Tái diễn chiêu trò cũ
Bà Nguyễn Thị Liên (ngụ quận 5, TP.HCM) kể, do có nhu cầu mua đất tầm 500 triệu đồng nên cuối năm 2023 bà lên mạng tìm hiểu và thấy một mẫu quảng cáo bán đất nền ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) với giá chỉ 260 triệu đồng/nền. Sau đó, bà liên hệ thì được người tên Quân tự xưng là nhân viên của một công ty môi giới đang rao bán lô đất mời chào, hướng dẫn và cho xe đến tận nhà chở đi xem đất.
Sau khi xem và nhận 200 triệu đồng tiền cọc, nhân viên này hẹn bà Liên đi công chứng giấy tờ đất, đồng thời mời mua thêm một lô đất khác cạnh lô đất bà đặt cọc để đi công chứng một lượt.
Tin lời, bà Liên đồng ý chuyển thêm 150 triệu đồng nữa với nội dung “đặt cọc mua đất Bảo Lộc”. Thế nhưng, khi tới phòng công chứng thì nhân viên này mới thông báo lô đất bà mua có giá 1,5 tỷ đồng, 2 nền là 3 tỷ đồng, nếu không mua thì tiền đặt cọc trước đó coi như mất.
Khi bà Liên nói không khả năng mua thì nhân viên môi giới đề nghị bà đổi sang mua một lô đất ở vị trí khác với giá là 1,2 tỷ đồng. Bà Liên không đồng ý và đi khiếu nại để đòi lại tiền nhưng không được giải quyết. Hiện tại, bà Liên đang chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện nhân viên và công ty môi giới này.
Cũng là một nạn nhân của chiêu trò “treo đầu dê, bán thịt chó”, lùa khách đi mua đất nền ở tỉnh, ông Trần Văn Phú (ngụ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã phải chấp nhận mua mảnh đất 900 triệu đồng, thay vì 300 triệu như lời quảng cáo.
Theo trình bày, ông Phú nhận được thông tin quảng cáo bán đất nền Bảo Lộc giá chỉ 300 triệu đồng/nền trên mạng xã hội. Liên hệ để tìm hiểu, ông được nhân viên môi giới đưa lên huyện Bảo Lâm, rồi dụ bán mảnh đất với giá tới 1,8 tỷ đồng/nền.
Khi xem đất, ông vẫn nghĩ giá 300 triệu đồng/nền nên mới đồng ý đặt cọc 100 triệu đồng. Lúc về nhà, xem kỹ hợp đồng thì mới tá hỏa mảnh đất có giá cao gấp nhiều lần. Gia đình ông khiếu nại thì được hứa chuyển qua giới thiệu mảnh đất khác giá 900 triệu đồng.
Khi nói không đủ tiền, phía môi giới lại tư vấn ông vay ngân hàng số tiền còn lại, nếu không thì mất tiền cọc. Vì sợ mất cọc, ông và gia đình đành đồng ý ký vay. Hiện tại, gia đình đang mang nợ, còn đất không biết khi nào mới bán được bởi vị trí lô đất nằm cách xa tuyến đường lớn, hạ tầng xung quanh chưa hoàn thiện.
Ngoài chiêu trò trên, thị trường còn tái diễn tình trạng “dựa hơi” dự án lớn để bán hàng. Đơn cử, thời gian gần đây, trên nhiều nền tảng mạng xã hội xuất hiện tin quảng cáo của dự án mang tên King Hill Residences tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, do Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại - Xây dựng Đạt Quang Phát làm chủ đầu tư.
Một trong những thông tin gây chú trong nội dung quảng cáo là dự án King Hill Residences sở hữu vị trí trung tâm giữa các khu đô thị của Ecopark, Kosy, Vinhomes… Tuy nhiên, trên thực tế, các khu đô thị này mới chỉ có chủ trương đầu tư, chứ chưa được đầu tư xây dựng.
Cũng tại Long An, nhiều dự án bất động sản phân lô tại khu vực huyện Đức Hòa cũng “khoe” nằm gần dự án của các doanh nghiệp lớn để làm điểm tựa thu hút khách hàng, trong khi những dự án này mới chỉ nằm trong quy hoạch chứ chưa triển khai đền bù giải phóng mặt bằng. Thậm chí, một dự án khu dân cư tại huyện Đức Huệ còn lấy hình ảnh thực tế chụp tại Khu đô thị Vạn Phúc (TP.HCM) để quảng cáo, bán hàng…
Để cảnh báo, bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land (công ty thành viên của Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc) đã đăng tải thông tin lên trên trang facebook cá nhân về việc hình ảnh dự án Van Phuc City bị gắn vào một dự án khác để chạy quảng cáo bán hàng. Trước đó, lãnh đạo Đại Phúc Land từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo các thương hiệu Vạn Phúc, Đại Phúc Land bị đạo nhái nhằm mục đích xấu.
