Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo "Sức hút đô thị biển/Coastal Appeal”
Cơ hội khi tâm lý thị trường yếu
Theo báo cáo khảo sát thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển trong quý III/2020 vừa được DKRA Vietnam công bố, sức cầu và nguồn cung sản phẩm đều có mức tăng nhẹ, đặc biệt phân khúc nhà phố/shophouse trong các khu đô thị biển phức hợp dần phục hồi và tiếp tục thu hút sự quan tâm của thị trường.
Trong khi đó, sức cầu đối với sản phẩm condotel tiếp tục xu hướng giảm khi trong quý vừa qua chỉ có một dự án condotel mới mở bán, cung cấp ra thị trường 71 căn condotel, bằng 27% so với quý II và rơi thẳng đứng xuống mức chỉ còn bằng 3% so với cùng kỳ năm 2019; mức tiêu thụ chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo này cho thấy, năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa diễn ra, thực sự đã xuất hiện một cơn sốt đầu tư bất động sản biển, các chủ đầu tư đổ xô đi tìm quỹ đất ven biển lập dự án và dù dịch bệnh có tạo ra những đứt gãy tiến độ, nhưng đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cho nguồn hàng bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh, thành phố có biển.
Năm 2018, có tới 8,6 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài và nhóm khách này có kinh nghiệm du lịch cũng như mức chi tiêu cao, họ sẽ có xu hướng khám phá những điểm đến mới tại Việt Nam khi hầu hết các thị trường du lịch quốc tế hiện đều chưa mở cửa.
“Cuộc cạnh tranh thực sự sẽ diễn ra vào năm tới khi thị trường du lịch trở lại đầy đủ và các chủ đầu tư có thêm động lực để tăng cung”, một chuyên gia nhận định nhưng cũng kỳ vọng rằng, dòng tiền đầu tư sẽ đủ sức gánh được nguồn cung này, dù trong cuộc cạnh tranh không phải chủ đầu tư nào cũng chiến thắng.
Với ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam thực tế đã bắt đầu quá trình hồi phục và điều này có được từ “sự manh nha trở lại của dòng khách nội địa và cần tập trung đẩy mạnh thị trường này bằng cách đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch”.
Chia sẻ sự lạc quan, ông Mauro Gasparotti cho rằng, rào cản lớn của du lịch hiện nay chính là tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng chỉ là tạm thời, còn về lâu dài du lịch Việt Nam rất tiềm năng. Cụ thể, năm 2019, khách nội địa đạt 85 triệu trên tổng số 103 triệu lượt du khách. Bên cạnh đó, du khách Việt Nam xuất ngoại đã đạt mức tăng trưởng đáng chú ý, từ 4,8 triệu chuyến đi trong năm 2012 lên tới 8,6 triệu chuyến đi trong năm 2018. Nhóm du khách này có nhiều kinh nghiệm du lịch và có mức chi tiêu cao hơn, họ sẽ có xu hướng khám phá những điểm đến mới tại Việt Nam trong thời gian tới khi hầu hết các thị trường du lịch quốc tế đều chưa mở cửa.
Trở lại với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, từ góc nhìn của một doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án thuộc phân khúc này, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho rằng, chính trong những thách thức của dịch bệnh, của tâm lý thị trường yếu sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính mua lại quỹ đất tốt để phát triển dự án, đón đầu sự phục hồi của thị trường.
Câu chuyện của ông Bảo có dữ liệu thực tế từ những hoạt động M&A rất tích cực thời gian qua của chính Danh Khôi, khi doanh nghiệp này được thị trường tôn xưng là “ông trùm” dự án mùa Covid với việc âm thầm thâu tóm 6 dự án đất vàng ven biển chỉ trong một thời gian ngắn. Ông cho biết thêm rằng, giai đoạn tìm kiếm quỹ đất cũng chính là thời gian để doanh nghiệp nhìn nhận, thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm. Bởi muốn thành công, doanh nghiệp cần phải có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm, phải “làm sao để sản phẩm bất động sản trở thành một loại hàng hóa, vừa có giá trị khai thác vừa có giá trị tiêu dùng”.
Cung đường du lịch được kết nối sẽ giữ du khách ở lại lâu hơn. Ảnh: Shutterstock |
Đại đô thị biển chiếm sóng
Không chỉ Danh Khôi mà thời gian qua, nhiều tập đoàn bất động lớn đã thực sự thay đổi tư duy làm bất động sản biển với chiến lược dài hơi, rõ ràng hơn, tất nhiên cũng sẽ là cuộc chơi đòi hỏi sức bền tài chính, sự kiên nhẫn và tầm nhìn xa hơn.
Chẳng hạn, tại thị trường phía Nam, Novaland dường như đang tập trung cao độ vào các đường bờ biển với chuỗi siêu dự án nghỉ dưỡng thương hiệu NovaWorld Phan Thiết và NovaWorld Hồ Tràm. Dù vẫn khẳng định “đủ sức chiến đầu trên mọi mặt trận” và nhiều phân khúc nhưng rõ ràng ưu tiên 1 của doanh nghiệp này đang là các đại dự án đô thị biển.
Tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm thành lập Tập đoàn mới đây, Chủ tịch Novaland, ông Bùi Thành Nhơn chia sẻ rằng, mong muốn của Tập đoàn với NovaWorld Phan Thiết là sẽ phát triển dự án này thành một siêu thành phố biển - du lịch - sức khỏe với nguồn vốn đầu tư cho riêng dự án này đã lên đến gần 5 tỷ USD.
