Thị trường tiền tệ diễn biến bất thường nhưng chưa được phát hiện và cảnh báo kịp thời.

Thị trường tiền tệ diễn biến bất thường nhưng chưa được phát hiện và cảnh báo kịp thời.

"Bắt bệnh" thị trường

(ĐTCK-online) "TTCK hoạt động không ổn định" là một trong những nhận định của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi bàn về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2008. Phân tích về thực trạng xấu của thị trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, nguyên nhân là do chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm, nhất là trong năm 2007 làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng tăng mạnh (tăng tương ứng 43,7% và 53,9%).

 

 

Trong khi đó, năng lực kiểm tra, giám sát của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ không theo kịp tình hình, khi các tổ chức tín dụng chuyển mạnh sang cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; không kiểm soát có hiệu quả hoạt động của các NHTM, nhất là NHTM cổ phần trong việc cho vay kinh doanh chứng khoán.

Thị trường tiền tệ diễn biến bất thường nhưng chưa được phát hiện và cảnh báo kịp thời. Khi có vấn đề xảy ra, lại thực hiện đồng thời nhiều giải pháp mạnh vào cùng một thời điểm, như tăng dự trữ bắt buộc, điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán… nhưng thiếu đồng bộ với các giải pháp khác - tuy có góp phần ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trên thị trường tiền tệ - nhưng lại tạo ra cuộc đua lãi suất huy động vốn, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Đây là nguyên nhân thứ 2 góp phần dẫn tới sự mất ổn định của TTCK, được Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đề cập.

Nguyên nhân thứ ba khiến TTCK phát triển thiếu bền vững, là do số lượng DN niêm yết chưa nhiều, quy mô DN nhỏ nhưng mức vốn hóa thị trường lại quá lớn (gần bằng 40% GDP), không phản ánh đúng giá trị thật của DN, đem lại những khoản lợi nhuận rất lớn cho công ty phát hành cổ phiếu và một số ít nhà đầu tư lớn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư nhỏ, không chuyên nghiệp (chiếm đại đa số nhà đầu tư trên thị trường). Bên cạnh đó, các biện pháp can thiệp để khắc phục đà tụt dốc chậm phát huy tác dụng, chưa đem lại kết quả vững chắc.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền còn chỉ ra nhiều hạn chế khác của TTCK và công tác điều hành thị trường. Cụ thể, tuy quy mô thị trường tăng cao, song quan hệ cung - cầu chứng khoán tại nhiều thời điểm rơi vào tình trạng mất cân đối. Nhiều quy định liên quan đến sự ổn định và hoạt động bình thường của thị trường chưa được bổ sung hoặc điều chỉnh như cầm cố chứng khoán, ủy thác đầu tư… Tính công khai, minh bạch của thị trường thông qua việc công bố thông tin vẫn chưa được cải thiện, thể hiện ở chất lượng, nội dung và thời hạn công bố chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Hoạt động của TTCK tự do còn thiếu công khai, minh bạch, không được tổ chức quản lý, giám sát nên khả năng xảy ra rủi ro rất cao, có thể gây mất ổn định cho thị trường tập trung và cả hệ thống tài chính. Hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là công nghệ giao dịch của cả HOSE lẫn HASTC và các thành viên tham gia thị trường còn nhiều bất cập, không theo kịp sự phát triển quá nhanh của thị trường. "TTCK năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 bộc lộ hạn chế trên nhiều mặt, từ hệ thống văn bản pháp lý, nguồn nhân lực, tổ chức quản lý đến công tác thông tin phổ biến kiến thức, tính công khai, minh bạch trên cả thị trường niêm yết lẫn thị trường tự do", ông Hiền kết luận về nguyên nhân bất ổn của TTCK trong thời gian vừa qua.

Trước đà giảm sút mạnh của thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp cấp bách, cả hành chính lẫn kinh tế để phục hồi, lấy lại lòng tin cho nhà đầu tư… nhưng đến cuối quý I/2008, có thời điểm, VN-Index giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2007. "Điều này cho thấy, việc quản lý TTCK vẫn còn nhiều lúng túng", ông Hiền nhận định.

Sự lúng túng, theo ông Hiền, thể hiện ở ngay quan điểm đấu giá cổ phiếu lần đầu ra thị trường hiện vẫn không nhất quán trong xác định mục tiêu cổ phần hóa là để thu hồi tới mức tối đa tài sản nhà nước hay là để tái cơ cấu hệ thống DNNN!?

Hiện Trung Quốc chỉ có 107 công ty chứng khoán, Malaysia có 37 công ty, Thái Lan có 31 công ty, Singapore có 27 công ty, Hàn Quốc có trên dưới 50 công ty… trong khi đó, Việt Nam đã có khoảng 80 công ty chứng khoán được cấp phép và hoạt động, mặc dù TTCK Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều so với TTCK các nước trên. "Nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến khả năng đổ vỡ và thâu tóm, sáp nhập các công ty chứng khoán, đặc biệt là những công ty nhỏ, công ty mới đi vào hoạt động từ giữa năm 2007 trở lại đây, khi TTCK tiếp tục khó khăn. Điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sự an toàn và lành mạnh của thị trường tài chính", ông Hiền nhận định.

Trước thực tế này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu các biện pháp phù hợp với quy định của WTO, nhằm kiểm soát việc thành lập công ty chứng khoán cũng như NHTM cổ phần để bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ; đẩy mạnh cổ phần hóa. Bộ trưởng Phúc cũng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành chức năng thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ tín dụng để đưa TTCK hoạt động có nề nếp; từng bước lành mạnh hóa và khắc phục tình trạng đầu cơ trên TTCK; giãn tiến độ phát hành cổ phiếu ra công chúng của DNNN cổ phần hóa để không tạo ra sức ép tăng cung hàng hóa quá lớn lên thị trường, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty niêm yết, bảo đảm chỉ cổ phiếu có chất lượng mới được lưu hành trên thị trường; rà soát lại các công ty chứng khoán và điều kiện thành lập khối công ty này…