Vinawaco đang có sự bất đồng giữa cổ đông Nhà nước và các cổ đông lớn khác về xử lý những tài sản khai thác không hiệu quả.

Vinawaco đang có sự bất đồng giữa cổ đông Nhà nước và các cổ đông lớn khác về xử lý những tài sản khai thác không hiệu quả.

Bất đồng giữa các cổ đông lớn, Vinawaco lún sâu vào vòng xoáy lụn bại

0:00 / 0:00
0:00
Cách nhìn khác biệt giữa các cổ đông lớn tại Vinawaco trong việc xử lý các tài sản khai thác không hiệu quả, công nợ tồn đọng đã khiến doanh nghiệp này lún sâu vào vòng xoáy lụn bại.

Bất đồng

Chưa đầy 2 tuần sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (ngày 10/6), HĐQT Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (Vinawaco) đã phải phát Văn bản số 299 gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty, đề nghị cho phương án xử lý đối với số phương tiện, thiết bị xây dựng công trình đường thủy đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Vinawaco, đơn vị này đang quản lý và khai thác 16 phương tiện thi công công trình đường thủy công suất lớn, nằm rải rác tại các địa phương. Trong số này, chỉ có 3 tàu đóng cọc là TĐC 98, TĐC 96, TĐC 09 và tàu hút phun 01 đang được khai thác và mua bảo hiểm đúng hạn. Các thiết bị còn lại, ngoại trừ tàu Long Châu 02, đều hết hạn đăng kiểm và bị treo cấp do quá hạn.

Trong khi đó, theo quy định của Đăng kiểm Việt Nam, nếu quá thời hạn ấn định, các phương tiện sẽ phải phân cấp xác định mốc đăng kiểm từ đầu với quy trình rất phức tạp và tốn kém.

Tính đến ngày 31/12/2020, Vinawaco có các khoản phải thu ngắn hạn là 463 tỷ đồng, chiếm 52,17% tổng tài sản; tổng nợ phải trả là 580,3 tỷ đồng, chiếm 65,39% tổng nguồn vốn; hệ số bảo toàn vốn (vốn chủ sở hữu/vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1,024 (307/300 tỷ đồng).

HĐTQ Vinawaco cho rằng, việc cổ đông Nhà nước (hiện nắm 36,62% vốn điều lệ) không biểu quyết thông qua việc thanh lý các tài sản, thiết bị hư hỏng, không phù hợp trong sản xuất đã dẫn đến hiệu quả sử dụng và khai thác tài sản rất thấp do các phương tiện dù không khai thác vẫn phải tốn kinh phí để sửa chữa, duy tu thường xuyên. Ước tính chi phí cho các phương tiện thi công công trình thủy mà Vinawaco đang khai thác lên tới 40 tỷ đồng/năm.

“Đây là con số rất lớn trong tình hình sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty những năm gần đây rất khó khăn. Nếu không bỏ tiền sửa chữa thì tàu có thể chìm, gây nguy hại cho người và phương tiện, nhưng sửa chữa mà không sử dụng thì lại càng khiến cho tình hình tài chính của doanh nghiệp thêm khó khăn. Thậm chí về lâu dài có thể làm mất vốn tại doanh nghiệp”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco cảnh báo.

Cần phải nói thêm rằng, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Vinawaco năm 2021, cổ đông Nhà nước đã không thống nhất, không biểu quyết thông qua 4 nội dung quan trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Báo cáo tổng kết công tác hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2020, kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021; Báo cáo của Ban kiểm soát trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021; Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2020, phương hướng năm 2021; Tờ trình thông qua báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán.

Những nội dung này được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Vinawaco thông qua với 10/11 phiếu đồng ý, đại diện cho 18.808.750 cổ phần và bằng 63,13% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự Đại hội.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, chỉ có 2 nội dung nhận được 11/11 phiếu đồng ý, đại diện cho 29.795.311 cổ phần và bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự Đại hội là Tờ trình thông qua phương án phân chia lợi nhuận, chi trả cổ tức, phương án trả thù lao cho thành viên HĐQT, Ban kiểm soát; Tờ trình thông qua việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021.

Theo Biên bản Đại hội đồng cổ đông thường niên Vinawaco năm 2021, ông Lê Ngọc Quang (Vụ Tài chính, Bộ GTVT), người đại diện phần vốn nhà nước cho biết, việc cổ đông Nhà nước không thông qua 4 nội dung mà HĐQT, Ban kiểm soát Tổng công ty trình đều liên quan đến kiến nghị để Vinawaco được toàn quyền thực hiện thanh lý các tài sản khai thác không hiệu quả; thoái vốn tại đơn vị liên doanh, liên kết thua lỗ kéo dài.

Đại diện phần vốn nhà nước tại Vinawaco cho rằng, thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua bán, thanh lý tài sản cũng như các khoản đầu tư tài chính được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Việc HĐQT Vinawaco đề nghị Bộ GTVT biểu quyết để Vinawaco được toàn quyền thực hiện thanh lý các tài sản khai thác không hiệu quả; xử lý các khoản đầu tư tài chính là không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Nội dung này, Bộ GTVT đã trả lời cụ thể Vinawaco tại Công văn số 7418/BGTVT - QLDN ngày 8/8/2019, phản hồi về kiến nghị cho phép Vinawaco được toàn quyền thoái vốn tại các công ty liên kết; được toàn quyền rà soát, thanh lý các tài sản, phương tiện thiết bị không khai thác được hoặc khai thác không hiệu quả để tổ chức thu hồi vốn theo quy định.

