Hôm 10/5, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ tiếp tục tăng nóng ở mức 5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 13 năm qua (kể từ 8/2008) và vượt mọi dự báo của của giới chuyên gia. CPI cốt lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
So với tháng 4, CPI tháng 5 tăng 0,8%, trong khi CPI cốt lõi tăng 0,7%. Áp lực giá tiếp tục leo thang trong khắp nền kinh tế khi các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu cung nguyên vật liệu, lao động và chưa thể bắt kịp với nhu cầu mạnh hiện tại.
Bên cạnh đó, báo cáo thất nghiệp hàng tuần cho thấy số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 05/06 ở mức 376.000 đơn, thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo giới quan sát, với việc các nhà đầu tư đang hướng tới cuộc họp vào tuần tới của các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), có rất ít chất xúc tác rõ ràng cho phiên giao dịch hôm thứ Sáu cuối tuần qua.
Mặc dù vậy, lợi tức trái phiếu chính phủ trong phiên cuối tuần giảm, tạo ra lực đẩy cho chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty liên quan đến công nghệ và những công ty nhạy cảm với lãi suất.
Tại Washington, một nhóm thượng nghị sĩ, 5 của đảng Dân chủ và 5 của đảng Cộng hòa, đang thúc đẩy một gói thỏa thuận trên trị giá 1.200 tỷ USD trong 8 năm, trong đó khoảng 579 tỷ USD là chi tiêu mới và không có khoản nào trong số đó được huy động thông qua tăng thuế doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập mới.
Về dữ liệu kinh tế khác, Đại học Michigan hôm thứ Sáu cho biết, ước tính sơ bộ về chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 6 tăng lên 86,4 từ mức 82,9 của tháng 5. Con số này vượt quá kỳ vọng của các nhà kinh tế Dow Jones.
Kết thúc phiên 11/6, chỉ số Dow Jones tăng 13,36 điểm (+0,04%), lên 34.479,60 điểm. Chỉ số S&P tăng 8,26 điểm (+0,19%), lên 4.247,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 49,09 điểm (+0,35%), lên 14.069,42 điểm.
Kết thúc tuần, Dow Jones giảm 0,80%, S&P 500 tăng 0,41%, Nasdaq Composite tăng 1,85%.
Chứng khoán châu Âu tăng cao trong phiên ngày thứ Sáu, được thúc đẩy bởi kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ duy trì chính sách ôn hoà bất chấp các dấu hiệu lạm phát gia tăng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng dự báo tăng trưởng và lạm phát cho khu vực đồng euro vào hôm 10/6 nhưng cam kết sẽ giữ ổn định các biện pháp kích thích trong suốt mùa hè.
“Ngay cả sau khi nâng dự báo lạm phát, ECB vẫn không cho rằng lạm phát sẽ đạt 2%”, các nhà phân tích BCA Research nhận định.
Kết thúc phiên 11/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 45,88 điểm (+0,65%), lên 7.134,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 122,05 điểm (+0,78%), lên 15.693,27. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 54,17 điểm (+0,83%), lên 6.600,66 điểm.
Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 0,92%, DAX không đổi, CAC 40 tăng 1,30%.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ do tổn thất tại các cổ phiếu chu kỳ, cũng như nhóm ngân hàng và bất động sản.
Chứng khoán Trung Quốc giảm do nhóm cổ phiếu tài chính và rượu kéo lùi và dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng đã chậm lại trong tháng 5.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết, sẽ bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ nới lỏng một cách có trật tự, khi nền kinh tế được đánh giá là đang trên đà phục hồi vững chắc.
Chứng khoán Hồng Kông tăng khi lo ngại lạm phát giảm bớt. Chứng khoán Hàn Quốc tăng theo sức ảnh hưởng của phiên đêm trước đó trên phố Wall.
Kết thúc phiên 11/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 9,83 điểm (-0,03%), xuống 28.948,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 21,11 điểm (-0,58%), xuống 3.589,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 103,25 điểm (+0,36%), lên 28.842,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 24,68 điểm (+0,77%), lên 3.249,32 điểm.
Trong tuần, Nikkei 225 giảm 0,02%, Shanghai Composite giảm 0,06%, Hang Seng giảm 0,26%, KOSPI tăng 0,29%.
Giá vàng phiên ngày thứ Sáu bị chốt lời khá mạnh do không thể vượt qua được mốc 1.900 USD/ounce trong cả tuần.
Kết thúc phiên 11/6, giá vàng giao ngay giảm 20,40 USD (-1,07%), xuống 1.877,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 16,80 USD (-0,89%), xuống 1.877,40 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay đã giảm 14,2 USD/ounce, tương đương 0,75%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall, có 5 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 5 người cho rằng giá vàng giảm và có 5 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 1.056 người tham gia, 66% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 17% cho rằng giá vàng giảm và 17% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu tiếp tục duy trì đã tăng trong phiên cuối tuần, kết thúc tuần tăng thứ ba liên tiếp nhờ triển vọng nhu cầu nhiên liệu trên toàn thế giới được cải thiện khi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 tăng nhanh. Dầu thô Brent đóng cửa ở mức cao nhất kể từ 5/2019, dầu WTI đạt mức cao nhất kể từ 10/2018.
Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo hàng tháng, OPEC+ sẽ cần phải tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu được đặt ra để phục hồi về mức trước đại dịch vào cuối năm 2022. IAE dự báo nhu cầu dầu mỏ trong 2 năm tới đây sẽ dần hồi phục, cụ thể tăng thêm 5,4 triệu thùng/ngày vào năm nay và thêm 3,1 triệu thùng/ngày vào năm sau.
Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs nhận định, giá dầu thô Brent sẽ đạt 80 USD/thùng trong mùa hè này khi chương trình triển khai vắc-xin tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên 11/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,62 USD (+0,88), lên 70,69 USD/thùng. giá dầu thô Brent tăng 0,17 USD (+0,23), lên 72,69 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu WTI tăng 1,9%, giá dầu Brent tăng 1%.