Bất chấp những thông tin tích cực, giới đầu tư vẫn lo sợ

Bất chấp những thông tin tích cực, giới đầu tư vẫn lo sợ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phố Wall khởi đầu tuần mới (14/12) với một phiên lao dốc của 2 trong bộ 3 chỉ số chính khi những tiến bộ xung quanh việc triển khai vắc-xin không khiến nhà đầu tư bớt lo lắng.

Các quan chức Mỹ đã bắt đầu kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 do Pfizer và BioNTech phát triển vào thứ Hai, bắt đầu vào tại New York, sau khi các cơ quan quản lý liên bang phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Trong khi đó, Mỹ đã xác nhận hơn 300.000 trường hợp tử vong cùng với hơn 16 triệu ca nhiễm Covid-19.

Thị trưởng New York Bill De Blasio hôm thứ Hai đưa ra cảnh báo, thành phố có thể sớm bị phong tỏa hoàn toàn khi đang phải chứng kiến “mức độ lây nhiễm chưa từng thấy.

Nhiều khu vực khác của Mỹ cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới tuyên bố áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn.

Tại Anh, Bộ trưởng Y tế nước này cho biết London sẽ được đặt vào chế độ phong tỏa khó khăn nhất của Anh vì Covid-19. Đức, nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, có kế hoạch áp đặt lệnh phong toả chặt chẽ hơn từ thứ Tư tuần này.

Còn tại Washington, các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ đã gần đạt được thỏa thuận về gói chi tiêu lớn nhằm ngăn chặn chính phủ đóng cửa bởi Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều khẳng định muốn thông qua gói viện trợ mới để cứu nền kinh tế khởi đại dịch.

Đóng cửa phiên ngày thứ Hai, trong khi Dow Jones và S&P 500 mất điểm thì Nasdaq Composite khởi sắc.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số Dow Jones giảm 184,82 điểm (-0,62%), xuống 29.861,55 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,97 điểm (-0,44%), xuống 3.647,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 62,17 điểm (+0,50%), lên 12.440,04 điểm.

Chứng khoán châu Âu nhìn chung khởi sắc trong phiên thứ Hai đầu tuần sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu được gia hạn thêm thời gian, giữ hy vọng về một thỏa thuận cuối cùng vẫn sẽ có thể đạt được.

Sự lạc quan trên thị trường cũng xuất phát từ hy vọng chấm dứt đại dịch Covid-19 khi Mỹ bắt đầu tiêm chủng rộng rãi vắc-xin Pfizer/BioNtech cho công dân của mình. Tuần trước, Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên triển khai tiêm chủng hàng loạt.

Tuy nhiên, chứng khoán Anh đã bị kéo chân bởi thương vụ M&A không thành công của hãng dược AstraZeneca.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm -14,92 điểm (-0,23%), xuống 6.531,83 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 108,86 điểm (+0,83%), lên 13.223,16 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 20,29 điểm (+0,37%), lên 5.573,38 điểm.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ nhờ khảo sát thường kỳ cho thấy, tâm lý kinh doanh trong tháng 12 được cải thiện với tốc độ nhanh nhất trong gần hai thập kỷ.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm, tâm lý thị trường được củng cố bởi hy vọng có thêm những chính sách để hỗ trợ nền kinh tế.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ tài khóa trong một chiến lược nhằm thúc đẩy tăng tốc nền kinh tế đang chủ yếu dựa vào cầu nội địa, chuỗi cung ứng và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lưu Côn cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu, sau khi Trung Quốc trừng phạt các công ty công nghệ lớn.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm khi lo ngại ngày một dâng cao về tình hình dịch bệnh trong nước.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 79,92 điểm (+0,30%), lên 26.732,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,93 điểm (+0,66%), lên 3.369,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 116,35 điểm (-0,44%), xuống 26.389,52 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 7,86 điểm (-0,28%), xuống 2.762,20 điểm.

Giá vàng phiên ngày thứ hai đi xuống trong bối cảnh Mỹ bắt đầu triển khai tiêm chủng rộng rãi vắc-xin Covid-19. Các nhà đầu tư đang chờ thông báo chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp ngày 16/12.

Kết thúc phiên 14/12, giá vàng giao ngay giảm 12,30 USD (-0,67%), xuống 1.827,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 ngay giảm 11,50 USD (-0,62%), xuống 1.832,10 USD/ounce.

Giá dầu ít thay đổi trong phiên giao dịch vào ngày thứ Hai khi tình trạng dư cung liên tục trên thị trường được bù đắp bởi những hy vọng rằng việc tung ra vắc-xin Covid-19 sẽ giúp nhu cầu trên thị trường dầu mỏ sớm phục hồi.

Kết thúc phiên 14/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,42 USD (+0,9%), lên 46,99 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,32 USD (+0,6%), lên 50,29 USD/thùng.

Tin bài liên quan