Bất chấp tình hình tiêu cực, giới đầu tư vẫn tự tin xuống tiền

Bất chấp tình hình tiêu cực, giới đầu tư vẫn tự tin xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đóng cửa ngày thứ Năm (1/10) tăng điểm nhẹ sau một phiên giao dịch mở đầu tháng 10 và quý cuối cùng của năm 2020 đầy biến động.

Kỳ vọng về gói viện trợ kinh tế mới vẫn là động lực chính cho thị trường chứng khoán Mỹ phiên đêm qua, ngay cả khi những tin tức không mấy tích cực về những cuộc thảo luận tại Washington được tung ra.

Dù đã đưa ra những tuyên bố đầy hy vọng trước đó nhưng cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin kết thúc vào tối hôm thứ Tư (30/9) đã không thể đi đến kết quả nào.

Hai vị quan chức đại diện cho Đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định sẽ có một phiên thảo luận khác vào ngày 1/10, còn Đảng Dân chủ thì sẽ hoãn bỏ phiếu về gói cứu trợ 2.200 tỷ USD một ngày để nhường chỗ cho phiên thảo luận.

Ông Mnuchin cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Fox Business News vào cuối ngày thứ Tư rằng, nếu có một thỏa hiệp công bằng, Nhà Trắng sẵn sàng thực hiện, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, hai bên chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào.

“Chúng tôi sẽ không đồng ý với con số 2.200 tỷ USD”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ tuyên bố và nói thêm chính phủ Mỹ đang tìm kiếm gói cứu trợ trong phạm vi giữa 1.500 tỷ USD và mức cao nhất 2.200 tỷ USD mà Đảng Dân chủ đề xuất.

Tuần này dự kiến ​​sẽ là tuần cuối cùng ở Washington dành cho các thành viên Hạ viện cho đến sau cuộc bầu cử vào tháng 11 và có thể cũng là tuần cuối cùng dành cho các thành viên của Thượng viện, ngoại trừ việc quay trở lại bỏ phiếu cho một ứng cử viên vào vị trị tại Tòa án Tối cao. Thời gian còn quá ít và khả năng đạt được sự đồng thuận giữa các bên khó có thể xảy ra.

Mặt khác, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo hôm thứ Năm cho thấy, tình trạng việc làm tại nước này vẫn tiếp tục phục hồi, mặc dù là với tốc độ chậm chạp. Cụ thể, có 837.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp được ghi nhận trong tuần kết thúc vào ngày 26/9/2020, giảm từ mức điều chỉnh 873.000 trong tuần trước.

Kết thúc phiên 1/10, chỉ số Dow Jones tăng 35,2 điểm (+0,13%), lên 27.816,9 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,8 điểm (+0,53%), lên 3.380,8 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 159,00 điểm (+1,42%) lên 11.326,51 điểm.

Chứng khoán châu Âu diễn biến trái chiều trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế không mấy khả quan được tung ra.

Eurostat, văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu (EU), hôm qua cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong khối đã tăng lên 8,1% trong tháng 8 từ mức 8,0% trong tháng 7, cho thấy suy thoái kinh tế gây ra bởi đại dịch vẫn chưa dừng lại.

Các quốc gia châu Âu tiếp tục chứng kiến ​​sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19. Madrid trở thành thủ đô đầu tiên quay trở lại với tình trạng phong toả, trong khi Bộ Y tế Anh mở rộng khu vực áp dụng các biện pháp hạn chế và thắt chặt hơn nữa các biện pháp này.

Kết thúc phiên 1/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,35 điểm (+0,23%), lên 5.879,45 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 29,96 điểm -0,23%), xuống 12.730,77 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 20,60 điểm (+0,43%), lên 4.824,04 điểm.

Hầu hết các thị trường lớn tại châu Á đều nghỉ giao dịch ngày hôm qua. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch dịp Quốc Khánh. Chứng khoán Hàn Quốc vẫn đang đóng cửa nghỉ lễ dịp Ngày Lập quốc. Chứng khoán Nhật Bản gặp sự cố giao dịch.

Giá vàng tăng mạnh trong phiên ngày thứ Năm, được hỗ trợ từ sự yếu đi của chỉ số đồng USD và sự biến động dữ dội trên thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 1/10, giá vàng giao ngay tăng 21,20 USD (+1,12%), lên 1.906,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 20,80 USD (+1,10%), lên 1.911,70 USD/ounce.

Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều sau khi các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ hoãn cuộc bỏ phiếu về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 2.200 tỷ USD để dành thời gian cho các cuộc đàm phán, trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu nhiên liệu giảm ngày càng tăng cao do đại dịch Covid-19 ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) hôm qua cũng báo cáo, tồn trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và nhiên liệu máy bay giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần qua.

Trong khi đó, nguồn cung ngày càng tăng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng ảnh hưởng đến thị trường, so với sản lượng trong tháng 8, sản lượng tháng 9 đã tăng 160.000 thùng/ngày, khi một số cơ sở sản xuất của Libya hoạt động trở lại và xuất khẩu của Iran tăng.

Kết thúc phiên 1/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,50 USD (3,87%), lên 38,72 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,01 USD (+0,02%), lên 40,96 USD/thùng.

Tin bài liên quan