Bất chấp dấu hiệu lạm phát mạnh mẽ, giới đầu tư vẫn mạnh tay xuống tiền

Bất chấp dấu hiệu lạm phát mạnh mẽ, giới đầu tư vẫn mạnh tay xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kết thúc một tuần tích cực bằng một phiên sôi động khi thị trường giảm bớt lo ngại lạm phát mặc dù dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất tại Mỹ tăng hơn dự báo.

Cuối tuần, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 1% trong tháng 3. So với cùng kỳ năm 2020, chỉ số này tăng 4,2%, mức tăng theo năm lớn nhất kể từ tháng 9/2011 và vượt khá xa mức tăng 2,8% của tháng 2.

Giá hàng hóa tăng 1,7%, chiếm gần 60% mức tăng của chỉ số PPI trong tháng 3, và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/2009. Giá dịch vụ cũng tăng 0,7%, sau khi tăng 0,1% trong tháng Hai. Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nếu loại trừ các thành phần giá lương thực, năng lượng và dịch vụ thương mại dễ biến động, PPI cốt lõi của Mỹ tăng 0,6% trong tháng 3, so với mức tăng 0,2% của tháng 2.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây có thể là dấu hiệu bắt đầu của giai đoạn lạm phát cao hơn, khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau đại dịch.

Phó Chủ tịch Cụ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm thứ Sáu, đánh giá, bất kỳ sự gia tăng nào của lạm phát cũng sẽ chỉ là tạm thời, Fed dự báo lạm phát sẽ trong năm nay sẽ tăng lên trên mức 2% trong một thời gian, sau đó sẽ quay trở lại quanh mức 2% vào cuối năm.

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong tuần này nhận được trợ lực mạnh mẽ khi theo dõi các tín hiệu từ Fed. Ngân hàng trung ương nhiều lần nhấn mạnh ý định giữ nguyên các chính sách tiền tệ nới lỏng của mình cho đến khi thị trường việc làm đạt được sự phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.

Mặt khác, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 8/4 đề xuất dự luật "Cạnh tranh chiến lược năm 2021” dài 280 trang, trong đó đưa ra nhiều ý tưởng nhằm tăng cường khả năng của Mỹ để đẩy lùi tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc thông qua nhân quyền, viện trợ an ninh.

Trong khi đó, Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) ngày 9/4 cũng công bố số liệu cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 3 đã ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2018. Cụ thể, chỉ số PPI tháng 3 của Trung Quốc tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 1,7% trong tháng 2.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Dow Jones tăng 279,03 điểm (+0,89%), lên 33.800,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 31,63 điểm (+0,77%), lên 4.129,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 70,88 điểm (+0,51%), lên 13.900,19 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,95%, S&P 500 tăng 2,71%, Nasdaq Composite tăng 3,12%.

Chứng khoán châu Âu có phiên cuối tuần ảm đạm, song vẫn khép lại một tuần giao dịch thành công, đánh dấu chuỗi phiên tăng điểm hằng tuần dài nhất kể từ tháng 11/2019. Thị trường vẫn được thúc đẩy bởi kỳ vọng đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu, song đã chững lại do những nghi ngờ về chương trình tiêm chủng Covid-19 tại khu vực đồng tiền chung euro.

Hôm 7/4, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã công bố đánh giá mới nhất về mối liên hệ giữa vắc-xin của AstraZeneca với chứng đông máu. Theo đó, chứng đông máu nên được liệt kê là tác dụng phụ "rất hiếm" của vắc-xin AstraZeneca và khuyến khích các nước tiếp tục sử dụng.

Tuy nhiên, trước khi EMA thông báo, nhiều quốc gia châu Âu đã đưa ra những thay đổi với chương trình tiêm chủng. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy nhiều người châu Âu giờ đây coi vắc-xin AstraZeneca "không an toàn".

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 26,47 điểm (-0,38%), xuống 6.915,75 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 31,48 điểm (+0,21%), lên 15.234,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 3,69 điểm (+0,06%), lên 6.169,41 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 2,65%, DAX tăng 0,84%, CAC 40 tăng 1,09%.

Chứng khoán châu Á trái chiều trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, được thúc đẩy bởi kỳ vọng vào báo cáo lợi nhuận tốt hơn trong năm nay của các doanh nghiệp.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm do lo ngại lạm phát tăng mạnh sẽ khiến chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chứng khoán Hồng Kông giảm điểm do lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại Đại lục, trong khi căng thẳng Trung - Mỹ cũng đè nặng lên thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, kết thúc chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp khi số ca nhiễm mới Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 59,08 điểm (+0,20%), lên 29.768,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 31,88 điểm (-0,92%), xuống 3.450,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 309,27 điểm (-1,07%), xuống 28.698,80 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 11,38 điểm (-0,36%), xuống 3.131,88 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 0,29%, Shanghai Composite giảm 0,97%, Hang Seng giảm 0,83%, KOSPI tăng 0,61%.

Giá vàng phiên ngày thứ Sáu quay đầu giảm khá mạnh do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng nhẹ. Vàng có tuần biến động giá mạnh.

Kết thúc phiên 9/4, giá vàng giao ngay giảm 11,6 USD (-0,66%), xuống 1.744,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 13,40 USD (-0,76%), xuống 1.744,80 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,8%, giá vàng giao tháng 6 tăng 0,9%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall, có 9 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 3 người cho rằng giá vàng giảm và có 3 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 1.201 người tham gia, 65% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 20% cho rằng giá vàng giảm và 15% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu trong bối cảnh nguồn cung từ các nhà sản xuất lớn tăng trước bức tranh hỗn độn về tác động của đại dịch đối với nhu cầu nhiên liệu.

Các đợt đóng cửa được gia hạn ở một số quốc giá và vấn đề với các chương trình tiêm chủng có thể đe dọa bức tranh nhu cầu dầu mỏ.

Kết thúc phiên 9/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,28 USD (-0,47%), xuống 59,32 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,26 USD (-0,40%), xuống 62,95 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu WTI giảm 3,5%, giá dầu Brent giảm 2,9%.

Tin bài liên quan