C22 không có giao dịch nào thành công trong hơn 30 phiên giao dịch

C22 không có giao dịch nào thành công trong hơn 30 phiên giao dịch

Bất động cổ phiếu C22 trên UPCoM

(ĐTCK) Cổ phiếu của doanh nghiệp “lương khô quân đội” đã lên sàn giao dịch chứng khoán cả tháng trời, song không có ai mặn mà mua bán.

Trắng thanh khoản

Ngày 24/5/2018, 3,55 triệu cổ phiếu C22 của Công ty cổ phần 22 với tổng giá trị đăng ký giao dịch 35,5 tỷ đồng chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM. Đến nay, C22 đã có hơn 1 tháng chào sàn chứng khoán, vậy nhưng cổ phiếu này chỉ giao dịch được đúng một phiên, chính là phiên ngày 24/5 - thời điểm lên UPCoM.

Cụ thể, trong phiên 24/5, có 1.000 cổ phiếu được giao dịch với giá 27.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có 1 lệnh đặt bán 1.000 cổ phiếu và 8 lệnh mua tổng 1.900 cổ phiếu. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 19.300 đồng/cổ phiếu.

Từ đó đến nay, tuy vẫn có lệnh mua – bán nhưng C22 không còn phiên nào khớp lệnh thành công, bởi dù các lệnh bán đơn vị nghìn cổ phiếu được chất lên sàn khá liên tục, song hy hữu mới xuất hiện lệnh mua và chỉ dừng ở 100 cổ phiếu. Hiện đang có 1 lệnh bán 5.000 cổ phiếu đã liên tục đặt trong 12 phiên nhưng vẫn chưa khớp lệnh thành công.

Về cơ cấu cổ đông, Bộ Quốc phòng nắm giữ 51,35% cổ phần tại C22, 48,65% còn lại nằm trong tay các cổ đông khác. Công ty không có cổ đông ngoại. Số cổ đông của doanh nghiệp tính đến thời điểm 26/2/2018 là 382 cổ đông, trong đó có 2 tổ chức và 380 nhà đầu tư cá nhân.

Năm 2017, doanh thu lẫn lợi nhuận đều giảm nhẹ so với năm trước, tuy vậy mức cổ tức của C22 vẫn khá hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành, ổn định ở mức 16% mỗi năm. Đây có thể là lý do khiến cổ đông C22 không muốn bán ra cổ phần, nhưng vì sao nhà đầu tư ngoài cũng không mặn mà muốn mua vào mã chứng khoán này?

Nợ phải trả lớn, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh

Về mặt tài chính, tính đến thời điểm cuối năm 2017, C22 có gần 80 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong khi hàng tồn kho giảm mạnh so với năm 2016 (giảm 57%) còn 38,7 tỷ đồng thì các khoản phải thu lại tăng mạnh từ 28,5 tỷ đồng lên 78,4 tỷ đồng cuối 2017.

Cơ cấu nguồn vốn của C22 khá bấp bênh khi nợ phải trả chiếm phần lớn tổng nguồn vốn (73%), ở mức 185,1 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 68,3 tỷ đồng. Điểm sáng là Công ty không có nợ vay tài chính ngân hàng. Khoản nợ cần trả lớn nhất là khoản được Cục Quân nhu ứng vốn sản xuất hàng quốc phòng (100 tỷ đồng, tăng thêm 40 tỷ đồng trong năm 2017).

Công ty cổ phần 22 tiền thân là Xí nghiệp chế biến thực phẩm 22, được xây dựng và đi vào hoạt động năm 1970 với 5 phân xưởng sản xuất đặt dưới sự chỉ huy quản lý của Kho 205 – Cục Quân nhu – Tổng Cục hậu cần. Năm 1996, Xí nghiệp chế biến thực phẩm 22 được nâng cấp thành Công ty 22. Từ tháng 11/2007, Công ty 22 được cổ phẩn hóa và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và do Tổng cục Hậu cần nắm quyền kiểm soát.

Được biết đến là doanh nghiệp sản xuất “lương khô quân đội”, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nghiên cứu sản xuất trang bị dụng cụ nhà ăn, nhà bếp, các sản phẩm kim khí ngành quân trang và dụng cụ gia đình, dịch vụ xử lý nước, kinh doanh xuất nhập khẩu và giáo dục mầm non…

Các mặt hàng cơ kim khí của C22 chủ yếu là hàng quốc phòng, các sản phẩm dành cho dân sinh còn hạn chế và giá thành khá cao nên khó cạnh tranh. Riêng đối với các mặt hàng lương thực - thực phẩm, mặt hàng chủ yếu vẫn là bánh quy Hương Thảo và lương khô truyền thống.

Ngoài ra, C22 mới có thêm 2 dòng sản phẩm lương khô mới là Golfman và Ashitaba giá thành khá cao do nguyên vật liệu phải nhập khẩu, đồng thời chịu sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường.

Hiện hoạt động của C22 vẫn chủ yếu xoay quanh Tổng cục Hậu cần, Cục Quân nhu, các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng… dẫn đến việc thị trường còn nhỏ hẹp và không mang lại biên lợi nhuận cao.

Về định hướng phát triển, Công ty đang chú trọng phát triển các mặt hàng quân trang và cơ kim khí để đưa ra các sản phẩm cơ kim khí đa dạng về cả thiết kế, chất lượng và giá thành để phục vụ quân đội, dân sinh và tiến đến xuất khẩu tới một số thị trường trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar…

Đối với mặt hàng lương thực - thực phẩm, C22 đang nghiên cứu sản xuất một số chủng loại để phục vụ bộ đội trong điều kiện mới như dã ngoại, hải quân, lực lượng tàu ngầm, lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt…

Năm 2018, C22 đặt mục tiêu doanh thu 386,6 tỷ đồng, thu về 16,6 tỷ đồng lợi nhuận. Mức cổ tức dự kiến là 14%. Tuy chưa công bố Báo cáo tài chính quý I/2018, song Công ty ước tính đạt 37,8 tỷ đồng doanh thu và 0,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cách khá xa so với mục tiêu đã đề ra.

Tin bài liên quan