Basel II, con đường phải đi của tất cả ngân hàng Việt

Basel II, con đường phải đi của tất cả ngân hàng Việt

(ĐTCK) Hoạt động quản trị ngân hàng, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống ngân hàng đang bước vào lộ trình tái cơ cấu một cách quyết liệt, quản trị rủi ro là yêu cầu quan trọng hàng đầu!

Quản trị rủi ro tốt, từng TCTD sẽ có được một “cơ thể” khỏe mạnh, từ đó hướng tới các mục tiêu cao hơn về tăng trưởng. Và quan trọng hơn, đó sẽ là tiền đề để xây dựng một hệ thống ngân hàng Việt Nam đủ sức hội nhập quốc tế.

Xét trên bình diện đó, lộ trình chuẩn hóa các nguyên tắc quản trị rủi ro của ngành ngân hàng theo tiêu chuẩn Basel II vừa mang tính chất nền tảng, lâu dài của cả hệ thống, vừa là yêu cầu cấp thiết của từng TCTD cụ thể.

Các quy định của Basel II, như đã được triển khai ở các nước có hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển từ năm 2004 đến 2008, đang được coi là chuẩn mực để đánh giá các rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt, cũng như nhằm tăng cường hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh và quản lý nguồn vốn.

Tại Việt Nam, trong một bước đi chủ động, 10 ngân hàng đầu tiên đã được lựa chọn triển khai lộ trình tuân thủ Basel II, để đến cuối năm 2015 có thể hoàn tất cơ bản những yêu cầu của bộ tiêu chuẩn này. Vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm, gắn chuẩn mực quốc tế với hoàn cảnh đặc thù tại Việt Nam, đó sẽ là tiền đề để cả ngành ngân hàng áp dụng Basel II một cách thống nhất trong tương lai gần.

Từ góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN từng khẳng định, thực hiện Basel II tại thời điểm này, hệ thống ngân hàng Việt Nam có những thuận lợi. Đó là sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các TCTD đối với công tác quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn nguồn vốn trước các cú sốc; kinh tế vĩ mô đi vào ổn định, nhiều TCTD đã vượt qua khó khăn ngắn hạn, nâng cao được năng lực tài chính.

Trong những thuận lợi này, sự chuyển biến về tư duy quản trị rủi ro có lẽ là điều quan trọng nhất. Chỉ khi nhìn thấy những lợi ích thiết thân từ việc tuân thủ Basel II, từng ngân hàng mới coi đó là “việc của mình, làm vì mình”.

Coi áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro cao cấp trước hết là nhu cầu tự thân, là định hướng phát triển dài hạn của ngân hàng chính là thông điệp của ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch VietinBank, 1 trong 10 ngân hàng đầu tiên được chỉ định triển khai Basel II. 

Còn với VIB, ông Loic Faussier, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của ngân hàng này nhận định rằng: “Việc triển khai Basel II sẽ mang lại cho VIB một khung quản trị rủi ro tương đương với các ngân hàng quốc tế. Quan trọng hơn cả, việc áp dụng Basel II sẽ đưa VIB trở thành ngân hàng lành mạnh và an toàn hơn”.

Tất nhiên, một chuẩn mực quản trị rủi ro phức tạp như Basel II, áp dụng vào thực tế ngành ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu như tại Việt Nam không bao giờ là điều đơn giản…

Không khó để nhìn ra một loạt cản ngại cần vượt qua!

Đó là thách thức của các thành viên trong hệ thống khi chưa có ngân hàng nào ở Việt Nam chính thức hoàn thành triển khai Basel II, nhân sự chất lượng cao rất thiếu, hay dữ liệu sẵn có chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, khó khăn nhất là làm thế nào để toàn thể nhân viên và cán bộ ngân hàng không e ngại khi trao đổi về rủi ro, có cùng ngôn ngữ về quản trị rủi ro và coi quản trị rủi ro như là công việc hàng ngày của từng nhân sự…

Có những thách thức đối với chính cơ quan quản lý khi Hiệp ước Basel II quy định một số nguyên tắc cơ bản về quản trị rủi ro, giám sát mức độ an toàn vốn, đồng thời cũng nêu rõ việc triển khai cụ thể sẽ cần có những tùy chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của từng quốc gia. Trong khi đó, hiện nay, NHNN mới đưa ra lộ trình thực hiện và việc ban hành một số hướng dẫn cụ thể để triển khai Basel II... vẫn đang trong giai đoạn khởi thảo.

Tuy nhiên, “cuộc chơi” đã khởi động và những tò mò, băn khoăn, lo ngại ban đầu dần qua đi. Nhìn về phía trước, dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chắc chắn, Basel II sẽ là con đường phải đi của tất cả các TCTD Việt Nam!

Tin bài liên quan