Quý II, có ít nhất 10 cổ phiếu phải rời sàn niêm yết

Quý II, có ít nhất 10 cổ phiếu phải rời sàn niêm yết

“Bắt dao rơi” với cổ phiếu nhận án rời sàn

(ĐTCK) Thị giá những cổ phiếu thuộc diện bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc trong diện bị cảnh báo lao dốc mạnh. Gom mua những cổ phiếu này của nhà đầu tư chẳng khác gì việc “bắt dao rơi”.    

Quý II, 10 cổ phiếu sẽ rời sàn

Khoảng 10 cổ phiếu buộc phải rời sàn HNX trong quý II. Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 5/2017, sẽ có ít nhất 5 doanh nghiệp hủy niêm yết bắt buộc và con số này cũng tương đương trong tháng 6/2017.

Cụ thể, cổ phiếu VBH của CTCP Điện tử Bình Hòa bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp (2014, 2015, 2016) sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 26/5.

Trong khi đó, cổ phiếu PVR của CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam bị hủy niêm yết do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính 2016.

Cổ phiếu HDO của CTCP Hưng Đạo Container (HDO) cũng chính thức rời sàn từ ngày 26/5 với cùng lý do. Nguyên nhân là đơn vị kiểm toán không thể thực hiện các thủ tục kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho và tài sản cố định khác tại thời điểm 31/12/2016.

Việc hủy niêm yết bắt buộc là điều doanh nghiệp và cổ đông đều không mong muốn, nhưng với thị trường đây là sự thanh lọc cần thiết

Bằng các thủ tục kiểm toán thay thế, đơn vị kiểm toán cũng không thể đưa ra ý kiến về số lượng tiền mặt, hàng tồn kho và tài sản cố định khác tại thời điểm cuối năm 2016.

Thậm chí, tại thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, đơn vị kiểm toán vẫn chưa nhận được các xác nhận liên quan đến các khoản phải thu khách hàng; trả trợ người bán ngắn hạn; phải thu khác; phải trả người bán ngắn hạn; người mua trả tiền trước ngắn hạn...

Đó là chưa kể, HDO đang bị Chi cục Thuế quận Bình Thạnh thi hành các quyết định cưỡng chế: phong tỏa tài khoản, thu hồi hóa đơn và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM rút giấy đăng ký kinh doanh do tình trạng nợ đọng tiền thuế đã nhiều năm.

Một trường hợp khác cũng bị hủy niêm yết vào 26/5/2017 do kiểm toán từ chối đưa ý kiến với báo cáo tài chính năm 2016 là cổ phiếu PVR của CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam.

Các cổ phiếu VFR, SDH cũng nằm trong danh sách sẽ hủy niêm yết trong quý II, nâng số lượng hủy niêm yết trong quý này trên sàn HNX lên khoảng 10 doanh nghiệp, cao hơn cả số doanh nghiệp niêm yết mới trong quý này.

Ngoài ra, còn hàng chục cổ phiếu khác trên sàn HOSE nằm trong diện bị cảnh báo do thua lỗ ba năm liên tiếp hoặc liên tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin có nguy cơ bị hủy niêm yết trong năm nay.

Việc hủy niêm yết bắt buộc là điều doanh nghiệp và cổ đông đều không mong muốn, nhưng với thị trường đây là sự thanh lọc cần thiết.

Tránh bắt dao rơi

Thị giá cổ phiếu của một số sắp bị hủy niêm yết đã rơi sâu theo giá trị sổ sách của cổ phiếu. Cùng diễn biến với hoạt động kinh doanh bết bát, cổ phiếu HDO đã có một thời gian dài giao dịch ở mức 1.600 -2.000 đồng/cổ phiếu trước khi rơi xuống mức 800 đồng/cổ phiếu (8/5/2017), trong khi cổ phiếu HDO từng chào sàn ở mức giá 22.200 đồng/CP.

Ngày 2/6 tới, cổ phiếu VFR của CTCP Vận tải và Thuê tàu (VFR) sẽ chính thức bị hủy niêm yết trên HNX do Công ty kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp (2014 - 2016).

Thị trường gần như đã nắm bắt được thông tin về việc VFR sẽ bị hủy niêm yết khi giá cổ phiếu VFR liên tục giảm giá, đặc biệt là kể từ thời điểm từ giữa tháng 3/2017 đến nay.

Hiện cổ phiếu VFR đang giao dịch tại mức giá 9.600 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 8/5/2017), tức giảm hơn 50% so với thời điểm 8/3/2017.

Cổ phiếu PVR cũng đang ghi nhận mức giao dịch thấp nhất từ trước đến nay với giá đóng cửa phiên 8/5/2017 là 2.100 đồng/cổ phiếu.

Trước diễn biến dò đáy của những cổ phiếu sắp phải rời sàn này, một số nhà đầu tư có ý định mua gom với kỳ vọng các doanh nghiệp sau khi hủy niêm yết sẽ chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Nếu các doanh nghiệp này thực sự cải thiện được hoạt động kinh doanh thì giá cổ phiếu sẽ lật sang trang mới. Nhưng đó là kỳ vọng, còn thực tế mua những cổ phiếu này ở giai đoạn hiện nay cũng như tình trạng “bắt dao rơi”.

Tin bài liên quan