Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MobiFone là đầu tư hạ tầng chuẩn bị triển khai và kinh doanh 5G. Ảnh: Lê Toàn
Nhà mạng đầu tư lớn cho hạ tầng 5G
Trong văn bản phê duyệt phương án đấu giá sử dụng băng tần 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu, sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép, doanh nghiệp cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm BTS 5G và cung cấp dịch vụ muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép; tại thời điểm khai trương dịch vụ, phải triển khai tối thiểu 30% số trạm BTS đã cam kết triển khai trong 2 năm đầu.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction) đã đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng trạm BTS cho thuê năm 2024, với tổng vốn đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng. Dự án có quy mô lên đến 5.000 trạm BTS, được thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố, triển khai trong thời gian từ quý I/2024 đến năm 2026.
Với lộ trình trên, Viettel Construction dự kiến nâng số trạm BTS sở hữu lên gần 10.000 trạm trong năm 2024. Đơn vị này dự phóng có thể sở hữu tới 30.000 - 50.000 trạm BTS trong 5 - 10 năm tới, chủ yếu là trạm BTS 5G. “Năm 2024, Viettel sẽ triển khai 5G phủ sóng trên phạm vi toàn quốc”, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết.
Trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024, Tổng công ty Viễn thông MobiFone dự kiến triển khai việc phát sóng mới 1.000 trạm 5G, nâng cấp mạng lõi để truyền tải, truyền dẫn sẵn sàng cho kinh doanh 5G. Bên cạnh đó, MobiFone đề ra kế hoạch phát triển hệ sinh thái giải pháp và dịch vụ số trên nền tảng mạng 5G, hướng tới các dịch vụ cho tốc độ dữ liệu cao.
Để thực hiện kế hoạch trên, MobiFone dự kiến hợp tác với các doanh nghiệp trong Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tăng khả năng sử dụng chung cơ sở hạ tầng, băng tần, tối ưu hiệu quả đầu tư, chi phí.
Ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch HĐTV MobiFone cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cũng là thử thách đối với MobiFone là bài toán triển khai và kinh doanh 5G, đặc biệt là đầu tư hạ tầng, cơ sở chuẩn bị cho 5G. Những thành công và cả thất bại trong quá trình triển khai 5G trên toàn thế giới là bài học kinh nghiệm đối với MobiFone để có thể tận dụng cơ hội bứt phá.
Trong khi đó, sau khi đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần 3700-3800 MHz (C2) vào tháng 3/2024, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có kế hoạch triển khai 5G trên toàn quốc. Ông Dương Thành Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, VNPT luôn chú trọng, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số nhằm đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, với quan điểm hạ tầng đi trước và tự chủ tối đa trong công nghệ.
Theo ông Long, định hướng phát triển hạ tầng của VNPT là luôn bám sát các định hướng của Chính phủ đối với hạ tầng số. VNPT dự kiến đầu tư 1.000 trạm 5G, đầu tư mạng lõi (core) và nâng cấp hệ thống truyền dẫn phục vụ mạng 5G và thương mại hóa chính thức dịch vụ 5G.
Kinh doanh 5G theo hướng nào?
Theo Báo cáo Di động Ericsson vừa được công bố, hiện tại, khoảng 300 nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) trên toàn thế giới đã cung cấp dịch vụ 5G, trong đó khoảng 50 CSP đã triển khai 5G độc lập (5G SA). Trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có thêm khoảng 160 triệu thuê bao 5G mới trên toàn cầu, nâng tổng số lên hơn 1,7 tỷ thuê bao. Dự kiến, có tổng số gần 600 triệu thuê bao mới vào năm 2024.
Liên quan đến chiến lược, kế hoạch kinh doanh dịch vụ 5G, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết, MobiFone sẽ đẩy nhanh thương mại hóa dịch vụ 5G trên toàn quốc, trong đó tập trung tăng cường dịch vụ tại các thành phố lớn, khu vực sân bay, các điểm du lịch hay các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp. Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai 5G, MobiFone sẽ áp dụng mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp.
Cụ thể, 5G sẽ là mảnh ghép để hoàn thiện các nền tảng công nghệ của MobiFone gồm 5G, Big Data, Cloud, AI… MobiFone định hướng phát triển các ứng dụng trên 5G phục vụ nhu cầu giải trí, công nghiệp, trong đó có giải pháp cho cảng thông minh, nhà máy thông minh; phục vụ chuyển đổi số giáo dục (MobiEdu - ứng dụng về học tập, giải pháp trường học trực tuyến); hệ sinh thái y tế số; nông nghiệp số, bán lẻ, trò chơi, quảng cáo, bất động sản...
Với Viettel, theo ông Đào Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn, Viettel xác định sẽ triển khai mạng 5G với quy mô rộng nhằm tạo nền tảng hạ tầng để kiến tạo kinh tế số, công nghiệp số, xã hội số, đáp ứng nhu cầu phát triển của mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, Viettel sẽ hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng để triển khai hệ sinh thái ứng dụng 5G trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, giải trí…, qua đó tạo ra động lực mới giúp tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT cho biết, sau khi được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G, VNPT sẽ lên kế hoạch triển khai 5G trên toàn quốc, ưu tiên phát triển hạ tầng mạng 5G theo hướng nâng cao trải nghiệm của người dùng, đem đến tốc độ cao, dung lượng lớn, độ trễ thấp nhất mà vẫn tối ưu nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai 5G ở những khu vực đòi hòi sự tương tác cao, giao tiếp qua mạng bằng thời gian thực, các khu vực như khu công nghệ cao, đô thị, các trường đại học.
Trên thế giới, các nhà mạng đã ứng dụng 5G để phục vụ tự động hóa, cảng biển thông minh… 5G còn đang được sử dụng trong các ứng dụng thuộc lĩnh vực quốc phòng. Các nhà mạng tận dụng 5G để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, như tổ chức các buổi hòa nhạc trực tiếp với dịch vụ chất lượng rất cao. Nhiều khách hàng sử dụng 5G cho truyền hình trực tiếp hoặc chương trình phát sóng, cũng như trong chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cùng nhiều ứng dụng khác.