Bất chấp tin tức tiêu cực, giới đầu tư vẫn mạnh mẽ gom hàng

Bất chấp tin tức tiêu cực, giới đầu tư vẫn mạnh mẽ gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kỳ vọng vào đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ tiếp tục kéo phố Wall khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Hai đầu tuần (15/3).

Khởi đầu tuần mới, chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch khó khăn khi suy giảm phần lớn thời gian trong phiên, trước khi bật lên vào những phút giao dịch cuối cùng.

Thị trường nhận được trợ lực từ chương trình tiêm chủng rộng rã cũng như dự luật viện trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Kỳ vọng về một nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ đã thúc đẩy đà tăng đối với các cổ phiếu tăng trưởng tốt khi nền kinh tế mở cửa trở lại như ngân hàng, năng lượng, vật liệu.

Tuần này, các nhà đầu tư tập trung vào cuối cuộc họp định kỳ kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào thứ Tư. Các nhà hoạch định chính sách dự kiến đưa ra tăng trưởng vô cùng lạc quan cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2021, đồng thời nhắc lại lập trường ôn hòa của họ trong tương lai gần.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 1,60% từ mức đỉnh 13 tháng 1,64% lập được trong phiên thứ Sáu. Phố Wall đã bị xáo trộn trong những tuần gần đây bởi sự gia tăng đột biến của lợi suất trái phiếu Mỹ do lo ngại lạm phát gia tăng.

Mặt khác, ba nước châu Âu là Đức, Ý và Pháp đồng loạt hoãn sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca từ ngày 15/3 sau khi có báo cáo về tình trạng đông máu sau khi tiêm.

Đan Mạch và Na Uy đã hoãn từ tuần trước sau khi ghi nhận một số trường hợp đông máu. Iceland và Bulgaria tiếp bước, trong khi Ireland và Hà Lan vừa tuyên bố hoãn vào ngày 14/3.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số Dow Jones tăng 174,82 điểm (+0,53%), lên 32.953,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,60 điểm (+0,65%), lên 3.968,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 14.459,71 điểm (+1,05%), lên 13.459,71 điểm.

Chứng khoán Châu Âu giảm nhẹ trong phiên giao dịch khởi đầu tuần mới trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng gây áp lực lên nhóm cổ phiếu tăng trưởng như công nghệ, đồng thời đẩy dòng tiền chảy vào cổ phiếu các nhóm ngành kinh tế nhạy cảm trên thị trường như ngân hàng, năng lượng và ô tô.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,77 điểm (-0,17%), xuống 6.749,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 40,79 điểm (-0,28%), xuống 14.461,42 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 10,58 điểm (-0,17%), xuống 6.035,97 điểm.

Chứng khoán châu Á có phiên giao dịch trái chiều vào thứ Hai. Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm nhờ sự lạc quan xung quanh việc Mỹ thông qua gói kích thích khổng lồ, thúc đẩy cổ phiếu chu kỳ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do chịu sức ép từ các nhóm cổ phiếu tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và năng lượng mới.

Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm, được củng cố bởi cổ phiếu của các công ty tài chính lớn.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm khi giới đầu tư đứng ngoài chờ đợi cuộc họp chính sách của Fed trong vài ngày tới.

Kết thúc phiên 15/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 49,14 điểm (+0,17%), lên 29.766,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 33,13 điểm (-0,96%), xuống 3.419,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 94,09 điểm (+0,33%), lên 28.833,76 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 8,68 điểm (-0,28%), xuống 3.045,71 điểm.

Giá vàng phiên ngày thứ Hai tiếp hồi phục nhẹ lợi suất trái phiếu Mỹ giảm nhẹ. Thị trường cũng đang chờ đợi cuộc họp tuần này của Fed.

Kết thúc phiên 15/3, giá vàng giao ngay tăng 3,10 USD (+0,18%), lên 1.731,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 9,40 USD (+0,55%), lên 1.729,20 USD/ounce.

Giá dầu đóng cửa giảm nhẹ vào thứ Hai, bất chấp nhận được loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ Trung Quốc, cũng như việc hạn chế nguồn cung liên tục từ các nhà sản xuất dầu lớn.

Sản xuất của Trung Quốc tăng tốc trong 2 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm đã tăng 35,1% so cùng kỳ, từ mức tăng 7,3% vào tháng 12 năm ngoái, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết Con số này cao hơn dự báo tăng 30,0% của giới phân tích.

Kết thúc phiên 15/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,22 USD (-0,33%), xuống 65,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,34 USD (-0,49%), xuống 68,88 USD/thùng.

Tin bài liên quan