Lý do nào Indochina Capital đầu tư lớn cho một dự án BĐS trong thời điểm hiện nay?
Chúng tôi đã nghiên cứu và cân nhắc kỹ môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay và bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu. Tôi cho rằng, kinh tế châu Á sẽ sớm hồi phục, trong đó Việt Nam sẽ là nơi mà kinh tế phục hồi sớm nhất. Chúng tôi có đủ cơ sở để tin rằng, thị trường BĐS Việt Nam có tiềm năng lớn trong tương lai. Nếu chú ý quan sát, chúng ta sẽ thấy nhiều dự án BĐS đang phải thi công chậm lại, trong khi đó tiến trình đô thị hóa tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu, nhu cầu về hàng hóa BĐS còn rất lớn. Mặt khác, khi kinh tế khó khăn, chi phí đầu tư cũng sẽ rẻ hơn, chẳng hạn giá nhân công, vật liệu... đều giảm. Với một NĐT trên thị trường sơ cấp như chúng tôi, đây là thời gian thích hợp nhất để đầu tư vào BĐS. Nếu bây giờ đưa sản phẩm địa ốc ra thị trường có thể gặp khó khăn, nhưng 2 năm nữa - thời điểm mà dự án của chúng tôi hoàn thành, mọi chuyện sẽ khác.
Thời gian vừa qua, nhiều ý kiến bức xúc về việc NĐT nước ngoài tiếng là đổ vốn đầu tư cho BĐS nhưng chủ yếu huy động vốn trong nước để thực hiện dự án. Ông nghĩ sao về điều này?
Tình hình kinh tế suy thoái trên thế giới hiện nay không ảnh hưởng đến tiềm lực đầu tư của Indochina Capital, cũng như không ảnh hưởng nhiều đến việc chúng tôi triển khai dự án sau khi khởi công. Chúng tôi đang quản lý các quỹ đầu tư có giá trị gần 1 tỷ USD và đã thu xếp đủ vốn cho dự án này. Có thể thu hút vốn nước ngoài ở thời điểm hiện tại để đầu tư tại Việt Nam là khó, nhưng chúng tôi đã thu xếp vốn cho dự án này từ 2 năm trước, trong đó có cả nguồn tiền đầu tư của Quỹ và khoản vốn vay của nhiều ngân hàng trong nước.
Tuy nhiên, chúng tôi rất lấy làm tiếc và không hiểu lý do vì sao một số NĐT nước ngoài đã không thực hiện đúng tiến độ hoặc bỏ dở dự án đầu tư đã cam kết. Khi những NĐT nước ngoài hỏi tôi, cơ hội đầu tư tại Việt Nam là gì? Tôi trả lời, đó là nhu cầu về nhà ở. Cơ hội đầu tư về BĐS nói chung ở Việt Nam rất to lớn, kể cả ở góc độ NĐT cũng như nhu cầu thực tế của người dân Việt Nam.
Ông đề cập đến nhu cầu thực tế của người dân Việt Nam, nhưng hiện tại giá bán căn hộ tại những dự án như Indochina Capital triển khai thực sự không dễ chịu với đa số khách hàng. Ông nghĩ sao khi tới đây cung - cầu không thể gặp nhau?
Mặc dù thị trường BĐS Việt Nam đang gặp những trở ngại nhất định, song đây vẫn là thị trường hấp dẫn NĐT. Hiện tại, chứng khoán đang ảm đạm do khủng hoảng kinh tế, USD và vàng tỏ ra kém hấp dẫn khi giá lên xuống thất thường, do đó tôi nghĩ có lẽ là thời gian thích hợp nhất để xem xét trở lại đầu tư vào thị trường BĐS. Hiện nay, vốn tại ngân hàng khá dồi dào sẵn sàng giải ngân cho các dự án hiệu quả, cho vay mua BĐS...
Có thể vốn đầu tư vào một số mảng trong thị trường BĐS Việt Nam đang có phần giảm, do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tiềm năng của thị trường này tại một số thành phố lớn đang tích cực khi các chỉ số kinh tế được cải thiện, thị trường không có dấu hiệu đầu cơ như vài năm trước. Người mua có thêm nhiều lựa chọn, đồng thời thị trường có chọn lọc hơn và yêu cầu đặt ra cho NĐT BĐS cũng cao hơn. Theo điều tra của chúng tôi, khoảng 90% dân thành thị đang sống trong những căn nhà dưới chuẩn, trong khi 80% trong số này có khả năng mua nhà chất lượng. Vì vậy, với NĐT có kinh nghiệm và năng lực, đây có lẽ là cơ hội tốt.
Thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội gần đây rất sôi động, song chúng tôi dự đoán trong vòng 12 tháng tới sẽ giảm nhiệt, bởi nguồn cung khá nhiều. Tuy nhiên, 2 - 2,5 năm tới, khi dự án của chúng tôi hoàn thành, kinh tế được dự báo bắt đầu chu kỳ hồi phục và khi đó nhu cầu văn phòng chất lượng cao tăng mạnh.