“Đường dây nóng của Công ty có ngày nhận được hơn chục cuộc điện thoại hoặc khách hàng đến tận nơi để hỏi thông tin. Công ty đã phải cảnh báo, nhắc nhở khách hàng về những trường hợp mạo danh này. Dù vậy, không loại trừ khả năng vẫn có người không xác minh lại thông tin, mà sẽ theo tin quảng cáo ra quyết định đầu tư, vừa gây rủi ro cho người mua, vừa ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu Công ty”, bà Hương nói.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo
Trên thực tế, việc nhiều thương hiệu bất động sản lớn bị mạo danh không hiếm, thậm chí có những trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng như từng diễn ra với các thương hiệu của Him Lam, Novaland, Trần Anh, Phú Đông…
Trên thực tế, việc nhiều thương hiệu bất động sản lớn bị mạo danh không hiếm, thậm chí có những trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng như từng diễn ra với các thương hiệu của Him Lam, Novaland, Trần Anh, Phú Đông…
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Kinh doanh, Trần Anh Group cho biết, tình trạng dự án bất động sản “quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo” diễn ra khá phổ biến, nhất là trong những thời điểm thị trường diễn biến sôi động. Những chiêu trò này chủ yếu đến từ các đơn vị nhỏ lẻ, ít uy tín, họ không tự tin với dự án, sản phẩm của mình nên “dựa hơi” dự án của các chủ đầu tư lớn, uy tín để làm bàn đạp.
“Trần Anh Group từng chịu tiếng oan khi thị trường xuất hiện một dự án mang tên Căn hộ chung cư Xuyên Á để logo và tên chủ đầu tư là Trần Anh Group, trong khi Công ty không hề làm dự án này. Điều đó không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp bị nhái thương hiệu, mà còn gây rủi ro cho người mua, gây bất ổn cho thị trường”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Theo ông Trần Khánh Quang - chuyên gia bất động sản, thông thường, sau mỗi chu kỳ kinh tế, sự hồi phục bắt đầu bằng chứng khoán, sau đó sẽ là bất động sản. Chính vì vậy, khi chứng khoán đang tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư chốt lời thì bất động sản là nơi dòng tiền trú ẩn, trong đó đất nền là phân khúc hấp dẫn nhất, rồi mới đến các phân khúc khác. Mặt khác, do nhu cầu mua bất động sản gia tăng trở lại thời gian gần đây, các chiêu trò kinh doanh địa ốc kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, “lùa gà” mua đất nền ở tỉnh… cũng tái diễn.
Phân tích yếu tố tâm lý, một chuyên gia lĩnh vực này cho rằng, những người có tiền nhàn rỗi có nhu cầu đầu tư bất động sản hoặc kênh đầu tư khác rất dễ bị thu hút bởi các thông tin quảng cáo, lời chào mời hấp dẫn. Trong đó, hầu hết những nhà đầu tư nhỏ lẻ đều muốn mua giá rẻ, rồi bán lại để kiếm lời nhanh nên dễ bị rơi vào bẫy của những đối tượng xấu chuyên dùng các chiêu trò hoặc sử dụng hiệu ứng đám đông để lừa đảo.
“Một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư thường hành động theo cảm xúc nhiều hơn lý trí. Vì tâm lý sợ mất cơ hội, lòng tham bị đẩy lên cao khiến họ ra quyết định nhanh chóng, dù không có đủ thời gian để tìm hiểu. Có thể thấy, những trường hợp bị lừa mua đất nền thường xuống tiền rất nhanh khi chưa tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án cũng như các yếu tố liên quan khác”, chuyên gia này phân tích.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, những chiêu trò “lùa gà”, chở khách đi mua đất nền ở tỉnh, đất nền dự án “ma”… từng diễn ra phổ biến thời điểm trước dịch Covid-19 bùng phát, như vụ Alibaba là một minh chứng. Đến nay, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm dần lên thì tình trạng này bắt đầu xuất hiện trở lại. Do đó, người có nhu cầu mua bất động sản cần hết sức tỉnh táo, không nên ham rẻ, khuyến mãi lớn… mà nghe lời chiêu dụ ký hợp đồng hay chuyển khoản tiền đặt cọc. Khi gặp trường hợp này, cần sớm trình báo cơ quan công an.
“Trước khi ra quyết định đầu tư, người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin về pháp lý dự án, chủ đầu tư… Những thông tin này có thể tìm thấy trên Internet, hoặc nhờ chính quyền địa phương, các văn phòng luật sư tư vấn”, ông Tuấn chia sẻ thêm.