển bất động sản logistics tại Việt Nam. Ban đầu, liên doanh này tập trung vào 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM, sau đó sẽ đầu tư vào các tỉnh lân cận.
Sự hợp tác trên cho phép SLP khai thác khả năng quản lý quỹ và phát triển tài nguyên cùng mạng lưới khách hàng toàn cầu của GLP. SLP cũng thông báo sẽ đầu tư hơn 300.000 m2 đất tại Hà Nội và TP.HCM để phát triển 3 dự án bất động sản logistics phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển tại Việt Nam. SLP dự tính tổng diện tích sàn sử dụng là 210.000 m2 sau khi hoàn thành các dự án.
Trong 3 dự án trên, có 2 tài sản sở hữu vị trí chiến lược ở miền Bắc là SLP Park Bắc Giang và SLP Park Bắc Ninh. Trong đó, SLP Park Bắc Giang, với diện tích cho thuê thực là 80.000 m2, đã nhận được cam kết thuê trước 50% từ Jusda, đơn vị hậu cần trung tâm cũ của Foxconn và một khách hàng hiện tại của GLP.
Dự án còn lại là SLP Park Long Hậu được xây dựng tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, vị trí được coi là cầu nối giữa TP.HCM và 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Một thương vụ khác cũng gây sự chú ý không kém của giới đầu tư bất động sản công nghiệp là Tập đoàn Logos Property - một nhà phát triển logistics có trụ sở chính tại Sydney (Australia) đã chi khoản tiền lớn để mua lại khu đất rộng 13 ha tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.
Theo đó, Liên doanh Logos Logistics Việt Nam được thành lập với danh mục đầu tư ban đầu có giá trị khoảng 350 triệu USD tính theo tổng giá trị tài sản. Bên cạnh Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, liên doanh này sẽ phát triển lĩnh vực bất động sản logistics và một số phân khúc khác tại những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Ngoài các thương vụ trên, một số thương vụ khác cũng không kém phần hấp dẫn là Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley tại Bắc Ninh... Trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam...
Thời điểm chuyển mình
“Thị trường bất động sản công nghiệp cũng như các thị trường khác, khi đi đến giai đoạn hoàn thiện nhất định, thì mới đủ điều kiện chuyển nhượng. Thay vì những nhà đầu tư vào thuê đất, giờ xuất hiện các chủ đầu tư, quỹ đầu tư muốn có tài sản lâu dài hơn...”, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, Công ty CBRE Việt Nam nói.
Theo ông Hiếu, Việt Nam đang trở thành điểm sáng bởi hạ tầng được tăng cường đầu tư, hoàn thiện đáng kể, có các hiệp định thương mại tự do, chính sách ưu đãi đầu tư… Chính vì vậy, đây là thời điểm chuyển mình cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.
“Hiện nay, nguồn cung đất phát triển kho vận bị hạn chế ở các vị trí đắc địa, giá thuê cao. Trong khi đó, nhu cầu mở rộng không gian lưu trữ của các công ty thương mại điện tử tăng mạnh, nên việc tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất là điều cần thiết. Theo đó, phát triển kho và xưởng cao tầng ở các khu vực đô thị sẽ là xu hướng tất yếu”, ông Hiếu nói.
Còn ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Bất động sản công nghiệp, Công ty Savills Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm, một số nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng nhất thế giới đang dần ủy thác và thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam, bất chấp những khó khăn hiện tại do đại dịch gây ra.
Theo ông John, tiềm năng của phân khúc nhà xưởng công nghiệp xây sẵn đang trên đà tăng trưởng mạnh. Thế mạnh của dòng sản phẩm này là linh hoạt về diện tích và thời gian thuê, được khối ngoại ưa chuộng. Bất động sản công nghiệp xây sẵn cũng cho phép các nhà cung cấp thận trọng hơn trong việc cam kết thuê đất dài hạn hoặc đàm phán các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng.
“Dự kiến trong năm 2021 và 2022, nhiều nhà sản xuất sẽ dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao. Hơn nữa, các nhà phát triển cho thuê như Liên doanh Phát triển công nghiệp BW đang chạy đua để mở rộng trong thời gian này, tăng nguồn cung ban đầu từ 130 ha trong năm 2018 lên gần 500 ha trong năm nay”, ông John nói.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, Công ty CBRE Việt Nam đưa ra 3 xu hướng chính của các nhà đầu tư từ năm 2020 trở về sau. Đó là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi; chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới gia nhập thị trường Việt Nam, nhu cầu phần lớn được dẫn dắt bởi thương mại điện tử; chủ đầu tư và nhà phát triển tích cực thu mua các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu.
“Những dự án được nhắm tới nằm tại các khu công nghiệp trong quy hoạch và các dự án bất động sản không đạt hiệu quả”, ông Hiếu nhấn mạnh.