“Hiện nay, Bộ GTVT chỉ là một cổ đông của Vinawaco, có các quyền và nghĩa vụ của cổ đông; không có thẩm quyền chấp thuận đối với hoạt động thoái vốn, bán các tài sản của doanh nghiệp, nếu vấn đề này thuộc thẩm quyền của HĐQT, Tổng giám đốc”, người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinawaco nhấn mạnh.

Gánh nặng quyết toán lần 2

Được biết, thẩm quyền thanh lý các tài sản và các khoản đầu tư tài chính là một trong những điểm khác biệt lớn nhất, tồn tại dai dẳng giữa cổ đông Nhà nước và nhóm cổ đông lớn còn lại tại Vinawaco kể từ khi doanh nghiệp này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào năm 2014.

Trong Công văn số 7418/BGTVT - QLDN, Bộ GTVT cho rằng, tại khoản 2, khoản 7, Điều 38, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinawaco đã quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của HĐQT.

Cụ thể, HĐQT Vinawaco được quyền quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% trở lên so với tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của Tổng công ty; thông qua các hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và các hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của Tổng công ty.

Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán, tổng giá trị tài sản của Vinawaco là 1.077 tỷ đồng. Do đó, Bộ GTVT đề nghị HĐQT, Tổng giám đốc của Vinawaco căn cứ vào các quy định về thẩm quyền nói trên và quy định của pháp luật có liên quan để quyết định việc thoái vốn tại các công ty liên kết; bán các tài sản, phương tiện thiết bị không khai thác được, hoặc khai thác không hiệu quả để tổ chức thanh lý thu hồi vốn, đảm bảo đúng quy định.

“HĐQT chỉ xin ý kiến của Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp thuộc quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông”, Bộ GTVT nhấn mạnh.

Điều đáng nói là, theo Chủ tịch HĐQT Vinawaco, quan điểm của Bộ GTVT đối với việc thanh lý các tài sản khai thác không hiệu quả, xử lý các khoản đầu tư tài chính là không thỏa đáng.

“Cái gốc của vấn đề ở đây là trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty quy định tỷ lệ biểu quyết phải lớn hơn 65% thì nội dung đó mới được thông qua. Trong khi đó, Bộ GTVT nắm giữ 36,62% vốn điều lệ lại không biểu quyết, không cử người tham gia HĐQT đã gây khó cho hoạt động sản xuất, điều hành doanh nghiệp”, ông Ngô Văn Tuấn cho biết và khẳng định sẽ kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thậm chí sẽ đưa ra các cơ quan pháp luật để giải quyết dứt điểm.

Một nội dung khác gây chia rẽ, mâu thuẫn không thể dung hòa giữa cổ đông Nhà nước và nhóm cổ đông lớn còn lại tại Vinawaco liên quan đến việc quyết toán vốn để xác định vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Được biết, tại thời điểm hoàn tất công tác cổ phần hóa (CPH) vào năm 2014, phần vốn nhà nước còn lại tại Vinawaco là 109,8 tỷ đồng (tương ứng 36,62% vốn điều lệ). Tuy nhiên, sau 8 năm kể từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động, việc quyết toán phần vốn nhà nước lần 2 tại Vinawco đã không thể thực hiện được, do xuất hiện các khoản nợ, lỗ nằm ngoài hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm CPH. Trong đó, đáng kể nhất là khoản nợ trị giá hơn 60 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Cụ thể, thông qua kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ, phân tích báo cáo quyết toán tài chính 7 công ty con có vốn góp, Vinawaco phát hiện ít nhất 14 khoản nợ, lỗ, với tổng số tiền lên tới hơn 137 tỷ đồng. Nếu thực hiện quyết toán, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể mất hết, thậm chí là âm.

Mặc dù Vinawaco đã có nhiều văn bản đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ chỉ đạo xử lý, quyết toán tài chính dứt điểm để bàn giao sang công ty cổ phần, nhưng đến thời điểm này, việc quyết toán vốn lần 2 vẫn đang bị treo gác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến định hướng phát triển của doanh nghiệp. Những vướng mắc này đang khiến hoạt động của Vinawaco gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng nếu không thoái kịp thời.

Thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinawaco trong giai đoạn hậu CPH liên tục sa sút, ngoài yếu tố thị trường không thuận lợi, còn đến từ những khoản công nợ cả trăm tỷ đồng liên tục “lòi” ra, khiến HĐQT, Ban điều hành Tổng công ty không kịp trở tay.

Theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, trong năm 2020, tổng doanh thu của Vinawaco là 160 tỷ đồng, bằng 46,34% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 626 triệu đồng. Trong năm 2021, Vinawaco đặt mục tiêu kinh doanh rất khiêm tốn là doanh thu đạt 215 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3 tỷ đồng, cổ tức dự kiến là 0,7%.

Theo một cổ đông nguyên là cán bộ từng công tác tại Vinawaco 20 năm, việc các cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung, chậm xử lý các tồn tại tài chính đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ.

“Hơn 8 năm kể từ khi CPH, những cổ đông nhỏ, trong đó phần lớn là cán bộ, người lao động mua cổ phần ưu đãi chưa một lần được nhận cổ tức. Mỗi lần đi dự Đại hội đồng cổ đông thường niên là một lần ngao ngán cho doanh nghiệp nơi mình có thời gian dài công tác, cống hiến”, vị cựu cán bộ Vinawaco cho biết.

Tin bài liên quan