Kể từ cuối năm 2022, “thần tài” không ngừng gõ cửa ngành công nghệ Mỹ nhờ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và giới đầu tư ngày càng hứng thú trước cơ hội tăng trưởng đột phá do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.
Đỉnh điểm trong năm 2023, nhóm Magnificent 7 (7 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ là Microsoft, Amazon, Apple, Nvidia, Alphabet, Meta và Tesla) đóng vai trò chủ đạo trên thị trường chứng khoán Mỹ, chiếm một nửa lợi nhuận của chỉ số S&P 500.
Chỉ số S&P 500 đã tăng 24% trong năm ngoái và hiện tại đạt mức tăng theo năm khoảng 9%, dù điều chỉnh mạnh sau khi lập đỉnh vào tháng 7 năm nay. Chỉ số phản ánh ngành công nghệ Mỹ rõ nét hơn là Nasdaq, bởi có thành phần là rất nhiều công ty công nghệ, bao gồm cả cổ phiếu thuộc S&P 500, có mức tăng lần lượt là 43% và 9% trong cùng khoảng thời gian.
“Bão” bán tháo trong những ngày đầu tháng 8/2024 khiến nhóm cổ phiếu Big Tech lao dốc. Xu hướng thắt chặt chi tiêu do kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy yếu đang thúc đẩy những hoài nghi của các nhà đầu tư về triển vọng lợi nhuận khi rót tiền vào AI, cùng một loạt kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, thậm chí thua lỗ trong quý II vừa qua đã dẫn tới động thái tháo chạy khỏi cổ phiếu công nghệ.
Từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, nhưng Intel hiện tụt hậu rất xa trong cuộc đua AI. Ngày 2/8, cổ phiếu Intel mất giá 26%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, sau khi công bố lỗ 1,6 tỷ USD trong quý II/2024.
Ngay cả những doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng thì giá cổ phiếu cũng không tránh khỏi suy giảm như Amazon, Meta.
Vấn đề mà nhiều nhà đầu tư lo ngại là khoản đầu tư khổng lồ vào AI của Microsoft, Google và các công ty công nghệ khác liệu có thể “hái quả ngọt” hay không?
Hồi tháng 6/2024, các chuyên gia tại Goldman Sachs đã lên tiếng cảnh báo bằng bài viết có tiêu đề “Gen AI: chi phí quá nhiều, lợi ích quá ít?”. Ngân hàng lớn ở Phố Wall này đặt câu hỏi, các công ty công nghệ lớn ước tính sẽ chi tổng cộng hơn 1.000 tỷ USD cho AI trong 5 năm tới, nhưng liệu “có bao giờ được đền đáp” hay không?
Liên quan đến vấn đề này, ông Angelo Zino, chuyên gia phân tích công nghệ tại CFRA Research nhận xét: “Rõ ràng là có một số lo ngại về lợi nhuận từ các khoản đầu tư AI mà họ đang thực hiện”.
Định giá cổ phiếu công nghệ trở nên quá cao cũng dẫn tới hoạt động chốt lời, bán tháo và ảnh hưởng tới thị trường chung.
Ngày 2/8, tờ Financial Times đưa tin, Công ty quản lý quỹ Elliott Management đã chia sẻ với các nhà đầu tư trong một ghi chú rằng, AI đã bị thổi phồng quá mức và Nvidia đang trong tình trạng “bong bóng”.
Cùng ngày, chỉ số S&P 500 giảm 1,8%, Nasdaq giảm 2,4%, Dow Jones giảm 1,5%. Phiên sau đó (5/8), các chỉ số này lần lượt giảm thêm 3%, 3,4% và 2,6%.
Trước đó, ông Angelo Zino cho biết: “Định giá (cổ phiếu công nghệ) đang ở mức cao nhất trong 20 năm. Đã đến lúc chúng ta phải thoái lui cũng như tạm dừng để cân bằng các chiến tích trong 18 tháng qua”.
Câu hỏi, liệu những đột phá công nghệ hiện nay có tạo ra đủ doanh thu để chi trả cho chi phí ngày càng tăng hay không cần chờ tương lai trả lời, dù thực tế cho thấy, các ứng dụng từ AI tạo sinh như Copilot của Microsoft hoặc Claude của Anthropic đã được sử dụng để làm việc hiệu quả hơn, hoặc loại bỏ các công việc tốn thời gian trong ngày, hay Nvidia đã kiếm bộn tiền từ việc cung cấp các con chip cho khách hàng từ cơn sốt AI.
Ông Daron Acemoglu, giáo sư kinh tế tại Viện công nghệ Massachusetts nhận định: “Với trọng tâm và kiến trúc của công nghệ AI hiện đại ngày nay, những thay đổi thực sự mang tính biến đổi sẽ không xảy ra nhanh chóng”.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ hạ lãi suất trong tháng 9 tới. Triển vọng về việc giảm chi phí vay đã góp phần chuyển hướng dòng tiền của nhà đầu tư tới các đối tượng khác có khả năng hưởng lợi như ngân hàng, bất động sản.