Có lẽ số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam “dám nói” đến con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng Novaland cũng chứng tỏ mình “nói đi đôi với làm” khi từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù dịch bệnh hoành hành, song dự án NovaWorld Phan Thiết vẫn liên tục được đầu tư mạnh. Hạ tầng dự án và hàng loạt hạng mục được ráo riết thi công như khách sạn H4-Movenpick dự kiến bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2021; dự kiến tháng 12 năm nay khởi công khách sạn Novotel, dự kiến hoàn thành giữa năm 2022.
Tất nhiên, như ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân nhận định, “khi kết nối từ TP.HCM về Phan Thiết bằng 100% cao tốc thì thời gian di chuyển chỉ còn 1h30 - 2h, rất thuận tiện cho dòng khách đô thị đến nghỉ ngơi cuối tuần” và không chỉ một mình Novaland muốn “chia phần” miếng bánh đó. Chỉ riêng năm 2019, Bình Thuận đón 18 siêu dự án bất động sản, trong đó đa số là bất động sản biển.
Chẳng hạn, Hưng Lộc Phát cũng đang có tham vọng phát triển dài hơi ở Phan Thiết với dự án Mũi Né Summerland Resort - tổ hợp giải trí và tiệc tùng theo mô hình Lasvegas.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó tổng giám đốc Công ty Hưng Lộc Phát tiết lộ, dự án Mũi Né Summerland Resort đang đẩy mạnh tiến độ triển khai và hạ tầng cơ bản đã được xây dựng, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào sử dụng đúng với thời điểm hoàn thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Hưng Lộc Phát cũng đang tiến hành lựa chọn một số đơn vị để quản lý vận hành dự án, trong đó có Tập đoàn Samsung.
Với các động thái xúc tiến ráo riết của các tập đoàn tư nhân và những lời mời gọi hấp dẫn của lãnh đạo các địa phương như chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tại lễ khởi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam mới đây rằng “Bình Thuận đang phấn đấu để đưa Mũi Né trở thành điểm đến hàng đầu Đông Nam Á”, các cực nóng bất động sản nghỉ dưỡng khác đang dần lộ diện.
Tại Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), đại đô thị biển KN Paradise có quy mô hơn 800 ha của Công ty Golf Long Thành được phát triển theo mô hình siêu đô thị biển với đầy đủ dịch tiện ích như một thành phố thu nhỏ.
Tại Bình Định, Hưng Thịnh cũng đặt nền móng để phát triển một siêu dự án nghỉ dưỡng khi mới đây tập đoàn này đã “thâu tóm” thành công hơn 1.000 ha quỹ đất tại Nhơn Hội, Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Đình Trung tiết lộ, Hưng Thịnh đang triển khai quỹ đất này thành một “đại đô thị” bao gồm shophouse, resort, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí mang tầm cỡ Đông Nam Á.
Cũng tại Nhơn Hội, sau khi thâu tóm thành công quỹ đất ven biển lớn, Danh Khôi đang phát triển 17 block căn hộ ven biển sở hữu vĩnh viễn với tổng vốn đầu tư ước khoảng 25.000 tỷ đồng.
Rõ ràng, đang xuất hiện những cuộc cạnh tranh song song, địa phương cạnh tranh với địa phương trong việc mời gọi “những con sếu lớn”, doanh nghiệp cạnh tranh với doanh nghiệp trong việc chọn quỹ đất tốt, đẩy nhanh và tăng sự hấp dẫn của dự án để thu hút nhà đầu tư và khách du lịch. Tuy nhiên, đó là sự cạnh tranh mà các bên đều được như một chuyên gia chia sẻ tại hội thảo thu hút đầu tư vào các vùng đất mới tổ chức tại Bình Định cách đây ít lâu rằng, “các đô thị biển lớn ở nhiều địa phương sẽ dễ dàng được kết nối trở thành con đường du lịch, giữ du khách ở lại Việt Nam lâu hơn và mở hầu bao rộng hơn”.
Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo "Sức hút đô thị biển/Coastal Appeal”
Năm 2020 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi đây là thời điểm đồng loạt xuất hiện các "siêu dự án" ven biển và làn sóng đầu tư hướng biển mạnh mẽ nhất trong một thập kỷ qua. Sự khởi động của các dự án hạ tầng giao thông lớn, sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới sẽ là nền tảng cho sức bật này. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng nguồn hàng tại nhiều tỉnh, thành phố như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên... để sớm bung ra thị trường.
Các đại dự án đô thị, dự án khu đô thị biển phức hợp được sở hữu lâu dài với hệ sinh thái nghỉ dưỡng và trải nghiệm cũng như buôn bán, kinh doanh hấp dẫn, sẽ là những sản phẩm dẫn dắt xu thế phát triển của bất động sản ven biển trong thời gian tới.
Trong xu thế mới này, đâu sẽ là sản phẩm thực sự đáp ứng “khẩu vị” khách hàng? Nhà phát triển dự án nào sẽ đủ tầm đánh thức được tiềm năng giá trị của các dự án biển? Làm thế nào để biến bất động sản biển thành sản phẩm hàng hóa? Trong các đại đô thị biển có được hình thành cộng đồng dân cư? Đối với phần đất kinh doanh thương mại trong các dự án đại đô thị biển có thời gian sở hữu 50 năm hoặc thấp hơn, người mua sẽ được giải quyết quyền lợi như thế nào sau khi thời hạn sở hữu kết thúc...
Tất cả những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong Hội thảo "Sức hút đô thị biển/Coastal Appeal” do Báo Đầu tư tổ chức. Hội thảo sẽ chính thức diễn ra vào sáng thứ Tư, ngày 14/10/2020, tại Khách sạn Eastin Grand Saigon (253 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Hội thảo dự kiến có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, lãnh đạo ngành du lịch, các chuyên gia trong nước và quốc tế có kinh nghiệm quản lý, vận hành các dự án biển thế giới, các đơn vị nghiên cứu thị trường và đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp đang trực tiếp triển khai các dự án đại đô thị biển.