Nắng hạn gặp mưa rào
Trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố chính thức, nhiều diễn đàn nhà đất liên tục chia sẻ các bài viết về khả năng nới room như là một tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản những tháng cuối năm. Bởi trong bối cảnh thị trường trầm lắng sau động thái giám sát chặt chẽ tín dụng bất động sản của cơ quản lý nhà nước, việc nâng hạn mức cho vay của các ngân hàng đem đến kỳ vọng tiếp cận vốn tín dụng cho cả người mua nhà lẫn nhà phát triển dự án.
Ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup nhìn nhận, mặc dù lượng vốn tăng thêm chảy vào thị trường địa ốc được dự báo không nhiều, nhưng việc ngân hàng được cấp thêm hạn mức cho vay cũng có tác động tích cực nhất định, bởi việc được cấp tín dụng lúc này cũng chính là yếu tố bảo chứng cho dự án cũng như chủ đầu tư, tạo niềm tin để dòng tiền quay trở lại thị trường.
Còn bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho hay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định không “siết” tín dụng bất động sản, mà là tăng cường kiểm tra giám sát, tránh buông lỏng quản lý, nghĩa là cho vay có chọn lọc đối với các dự án của chủ đầu tư uy tín, pháp lý đầy đủ, được quy hoạch bài bản và có tính khả thi cao, phục vụ cho nhu cầu ở thực...
“Quyết định nới room tín dụng là tín hiệu khả quan đối với thị trường bất động sản, hỗ trợ sức cầu và cả nguồn cung, hoạt động xây dựng và mở bán của các dự án theo đó cũng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn”, bà Dung nói.
Trên thực tế, ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, ngay khi có thông tin về việc nới room tín dụng, đã có khoảng 60 dự án công bố ra hàng hoặc mở bán trở lại từ nửa cuối tháng 8/2022 và đầu tháng 9/2022, phần lớn ở khu vực phía Nam và chủ yếu là các dự án đủ điều kiện mở bán từ đầu năm nhưng phải tạm hoãn trước động thái kiểm soát chặt tín dụng của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi đó, khu vực phía Bắc ghi nhận gần 10 dự án được mở bán mới hoặc mở bán các giai đoạn tiếp theo, trong đó 3 dự án Vinhomes Ocean Park 1, 2 và Vinhomes Smart City nằm trong Top 10 dự án được người tiêu dùng quan tâm nhất trong tháng 8/2022, theo cập nhật của nền tảng và giải pháp lắng nghe mạng xã hội (social listening) Younet. Đứng đầu danh sách này là dự án Merry Land Quy Nhơn của Hưng Thịnh, ngoài ra còn có nhiều dự án lớn khác như The Global City, Eco Green Saigon, Novaworld Hồ Tràm, Grand Marina Hồ Chí Minh…
Đồng quan điểm, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land đánh giá, việc nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại quy mô lớn nhìn chung sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản và tăng dư địa cho thị trường phục hồi.
Nới room thêm 1-2%, thị trường sẽ tốt hơn
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhìn nhận, mặc dù việc nới room tín dụng lần này không dành cho tất cả các ngân hàng, mức nới thêm cũng không nhiều và việc giải ngân cho vay bất động sản còn chưa rõ ràng, nhưng trước mắt vẫn mang lại hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, các dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực cần được “bơm” vốn nhiều hơn, bởi lẽ nguồn vốn từ ngân hàng rất quan trọng đối với doanh nghiệp, được ví như “bà đỡ” cho các dự án trong giai đoạn chưa đủ điều kiện huy động vốn từ ngân hàng.
“Có thể hiểu ngành ngân hàng đang phải cân nhắc kỹ về việc dòng vốn không nên dễ dãi đưa vào những hoạt động không phải sản xuất - kinh doanh trực tiếp, song cần đưa vào các dự án phục vụ nhu cầu thực, tạo lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế”, ông Đính nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, sẽ phù hợp hơn nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng room tín dụng cả năm 2022 từ mức mục tiêu 14% lên mức 15-16% để có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng đưa vào nền kinh tế trong những tháng cao điểm sản xuất - kinh doanh cuối năm.
“Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để xem xét nâng room tín dụng thêm 1-2% nữa trong năm nay do kinh tế vĩ mô đang duy trì sự ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối vẫn ở mức cao hơn 100 tỷ USD…, được các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao”, ông Châu nói.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, một trong những điểm tích cực trong quan điểm làm chính sách thời gian gần đây là không có sự “quay xe” đột ngột, do đó các doanh nghiệp và nhà đầu tư có cơ sở hơn khi hoạch định hướng đi sắp tới của họ. Về nguồn vốn, hiện chưa có số liệu chính thức nhưng quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất rõ ràng.
“Hiện giải ngân đầu tư công mới đạt 40% kế hoạch và Chính phủ muốn đẩy lên 90% tính đến cuối năm, hay như gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đến nay tiến độ giải ngân mới đạt 17%. Những luồng vốn này nếu thấm qua các dự án vào nền kinh tế, vào khu vực tư nhân sẽ giảm áp lực lên các nguồn vốn khác”, ông Thiên nói và cho biết thêm, một vấn đề khác đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm đó là sửa Nghị định 153/2020 về trái phiếu doanh nghiệp, làm sao để không bị ách tắc, dừng đột ngột, giúp tiếp nối dòng chảy vốn vì đây là nguồn vốn dài hạn quan trọng của doanh nghiệp.
“Tinh thần chỉnh sửa Nghị định đã có sự cởi mở hơn cho các dự án tốt, các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm cao được tiếp cận nguồn vốn này dễ dàng, từ đó giúp thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, không chỉ hồi phục mà còn có bước tiến mạnh”, ông Thiên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị BHS Group cho rằng, hiện tại, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ để chọn ra những dòng bất động sản tiềm năng, những chủ đầu tư đủ tiềm lực và đi đúng hướng, những địa phương có lợi thế bền vững. Do đó, người tham gia thị trường lúc này cần phải am hiểu hơn, mất nhiều thời gian nghiên cứu hơn để có quyết định chính xác hơn. Cũng theo ông Tuyển, trong thời gian tới, thị trường sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi vướng mắc pháp lý dự án dần được tháo gỡ, chính sách tín dụng bất động sản cởi mở hơn.