Nhiều dự án lớn được triển khai
UBND tỉnh Đồng Nai vừa cho biết, trong năm 2020, dự kiến có 310 dự án khu dân cư với tổng diện tích gần 9.300 ha được triển khai trên địa bàn tỉnh, bao gồm các dự án chuyển tiếp từ năm 2019 và dự án mới triển khai trong năm nay. Địa điểm dự án tập trung tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành và TP. Biên Hòa.
Trong danh mục này, có hơn 10 dự án khu dân cư, khu đô thị có diện tích đất từ 100 ha trở lên. Trong đó, dự án lớn nhất là Khu đô thị dịch vụ tại xã Tam An, huyện Long Thành diện tích 753 ha và Khu đô thị dịch vụ Amata tại xã Tam An, An Phước (huyện Long Thành), diện tích 122 ha. 2 dự án này đều nằm trong đại dự án Amata City Long Thành với diện tích 1.265 ha, được chứng nhận đầu tư từ năm 2015. Giai đoạn 1, Amata xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao diện tích 410 ha bắt đầu từ năm 2017.
Amata đánh giá, Amata City Long Thành có vị trí khá chiến lược, nằm kề sông Đồng Nai và ngay trên cao tốc mới nối liền sân bay Long Thành trong tương lai và TP.HCM. Trong năm 2018, Tập đoàn Amata đã tăng vốn cho công ty sở hữu dự án này từ 1.213 tỷ đồng lên 1.416 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Amata là 68,11%.
Ngoài ra, tại Long Thành, một số dự án lớn khác cũng được công bố trong kế hoạch sử dụng đất như Khu đô thị mới Bình Sơn (555 ha), Khu đô thị giáo dục công nghệ cao FPT Đồng Nai (314 ha), Khu tái định cư Bình Sơn (284 ha).
Tại huyện Nhơn Trạch, Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch cũng có kế hoạch xây dựng một khu dân cư tại các xã Phú Thạnh, Long Tân, Vĩnh Thanh với diện tích 753 ha. Một số dự án khác như Khu đô thị du lịch sinh thái Long Tân - Phú Thạnh (331 ha), Khu đô thị du lịch Đại Phước (131 ha), Khu dân cư Long Tân (125 ha).
Tại TP. Biên Hòa, dự án lớn nhất là Khu đô thị sinh thái Long Thành, diện tích 300 ha do Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô diện tích 118 ha, trong đó hơn 105 ha đất ở gồm nhà liền kề, biệt thự và ở hỗn hợp với quy mô dân số khoảng 19.000 người và sân golf 36 hố.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Mai Trung Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đơn vị này vừa được UBND tỉnh giao nhiệm vụ mời thầu dự án dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu.
Dự án nằm tại phường 10 và phường 11, TP. Vũng Tàu, có tổng diện tích 69,46 ha, tổng mức đầu tư 4.620 tỷ đồng. Dự án được quy hoạch xây dựng khu nhà ở liền kề, biệt thự, chung cư để bán, trung tâm thương mại.
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh có 37 dự án trọng điểm đang mời gọi nhà đầu tư, trong đó có 16 dự án đầu tư công, 21 dự án kêu gọi đầu tư từ vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn khác.
Đến nay, tỉnh đã thống nhất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với 12 dự án, trong đó có 6 dự án thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và đấu giá tài sản trên đất gắn liền với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, 6 dự án thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Hiện có 5 dự án trọng điểm chưa xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng Cỏ May tại TP. Bà Rịa, Cảng tàu khách quốc tế, Dự án Vũng Tàu Marina City, Khu công viên văn hóa thể thao Bàu Trũng, Khu công viên Bàu Sen.
Các dự án này hiện đang gặp vướng mắc, nhưng sẽ giải quyết để thực hiện mời thầu trong năm 2020.
Còn tỉnh Bình Phước kêu gọi doanh nghiệp phát triển dự án Khu đô thị mới kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Suối Cam có diện tích 1.756,85 ha, thuộc địa bàn các phường Tân Phú, Tiến Thành và xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài.
