
Một nhân viên môi giới đang giới thiệu “đất sào” với khách.
Đua nhau… sốt đất
Sau thời gian dài rơi vào cảnh “đóng băng”, từ tháng 3 tới nay, nhiều khu vực tại phía Nam bắt đầu xuất hiện những thông tin sốt đất. Tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), giới đầu tư đang đổ về mua đất và tạo cơn sốt. Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có mặt tại xã Bình Châu theo lời hẹn đi xem đất của một người tên là Tuấn - môi giới chuyên đất sào (tức đất nông nghiệp) tại đây.
Theo ông Tuấn, hồi tháng 2, giá đất tại Xuyên Mộc chỉ từ 700 triệu đồng tới 1,2 tỷ đồng/sào, song từ tháng 3 tới nay, giá đã tăng 30 - 50%.
Chỉ cho phóng viên lô đất rộng 1 sào tại xã Bình Châu, ông Tuấn cho biết, giá hiện là 2 tỷ đồng. “Giá sẽ còn lên tiếp vì thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhập vào TP.HCM và quy hoạch Hồ Tràm vừa được công bố là khu du lịch và kinh tế trọng điểm của tỉnh nên sẽ phát triển rất mạnh”, ông Tuấn hào hứng.
Trước khi tung tin sốt đất, dân môi giới sẽ đẩy thông tin quy hoạch những dự án tại khu vực muốn tạo sốt đất lên các trang mạng, gửi cho khách hàng xem, tạo ra tâm lý mua đất trước quy hoạch sẽ có lời.
Còn tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), từ đầu tháng 3, cơn sốt đất bắt đầu trở lại. Nhiều khu đô thị bỏ hoang trong thời gian dài và các lô đất thổ cư, phân lô thuộc các xã/phường Phú Hữu, Phước Khánh, Vĩnh Thanh, Phước An, Đại Phước... được môi giới rao bán và sang tay với giá tăng từng ngày. Chỉ riêng 2 tuần gần đây, giá đất nền Nhơn Trạch đã tăng 30-50%, một số lô thậm chí được rao giá cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Có mặt tại huyện Nhơn Trạch, không khó để thấy nhân viên môi giới chào bán đất nền tại các tuyến đường quanh Khu đô thị Đông Sài Gòn New City. Theo một nhân viên môi giới tên là Huyền, hiện giá đất tăng, nhưng chủ yếu là đất sào và đất nền phân lô của người dân, chứ dự án chỉ tăng nhẹ.
Tại Bình Dương, từ nhiều năm nay, địa phương này không xuất hiện sốt đất, nhưng giờ đã xuất hiện hàng loạt thông tin đất tăng giá. Theo chân nhóm nhân viên môi giới đất nền xuống thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng), chúng tôi được Thảo - một thành viên trong nhóm môi giới cho biết, đất tại đây không bán theo sào, mà theo lô, mỗi lô từ 100 tới 300 m2, giá hồi tháng 2 chỉ khoảng 4 triệu đồng/m2, nay tăng lên 7,5 triệu đồng/m2. Hiện đất phân lô và đất nông nghiệp được quan tâm nhiều hơn đất nền dự án.
“Lý do giá đất tăng là bởi thông tin Bình Dương sẽ nhập vào TP.HCM. Ngoài ra, cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng thông xe và quy hoạch khu công nghiệp tại huyện đã đẩy giá đất lên cao. Dù vậy, mặt bằng chung vẫn thấp và sẽ còn tăng trong các tháng tiếp theo”, Thảo nhận định.
Thậm chí, đến một địa danh lịch sử là thôn Bom Bo (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cũng được dân môi giới quảng cáo là đang sốt đất. Mức giá chào bán từ 200 tới 300 triệu đồng/lô diện tích 100 m2, trong khi người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào S’Tiêng.
Lộ chiêu thức đẩy giá
Khi đang được Thảo giới thiệu lô đất cao su rộng 1.500 m2, tôi được một người đàn ông giới thiệu tên là Quốc làm quen và đưa một tờ công chứng mới đặt cọc mua lô đất vườn với giá hơn 1,6 tỷ đồng. Ông Quốc kể, ông mới công chứng hôm qua, nhưng chưa thu xếp được tiền để thanh toán, muốn bán lại với mức giá 1 tỷ 650 triệu đồng, chỉ xin lời chút đỉnh.
“Đất khu này đang tăng, bảo đảm mua sẽ có lời ngay tháng sau”, ông Quốc khẳng định chắc nịch.
Ngay sau đó, một người đàn ông trong nhóm xem đất đi cùng tôi tiếp cận, hỏi mua miếng đất trên với giá 1 tỷ 640 triệu đồng. Nhưng ông Quốc nói đang giới thiệu cho tôi, nếu tôi không mua thì sẽ bán cho người đàn ông kia.
Xem cung cách hai người “diễn”, tôi đã đoán ra chiêu thức đẩy giá đất tạo sốt ảo của họ. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Hoàng Anh Bình Dương, hiện có nhiều thông tin sốt đất ở những khu vực đã từng sốt trước đây. Song đây chỉ là thông tin do dân đầu tư tung ra để đẩy hàng đã mua trong cơn sốt trước.
Cụ thể, ông Hoàng Anh phân tích, chiêu của người đàn ông tên Quốc là một ví dụ. Thực tế, trong một đoàn xem đất chỉ có vài khách hàng là thực, còn lại là người của nhóm môi giới đi cùng giả làm khách. Họ sẽ chốt rất nhiều và thậm chí chuyển cọc ngay trước mặt khách để khách tin và xuống tiền mua.
Qua tìm hiểu, chúng tôi còn phát hiện thêm một chiêu thức nữa, đó là chủ đất bắt tay với dân môi giới, làm bản công chứng đặt cọc đất. Vì công chứng đặt cọc không mất phí, cũng không phải thanh toán, chỉ mất ít tiền công chứng. Sau đó, khi khách tới mua đất sẽ dụ khách mua lại lô đất mới công chứng với mức giá không cao, xin lời mấy chục triệu vì không thu xếp được tiền đóng tiếp. Nhưng thực tế, giá lô đất chỉ khoảng 700 triệu đồng, sẽ ghi trên hợp đồng cọc là 1 tỷ đồng và xin thêm 50 triệu đồng tiền lời, như vậy đã đẩy được giá lên hơn 1 tỷ đồng/lô. Khách thường nhìn vào bản công chứng sẽ tin tưởng là đang sốt đất thật.
Bên cạnh đó, trước khi tung tin sốt đất, dân môi giới sẽ đẩy thông tin quy hoạch những dự án tại khu vực muốn tạo sốt đất lên các trang mạng, gửi cho khách hàng xem, tạo ra tâm lý mua đất trước quy hoạch sẽ có lời. Đây là chiêu thức đã thành công ở nhiều cơn sốt đất trước, như cơn sốt đất năm 2019 tại khu vực sân bay Tecnic tỉnh Bình Phước, hay như cơn sốt đất tại huyện Nhơn Trạch với thông tin xây cầu Cát Lái…
Một lãnh đạo Phòng Địa chính thị trấn Lai Uyên cho biết, có những lô đất được sang tay qua 4-5 nhà đầu tư chỉ trong 2 tuần, mỗi lần sang tay, giá lại tăng 10%. Trên thực tế, việc mua bán không qua hợp đồng công chứng sang tên, mà chỉ lướt cọc. Có khu đô thị hoang phế nhiều năm đột nhiên sốt nóng, giao dịch hàng chục lô đất mỗi ngày, nhưng không thấy hợp đồng nào được công chứng, toàn là giấy viết tay sang nhượng lại…