Hiện trạng “loạn quy hoạch”
Không còn gây “sốc” như cách đây ít năm, nhưng con số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong Dự thảo Báo cáo rà soát quy hoạch để thực hiện các quy định chuyển tiếp của Luật Quy hoạch, chuẩn bị trình Chính phủ, cũng sẽ khiến dư luận giật mình.
Đó là hiện có 11.667 quy hoạch đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, có 9.519 quy hoạch đã được phê duyệt và đang còn hiệu lực; 1.491 quy hoạch đã và đang lập hoặc điều chỉnh nhưng chưa được thẩm định; 657 quy hoạch đã và đang lập hoặc điều chỉnh và đã thẩm định xong, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
Nhưng câu chuyện nằm ở chỗ, cùng với việc rà soát quy hoạch hiện có, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp và đề xuất các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để tích hợp vào hệ thống quy hoạch quốc gia, thì tiếp tục có... hàng trăm quy hoạch được đề xuất.
Trong đó, các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành được đề xuất là 141 và 324 quy hoạch được đề xuất vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khá nhiều trong số này là không phù hợp, bởi nhiều quy hoạch đã được tích hợp và thể hiện trong các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, lại cũng có những quy hoạch thậm chí đã thuộc đối tượng phải xem xét bãi bỏ. Chẳng hạn, quy hoạch truyền dẫn, phát sóng, phát thanh truyền hình, quy hoạch mạng lưới giáo dục...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thậm chí đề xuất tới 65 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để tích hợp vào hệ thống quy hoạch quốc gia, nhưng các quy hoạch này đều trùng lắp, hoặc không phù hợp với khái niệm quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch...
Hiện có 11.667 quy hoạch đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, có 9.519 quy hoạch đã được phê duyệt và đang còn hiệu lực; 1.491 quy hoạch đã và đang lập hoặc điều chỉnh nhưng chưa được thẩm định; 657 quy hoạch đã và đang lập hoặc điều chỉnh và đã thẩm định xong, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
Cũ đã khó, mới càng khó hơn, do vậy, việc “dẹp loạn quy hoạch” được cho là sẽ không dễ dàng. Hướng xử lý đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, đó là, trong tổng số 11.667 quy hoạch đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, đa số có thời kỳ quy hoạch đến năm 2020; còn lại một số quy hoạch có thời kỳ đến sau năm 2020 sẽ được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Thậm chí, những quy hoạch đã và đang lập hoặc điều chỉnh nhưng chưa được thẩm định, thì cần thiết phải dừng lại, rà soát, đánh giá nếu phù hợp sẽ được tích hợp vào các quy hoạch khác.
Con số là rất lớn, khối lượng công việc là không nhỏ, nhưng một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc đề xuất bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cụ thể. Nói khó khăn, bởi có một thực tế là, vẫn có những bộ, ngành muốn giữ loại quy hoạch này, để “níu” cơ chế xin - cho.
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương rà soát để bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm hàng hóa dịch vụ cụ thể thuộc thẩm quyền của mình và gửi kết quả về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/12/2018.
Cùng với đó, khẩn trương nghiên cứu, ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khi các quy hoạch sản phẩm hàng hóa dịch vụ cụ thể bị bãi bỏ.
Chuẩn bị cho thời kỳ quy hoạch mới
Để thực thi Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo, chuẩn bị trình ra Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.
Nhưng một công việc cực kỳ quan trọng khác, đó là đã đến lúc bắt tay vào việc xây dựng các quy hoạch tích hợp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, để kịp cho thời kỳ quy hoạch mới, từ năm 2021 trở đi.
Vào cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký Quyết định số 995/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Thủ tướng giao các bộ lập 39 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong các lĩnh vực: Kết cầu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Các quy hoạch được đề cập là quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt; quy hoạch tổng thể về năng lượng; hay quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch tài nguyên nước...
Trong khi đó, để chuẩn bị cho việc xây dựng quy hoạch vùng, một đề án về phân vùng kinh tế cũng đang được Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hoàn thiện.
Theo đề án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chia lãnh thổ quốc gia thành 7 vùng phục vụ lập quy hoạch vùng cho giai đoạn 2021-2030, nhiều hơn một vùng so với hiện tại.
Trong đó, giữ nguyên như hiện nay các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long; tách vùng Trung du miền núi phía Bắc thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị; nhập các tỉnh Lâm Đồng (của Tây Nguyên), Bình Thuận, Ninh Thuận (ở Duyên hải Nam Trung bộ) vào vùng Đông Nam bộ hiện nay.
Cùng với đó, thành lập vùng Nam Trung bộ, bao gồm tỉnh Thừa Thiên - Huế, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác phân vùng đóng vai trò hết sức quan trọng, là công cụ không thể thiếu trong công tác quản lý nhà nước. Với mỗi thời kỳ, công tác phân vùng nhằm thực hiện mục đích nhất định của đất nước. Phân vùng chính xác sẽ là cơ sở để xây dựng quy hoạch vùng một cách chính xác và hiệu quả.
Cách phân vùng nói trên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, là cơ bản phù hợp với quan điểm về vùng theo Luật Quy hoạch, vừa có tính kế thừa, vừa mang tính đổi mới, đột phá, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và liên kết quốc tế.