Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Phnom Penh vào tháng 10/2016 nhằm đặt nền móng cho kế hoạch “Một vành đai, một con đường” tại Campuchia, đi cùng phái đoàn là hơn 200 nhà đầu tư Đại lục hừng hực khí thế đầu tư vào thị trường bất động sản đầy tiềm năng nơi đây.
Hiện tại, Phnom Penh, thành phố từng nổi tiếng bởi kiến trúc Khmer mới đã thay đổi chóng mặt, khi các công trình kiểu cũ được thay thế bởi các tòa nhà hạng sang, cao ốc chọc trời, dù thu nhập trung bình của các hộ dân tại thành phố này chỉ vào mức 11.000 USD/năm.
Giá trung bình của các căn hộ hạng sang tại Phnom Penh vào khoảng 3.200 USD/m2 trong quý II/2018, tăng 60% so với năm 2013, theo CBRE Group Inc.
Giá đất tại quận kinh doanh sầm uất bậc nhất là Doun Penh đang được rao bán ở mức 9.000 USD/m2, cao gần gấp 3 lần năm 2014. Nguồn cung căn hộ hạng sang tại thành phố này được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm nay, lên 20.000 đơn vị.
Dù Campuchia là quốc gia nghèo thứ hai tại Đông Nam Á, các dự án được chấp thuận triển khai tại đây đều có quy mô và giá trị khổng lồ. Chẳng hạn, Dự án Harbor Bay của Guangzhou Yuetai Group bao gồm tòa nhà 24 tầng dọc theo đường bờ sông.
Trước năm 2011, nơi đây chưa từng xuất hiện tòa nhà cao hơn 15 tầng. Trong khi một dự án khác của Sun Kian Ip Group sẽ xây dựng nên tòa nhà trung tâm thương mại với giá trị 2,7 tỷ USD, dự kiến trở thành một trong những tòa nhà cao nhất thế giới.
Năm 2017, Bộ Quản lý đất đai Campuchia đã chấp thuận hơn 3.000 dự án bất động sản trên toàn quốc, với giá trị khoảng 6,42 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm 2015, thời điểm trước khi ông Tập Cận Bình tới thăm và làm việc.
Các dự án hạng sang liên tục được xây dựng tại Phnom Penh
Bên cạnh đó, theo số liệu của Hội đồng Phát triển Cambodia, năm 2017, nguồn vốn FDI đổ vào Campuchia tăng gần gấp đôi lên 6,3 tỷ USD, với nhà đầu tư Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất trong 5 năm qua.
“Tốc độ phát triển thị trường bất động sản tại Campuchia thật không thể tưởng tượng nổi. Thị trường căn hộ cao cấp rõ ràng đang trong tình trạng dư cung, doanh số bán hàng và cho thuê đều đang chậm lại.
Không có gì phải chối cãi khi thực tế là chỉ số lượng rất ít người dân Campuchia có khả năng sở hữu những bất động sản này. Nhưng nhờ nguồn tiền đầu tư đổ vào, thị trường vẫn tăng tốc và các dự án không dành cho nhu cầu nội địa”, Ross Wheble, người đứng đầu hãng môi giới bất động sản Knight Frank tại Campuchia cho biết.
Phnom Penh đã trở thành ví dụ điển hình nhất cho trường hợp thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các nhà phát triển, nhà đầu cơ tới từ Trung Quốc và từ đó, các rủi ro ngày càng đáng ngại.
Đa phần các căn hộ hạng sang, tòa cao ốc tại Campuchia đều được nhà đầu tư Trung Quốc mua lại, nhưng họ không sinh sống, cũng không cho thuê, khiến một số khu vực vừa phát triển đã nhanh chóng biến thành “vùng tối”, bị bỏ hoang.
“Nhà đầu tư Trung Quốc chỉ mua và chờ đợi, bởi họ chẳng quan tâm người dân địa phương có mua hay không”, Rithy Sear, chủ tịch hiệp hội các nhà phát triển bất động sản WorldBridge International Co cho biết.
Trong khi đó, người dân tại các khu vực nghèo nhất là đối tượng đầu tiên chịu tổn thương vì những thay đổi chóng mặt của bộ mặt đô thị. Chẳng hạn, hàng nghìn gia đình đã buộc phải rời khỏi nơi ở tại khu vực Boeung Kak, từng là trung tâm cũ của Phnom Penh, trước khi nơi đây được đổ đầy cát phục vụ dự án của một nhà đầu tư Trung Quốc.