Bắt đáy hay chờ đợi?

(ĐTCK-online) TTCK đã có tuần giảm điểm sau phiên giao dịch với khối lượng kỷ lục ngày 23/10 - phiên gây dấu ấn khó quên cho những người trong cuộc khi VN-Index đột ngột đảo chiều với lực xả hàng mạnh. Diễn biến những phiên cuối tuần qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư bên mua đã tham gia bắt đáy, nhưng không ít người vẫn tiếp tục chờ đợi.

Xu hướng thị trường qua phân tích kỹ thuật

Tuần qua, VN-Index có ba phiên giảm điểm mạnh và hai phiên phục hồi nhẹ. Kết thúc tuần, chỉ số này giảm 28,56 điểm (-4,6%) so với cuối tuần trước đó. Các yếu tố kỹ thuật cho thấy, thị trường đã kết thúc xu hướng tăng điểm và khởi đầu xu hướng giảm điểm:

Thứ nhất, lực cầu suy yếu, vùng đỉnh ngắn hạn dần trở nên rõ nét. Khối lượng giao dịch giảm cũng cho thấy VN-Index khó có thể sớm hồi phục về ngưỡng trên 600 điểm nếu lực cầu không đủ sức hấp thụ số lượng 80 - 100 triệu cổ phiếu/phiên. Trong khi đó, biểu đồ nến cho thấy khu vực phân phối đỉnh đã hình thành từ ngày 15/10 với những nến đặc kèm theo khối lượng giao dịch tăng đột biến. Xu hướng phân phối kéo dài liên tiếp trong hai tuần thể hiện quá trình xả hàng mạnh của nhà đầu tư ở vùng đỉnh.

Bắt đáy hay chờ đợi? ảnh 1

Thứ hai, xu hướng tăng điểm bị phá vỡ. Các chỉ báo xu hướng như ADX, Aroon đều suy yếu và khẳng định xu hướng tăng điểm đã qua đi. Chỉ số MACD cho tín hiệu bán từ phiên 26/10. Đường giá đã cắt xuống đường MA10 và tiếp tục thử thách đường trung bình ngắn hạn MA20. Nếu thị trường tiếp tục giảm điểm, đường MA50 sẽ bị "kiểm tra" ở vùng 550 - 570 điểm. Những chỉ báo này cho thấy, xu hướng xuống giá ngắn hạn đã hình thành và có thể tiếp diễn.

Thứ ba, dòng tiền hỗ trợ thị trường suy yếu. Chỉ báo dòng tiền có xu hướng suy yếu, điều này phản ánh tâm lý thận trọng khi tham gia thị trường của nhà đầu tư. Khi thị trường giảm điểm, đòn bẩy tài chính trở nên lạc "mốt" và có khả năng trở thành con dao gây "tổn thương" chủ nhân của chúng. Do vậy, dòng tiền được dự báo sẽ khó có thể khôi phục trong ngắn hạn khi tâm lý thận trọng vẫn phổ biến. Chỉ báo sức mạnh thị trường RSI đang giảm, xuống dưới ngưỡng 50 cho thấy sức cầu đang dần tỏ ra lép vế.

 

Thử thách nhà đầu tư ngắn hạn

Những phiên giao dịch gần đây, các chỉ báo kỹ thuật trở nên xấu đi, tâm lý nghỉ ngơi đã xuất hiện ở nhiều nhà đầu tư đạt lợi nhuận cao sau những sóng tăng mạnh trước đó. Phiên cuối tuần qua, VN-Index tăng 5,63 điểm (+0,96%), đạt 587,12 điểm sau khi giảm tổng cộng 6,82% so với mức 624,1 điểm ngày 22/10. Diễn biến này cho thấy, nhiều nhà đầu tư đã tham gia "bắt đáy", nhưng lực cầu không thực sự mạnh, dù có thông tin hỗ trợ là TTCK Mỹ tăng điểm kỷ lục và khả năng gói kích cầu thứ hai sẽ được thông qua (gói kích cầu này đã được thông qua vào chiều cùng ngày).

Với những nhà đầu tư đã "thoát hàng" và bảo toàn được lợi nhuận lớn thì lời khuyên của nhà đầu tư huyền thoại William O'Neil "nên chốt lời khi sóng tăng thứ ba kết thúc và tạm chia tay thị trường cho đến khi xu hướng tăng điểm quay trở lại" có lẽ vẫn đang được họ thực hiện theo.

Trên thực tế, mức độ chịu đựng rủi ro và toan tính của mỗi nhà đầu tư là khác nhau. Nếu VN-Index tiếp cận vùng hỗ trợ 550 - 560 điểm sẽ tạo sức hút và thử thách lòng dũng cảm nhiều nhà đầu tư ưa lướt sóng, muốn tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn. Về phân tích cơ bản, khi VN-Index tiếp cận ngưỡng 550 điểm, nhiều cổ phiếu sẽ có các chỉ số cơ bản tốt, đủ điều kiện để thực hiện chiến lược "mua và nắm giữ". Tuy nhiên, để phát hiện được những cổ phiếu có cơ bản tốt đòi hỏi nhà đầu tư phải có kỹ năng phân tích cơ bản sắc bén. Có lẽ, cuộc chơi ở khu vực này không dành cho những nhà đầu tư sợ rủi ro và sử dụng tiền vay.

Kinh tế thế giới đã qua đáy và đang có tín hiệu phục hồi, mặc dù vẫn còn những quan ngại về lãi suất và tỷ giá, nhưng chắc chắn tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ được cải thiện mạnh trong năm 2010. Cơ hội trên TTCK vẫn mở ra với nhà đầu tư trung và dài hạn khi thị trường bớt "nóng". Còn hiện tại, tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trong thời điểm này thực sự là một thử thách.