Giá đất ngừng “nhảy múa”
Khoảng giữa tháng 2/2020, ngay sau khi có thông tin về việc Tập đoàn Vingroup đề xuất xin khảo sát thực hiện dự án Khu đô thị tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thị trường bất động sản ở đây đột nhiên lên cơn sốt nóng.
Dọc Quốc lộ 56, đoạn chạy qua xã Bình Ba, các nhà đầu tư và cò đất đổ về đây đông như trẩy hội, xe ô tô cá nhân đậu chật kín đường. Việc mua bán đất đai với trị giá hàng tỷ đồng cũng diễn ra nhanh như mua mớ rau, con cá ngoài chợ.
Cũng tại thời điểm này, qua những giao dịch sang tay chớp nhoáng, giá đất tại vùng quê có diện tích phần lớn dùng để trồng cây lâu năm liên tục “nhảy múa”.
Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dọc Quốc lộ 56 hoàn toàn thông thoáng, không còn cảnh xe ô tô đậu dài dọc ven đường như trước nữa. Đội ngũ “cò đất” ngày đêm túc trực tại đây trước đọ, hiện cũng không còn một ai. Nhưng cũng không khó để nhận ra rằng nơi đây đã từng xảy ra một cơn sốt đất. Bởi những tờ rơi, biển quảng cáo, rao bán đất ngày nào vẫn còn nằm vất vưởng trên những cột điện, gốc cây ven đường.
Trao đổi với chúng tôi, anh Chung, chủ một quán cafe ở đây cho biết, xã Bình Ba thời điểm đó như điên loạn, bởi người người, nhà nhà đổ về mua bán đất quá đông. Giá đất cũng tăng lên từng phút, thậm chí từng giây, khiến người mua không có thời gian để trả giá.
Những khu đất nằm sâu trong rừng cao su được rao bán với giá cao ngất ngưởng
“Tôi đã chứng kiến có người mua một lô đất với giá 200 triệu đồng một mét ngang buổi sáng, buổi trưa bán 270 triệu đồng, đến chiều muốn mua lại 330 triệu đồng mà không được”, anh Chung nói và cho biết thêm, ở thời điểm đó, công an phải ra treo biển cấm đậu xe, ai để ra lề đường là bị phạt. Thế nhưng lượng người đổ về vẫn mỗi ngày một đông.
Chị Thanh, chủ một quán nước ở trên mặt tiền đường Quốc lộ 56 cũng chia sẻ, từ khi mở quán nước tới nay, chưa bao giờ chị đắt khách như mấy ngày đó. Khách ra vào và ngồi chật kín quán từ sáng tới tối, toàn đi ô tô rồi nói chuyện, trao đổi với nhau chủ yếu liên quan đến mua, bán đất.
“Chỉ được một thời gian ngắn rồi đột nhiên họ biến mất, không thấy quay lại đây nữa. Chỉ có các cò đất túc trực để đón khách, nhưng cũng được một thời gian rồi thưa hẳn”, chị Thanh nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt nhanh chóng hạ nhiệt là do chính quyền huyện Châu Đức đã tích cực lên tiếng, đưa ra cảnh báo đối với người dân và các nhà đầu tư nên cẩn trọng. Bởi việc Tập đoàn Vingroup xin khảo sát để xin đầu tư dự án ở xã Bình Ba chỉ đang ở dạng đề xuất, chưa có quyết định phê duyệt chính thức nào. Do đó, người dân và nhà đầu tư hết sức cẩn thận trước cơn sốt đất ảo này.
Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng có “bàn tay” chi phối của giới đầu cơ, khi giới đầu cơ rút lui thì thị trường cũng nhanh chóng nguội lạnh, giá đất cũng ngừng “nhảy múa”.
“Cò” vật vờ tìm khách
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, mặc dù cơn sốt đã đi qua, giá đất cũng ngừng “nhảy múa”, nhưng giá đất ở đây vẫn neo ở mức và đã thiết lập mặt bằng giá mới.
Cụ thể, ở thời điểm cuối năm 2019, giá đất tại khu vực mặt tiền Quốc lộ 56 chỉ dao động ở mức 250 - 300 triệu đồng/mét ngang. Nhưng sau khi “cơn sốt” ập đến, giá đất ở khu vực này lần lượt tăng lên 400 - 500 triệu đồng/mét ngang. Những lô đất trong hẻm nhỏ, cách xa trục đường chính cũng có giá bán lên tới 200 - 250 triệu đồng/mét ngang.
