Ảnh AFP

Ảnh AFP

Bất chấp dữ liệu thất nghiệp tồi tệ, giới đầu tư vẫn hào hứng xuống tiền

(ĐTCK) Bất chấp số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục do ảnh hưởng với Covid-19, nhưng kỳ vọng vào gói kích thích 2.000 tỷ USD, phố Wall tiếp tục có phiên tăng mạnh ngày thứ Năm (26/3).

Theo số liệu vừa công bố hôm thứ Năm, số lượng người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục 3,28 triệu vào tuần trước vì các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch Covid-19, khiến nước nhiều nhà máy, nhà hàng, địa điểm kinh doanh phải đóng cửa, thúc đẩy hoạt động sa thải nhân công hàng loạt. Điều này có thể làm chấm dứt thời gian gia tăng việc làm lâu nhất lịch sử của Mỹ.

Tuy nhiên, giới đầu tư đã bỏ qua thông tin về số liệu thất nghiệp, vì dù tăng lên mức kỷ lục, nhưng vẫn nằm trong dự báo trước đó. Vấn đề trọng tâm chú ý của giới đầu tư hiện nay là gói kích thích 2.200 tỷ USD.

Dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua cuối ngày thứ Tư với số phiếu ủng hộ kỷ lục 90-0. Các nhà lãnh đạo của Hạ viện cho biết, sẽ quyết tâm thông qua dự luật này vào thứ Sáu, hoặc muộn nhất là vào thứ Bảy, hy vọng sẽ cung cấp sự giúp đỡ nhanh nhất có thể khi nền kinh tế đang tê liệt vì Covid-19.

Kỳ vọng về gói kích thích này giúp phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong phiên thứ Năm với việc Dow Jones có chuỗi 3 ngày tăng mạnh nhất kể từ năm 1931 với mức tăng trong 3 phiên gần đây là 21%.

Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Dow Jones tăng 1.351,62 điểm (+6,38%), lên 22.552,17 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 154,51 điểm (+6,24%), lên 2.630,07 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 413,24 điểm (+5,60%), lên 7.797,54 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, trong phần lớn thời gian của phiên thứ Năm, các chỉ số chìm trong sắc đỏ, nhưng đã đồng loạt bật dậy mạnh mẽ trong ít phút cuối phiên khi giới đầu tư kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ thông qua gói cứu trợ khẩn cấp để đối phó với ảnh hưởng kinh tế do Covid-19.

Kết thúc phiên 26/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 127,53 điểm (+2,24%), lên 5.815,73 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 126,70 điểm (+1,28%), lên 10.000,96 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 111,29 điểm (+2,51%), lên 4.543,58 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á chịu áp lực chốt lời sau 2 phiên tăng mạnh trước đó. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh hơn 4,5% khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này tăng, làm gia tăng lo ngại về việc sẽ hạn chế đi lại.

Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 882,03 điểm (-4,51%), xuống 18.664,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,68 điểm (-0,60%), xuống 2.764,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 174,85 điểm (-0,74%), xuống 23.352,34 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 18,52 điểm (-1,09%), xuống 1.686,24 điểm.

Bất chất chứng khoán tăng, giá vàng vẫn đảo chiều đi lên sau phiên điều chỉnh sâu trước đó nhờ lực cầu bắt đáy và nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng.

Kết thúc phiên 26/3, giá vàng giao ngay tăng 11,6 USD (+0,72%), lên 1.624,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 17,8 USD (+1,09%), lên 1.651,2 USD/ounce.

Trong khi đó, bất chấp gói kích thích kinh tế được thông qua, nhưng dự báo nhu cầu sụt giảm khiến giá dầu quay đầu giảm mạnh trở lại sau 2 phiên hồi phục nhẹ trước đó.

Kết thúc phiên 26/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,89 USD (-8,36%), xuống 22,60 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,05 USD (-3,99%), xuống 26,34 USD/thùng.

Tin bài liên quan