Theo đó, chỉ có 27% địa phương có chương trình thực hiện Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong số đó, cũng chỉ có 65% hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã nhận được đề nghị góp ý dự thảo.
Nếu không có áp lực mạnh mẽ hơn từ trên xuống, rất có thể giờ này năm tới, một kết quả tương tự sẽ được nhắc lại, nhưng với nỗ lo lớn hơn. Vì khi đó, Việt Nam đã là một phần của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Trong cuộc đua để thu hút các dòng vốn, kể cả đầu tư trong nước và nước ngoài, yếu tố môi trường kinh doanh, đặc biệt sự thân thiện, đồng hành và sẵn sàng lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đang được đặt lên hàng đầu.
Điều đáng nói là, nếu nhìn vào môi trường kinh doanh Việt Nam, tiêu chí “thân thiện, lắng nghe” đang cho thấy một vấn đề đáng quan ngại. Trong Báo cáo Kết quả giám sát lĩnh vực thuế và hải quan năm 2015, chỉ có 20% trong số 180 các tổ chức là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước cho rằng, cán bộ thuế, hải quan lắng nghe ý kiến của khách hàng khi giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ doanh nghệp đánh giá tính chuyên nghiệp trong giao tiếp của cán bộ thuế, hải quan chuyên nghiệp ở mức trung bình vẫn cao (37% và 20%).
Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng tiếp tục cho thấy, nỗ lực giảm thiểu tình trạng chi phí không chính thức chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Có ới 55% đơn vị cho rằng, doanh nghiệp sẽ bị phân biệt đối xử nếu không “chi thêm”. Thậm chí, các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã cho biết, khi không chi các khoản lót tay, doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ (85% lựa chọn), bị kéo dài thời gian làm thủ tục (68%) và thái độ không văn minh, lịch sự của công chức thuế (66%).
Sự tồn tại việc chi trả các chi phí không chính thức không chỉ xuất phát từ thực trạng nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp của một số cán bộ, mà còn do sự chủ động và đồng thuận từ chính doanh nghiệp để tránh được một phần nghĩa vụ nộp thuế của mình. Điều này, nếu xảy ra, sẽ làm thất thu ngân sách, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng với những doanh nghiệp khác tuân thủ tốt luật lệ.
Có thể thấy, doanh nghiệp rất mong chờ sự cải thiện môi trường kinh doanh qua việc tạo dựng sự hiểu biết, tin tưởng giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, hải quan. Vì trong bối cảnh đang và sẽ có những thay đổi lớn về cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, nhất là trong các quy định về thuế, hải quan, tình trạng doanh nghiệp gặp vướng mắc là khó tránh khỏi.
Việc cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh sẽ mang lại kết quả tốt hơn, nếu đi kèm với việc tiêu chuẩn hóa các quy trình là việc các cơ quan hữu quan nhanh chóng, kịp thời đưa ra những giải pháp hợp lý cho doanh nghiệp.
Hoạt động đối thoại, tạo ra cơ chế lắng nghe doanh nghiệp ở cấp chính quyền địa phương, nơi trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, một cách thường xuyên và thực chất, cũng như việc nâng cao trình độ và kỹ năng giao tiếp, tuyên truyền của cán bộ, công chức sẽ là bước đi quan trọng để xây dựng niềm tin và tạo dựng sự hiểu biết chung giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, củng cố nền tảng cho những nỗ lực cải cách khác.