Hiện tại, giá đất tại khu vực mặt tiền Quốc lộ 56 có giá khoảng 550 - 600 triệu đồng/mét ngang, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2019. Nhiều khu vực trồng tiêu, trồng chuối trong các con hẻm đất đỏ cũng đang được rao bán với giá 250 triệu đồng/mét ngang.
Những biển rao bán đất 2 bên đường
Trong vai khách hàng có nhu cầu tìm mua đất để đầu tư, chúng tôi gặp Hoàng, một “cò đất” đang ngồi chờ khách trong một quán cafe gần trụ sở UBND xã Bình Đa. Biết chúng tôi đang có nhu cầu tìm mua đất ở đây, “cò” Hoàng liền giới thiệu cho chúng tôi về “đại dự án” của Tập đoàn Vingroup và khẳng định chắc nịch rằng, giá đất ở đây chỉ có tăng chứ không giảm được.
“Anh cứ mua đi rồi em tìm khách để bán lại cho, mua bán chỉ cần giấy viết tay chứ không phải thủ tục gì cho lằng nhằng”, Hoàng nói và trấn an thêm, bây giờ mà anh không mua thì sau khi dự án triển khai lại không mua nổi đâu.
Sau khi nói chuyện và trao đổi một hồi, chúng tôi đồng ý để Hoàng dẫn đi coi đất. Men theo con đường đất đỏ lởm chởm, chúng tôi được dẫn đến một khu vực đất trống, xung quanh được trồng tiêu và cao su. Lúc này, “cò” Hoàng chỉ tay vào khu đất trước mặt rồi nói, khu đất này có 50 mét ngang, dài hơn 100m, giá bán là 15 tỷ đồng, tương đương 300 triệu đồng/mét ngang.
Khi thấy chúng tôi tỏ vẻ không đồng ý vì không đủ tiền để mua cả thửa, “cò” này liền bảo, nếu không đủ tiền thì có thể mua theo khả năng, tức là mua đến đâu thì “cắt” đến đó. Nhưng thấy chúng tôi vẫn lắc đầu và chê đường vào nhỏ, giá cao, “cò” Hoàng liền để lại số điện thoại rồi quay đi.
Ghé vào một quán ăn ven Quốc lộ 56 để nghỉ chân rồi lân la hỏi chuyện về việc mua, bán đất ở khu vực này, chúng tôi được chị Hạnh, chủ quán cho biết, hiện tại không còn sốt nóng như trước nữa. Hàng ngày, các “cò đất” vẫn vật vờ ở đây để tìm khách. Cứ hễ thấy bảo ở đâu có khách, hay có người tới hỏi mua là họ chạy tới để chào mời ngay.
“Nghe đâu bảo mỗi lần giới thiệu thành công thì họ nhận được 15 - 20 triệu tiền môi giới gì đấy. Nhưng từ khoảng 2 tháng nay, không thấy các xe ô tô, đoàn khách lạ nào kéo tới nữa thì họ cũng chẳng bán được cho ai”, chị Hạnh nói và cho biết thêm,
Người dân ở địa phương thì không có nhu cầu mua đất với số lượng và diện tích như thế. Thậm chí, nhiều người còn nói vui rằng, người dân Bình Ba giờ đang ngồi trên đống vàng. Không phải vàng 9999, mà là vàng da, vàng mắt… Bởi quy hoạch của vùng vẫn chưa có gì thay đổi, cơ sốt đi qua làm hỗn loạn cuộc sống yên bình của một vùng quê.
“Trong cơn sốt đất vừa qua, có không ít gia đình bỗng nhiên lên đời vì bán được đất nông nghiệp giá cao. Mua sắm xe cộ, đồ đạc tiện nghi cho gia đình. Nhưng cũng có không ít gia đình lục đục, con cái bất hòa vì chia tiền bán đất không đều…”, chị Hạnh nói.
Theo anh Tuấn, một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, trong những người chen nhau mua đất lúc sốt nóng thì hiện tại chắc chắn sẽ có không ít người đang phải ôm đất, ôm cục nợ. Bởi cơn sốt ập tới xã Bình Ba rất nhanh nhưng khi đi cũng không hề chậm, nên việc ra hàng ngay là điều rất khó.
“Những nhà đầu tư này chủ yếu đến từ tỉnh khác. Ở thời điểm hiện tại, họ chỉ còn cách gửi lại để cò tìm khách mua. Chứ rất khó để thị trường nơi đây sốt lại một lần nữa khi dự án lớn vẫn chưa có bất cứ thông tin nào”, anh Tuấn nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com