Về phía các doanh nghiệp, lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thinh Corp, An Gia, Phú Đông Group…. cho biết, thị trường vùng ven tiếp tục được doanh nghiệp ưu tiên.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, cơ hội cho thị trường bất động sản tỉnh lẻ hiện nay rất lớn. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM có thể hướng tới để phát triển trong bối cảnh thị trường truyền thống gặp khó khăn.
Dù lợi thế rất nhiều, vì nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn, nhưng theo ông Châu, các doanh nghiệp hiện lại chỉ phát triển cầm chừng ở thị trường vùng ven để chờ thời cơ quay lại thị trường TP.HCM. Một số doanh nghiệp thực hiện dự án với tâm lý bán sao cho hết, chứ không tính tới chuyện sao cho người dân về ở, nên hiện vùng ven đang xuất hiện nhiều dự án bỏ hoang dù đã được bán hết.
“Doanh nghiệp cần tính toán lại để không vụt mất cơ hội của thị trường tiềm năng”, ông Châu nhấn mạnh.
Sóng vẫn ở vùng ven
Đánh giá về thị trường bất động sản vùng ven, nhiều chuyên gia cho biết, năm 2020 sẽ là năm “được mùa” của thị trường này khi đây sẽ là khu vực quyết định nguồn cung thị trường.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho biết, dữ liệu hiện nay cho thấy, trong khi thị trường bất động sản TP.HCM sụt giảm nguồn cung, thì thị trường vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước đang bổ trợ nguồn cung rất lớn cho thị trường Vùng TP.HCM.
Cùng cách nhìn, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc kiêm Trưởng bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản vùng ven quyết định nguồn cung trong năm 2020 và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nhỏ.
“Cơ hội được chia đều cho các địa phương và các doanh nghiệp, miễn sao doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng và hướng vào lượng khách hàng ở thực, cũng như phát triển bền vững, lâu dài cho thị trường”, ông Kiệt nói.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group cho biết, trong năm 2020, thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM sẽ mang trọng trách tăng trưởng để giúp doanh nghiệp tồn tại qua khó khăn. Nhưng các doanh nghiệp nên định vị lại dòng khách hàng, vì quan trọng nhất là khách hàng ở thực. Chính vì vậy, khi xây dựng dự án, cũng như chính sách bán hàng, phải xây dựng sao để nhắm tới người dân có nhu cầu ở thực, chứ không phải nhà đầu tư.
“Thành công của dự án không phải là bán hết hàng, mà là dự án bàn giao người dân về ở đông, như vậy mới đáp ứng đúng trọng trách của doanh nghiệp với thị trường và với chính sách giãn dân của TP.HCM”, ông Phúc cho biết.
Đánh giá về làn sóng đầu tư ra tỉnh lẻ của các doanh nghiệp địa ốc, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, có thể nhận thấy, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang dần có nhiều sự thay đổi trong đánh giá tầm quan trọng, cũng như việc triển khai hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư theo hướng gắn đồng bộ với phân kỳ thực hiện, khu vực, ngành dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, việc xúc tiến đầu tư với các thông tin, quy hoạch, tiêu chí theo từng dự án cụ thể để cung cấp các thông tin ban đầu cần thiết tới nhà đầu tư.
“Trong các dự án được mời gọi, nhiều dự án có mức tổng đầu tư khái quát, đấu giá quyền sử dụng đất giá trị lớn, ngành nghề kinh doanh theo lĩnh vực chuyên sâu… Với những dự án này, các nhà đầu tư cần có sự chuẩn bị về kế hoạch đầu tư, nguồn vốn kinh doanh và việc tự tìm đối tác cùng tham gia sẽ cần có thời gian. Do đó, với các dự án này cần có hoạt động xúc tiến đầu tư trong thời gian ít nhất 2 - 3 năm”, ông Phượng nói.
Cũng theo ông Phượng, nếu hoạt động xúc tiến đầu tư thực hiện hiệu quả, địa phương sẽ lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, tránh được các dạng nhà đầu tư thứ cấp, năng lực yếu.
“Với ngày càng có nhiều sự đổi mới trong hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư của các địa phương như hiện nay và bộ sàng lọc lựa chọn nhà đầu tư tốt, cơ chế xử lý sai phạm trong đầu tư, thì cơ hội đầu tư sẽ được chia đều cho các nhà đầu tư thực sự và môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn hơn”, luật sư Phượng nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com