Đó lập luận của các nhà phân tích tại Barclays khi dựa vào mối tương quan trong những tuần gần đây giữa đồng bạc xanh và cổ phiếu của Nvidia, một đại diện cho các cổ phiếu có quan hệ với AI. Đó là một dấu hiệu sớm cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu đang đổ tiền vào chứng khoán Mỹ vì nước này đang đẩy mạnh sử dụng công nghệ non trẻ này và thúc đẩy động lực tích cực cho đồng đô la.
Themistoklis Fiotakis, nhà phân tích tại Barclays cho biết: “Mặc dù chưa có bằng chứng quá rõ ràng, nhưng tác động to lớn mà sự gia tăng của cổ phiếu công nghệ Mỹ đã gây ra đối với đồng đô la trong thập kỷ qua thông qua sự gia tăng dòng vốn cổ phần của Mỹ và các khoản nợ nước ngoài ròng mang lại là điều mà chúng ta cần xem xét”.
Tương quan giữa chỉ số đô la Bloomberg và cổ phiếu Nvidia |
Sức hấp dẫn của công nghệ mới nổi đã bắt đầu thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt là sau dự báo doanh số bán hàng do AI thúc đẩy, cổ phiếu của Nvidia Corp - nhà sản xuất chip phục vụ cho lĩnh vực AI, tăng vọt 161% kể từ đầu năm, đẩy công ty tiến gần hơn tới mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD, cao hơn cả Tesla (584,7 tỷ USD) lẫn Facebook (647,6 tỷ USD), chỉ xếp sau những ông lớn trong ngành công nghệ như Apple, Google, Microsoft, Amazon.
Cụ thể, doanh số của Nvidia trong quý I/2023 đã đạt tới 11 tỷ USD, vượt xa mức dự đoán 7,15 tỷ USD trước đó của các nhà phân tích, nhờ nhu cầu bộ xử lý đồ họa (GPU) tích hợp chip bán dẫn do Nvidia sản xuất chuyên được dùng để phát triển hệ thống AI như Google, Microsoft hay OpenAI đang sử dụng.
Từ hiện tượng Nvidia, 7 cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ (Big Seven), trong đó có Microsoft, Alphabet, Amazon, Meta Platforms và Tesla, đã tăng thêm 454 tỷ USD giá trị chỉ trong 5 ngày. Trung bình các cổ phiếu của Big Seven có mức tăng gần gấp 5 lần so với mức tăng của chỉ số S&P 500, giá cổ phiếu của nhóm Big Seven đã tăng tới 43% kể từ tháng 1 đến nay.
Bill Harnisch, giám đốc đầu tư của Peconic Partners cho biết mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao và chính sách tiền tệ vẫn chưa được nới lỏng có thể làm cho thị trường chứng khoán tăng trưởng yếu hơn trong những tháng tới, nhưng cổ phiếu của những gã khổng lồ công nghệ này sẽ vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong giai đoạn khó khăn.
“Mọi người bị thu hút bởi 7 cái tên trong nhóm Big Seven vì nó có sự tăng trưởng đảm bảo và nếu công nghệ AI phát triển hơn nữa thì sẽ có rất nhiều cơ hội khác tốt như Nvidia”, ông Harnisch nhận định.
Tuy nhiên, Chiến lược gia hàng đầu của Morgan Stanley, ông Mike Wilson cảnh báo rằng, việc tăng tăng giá của các cổ phiếu công nghệ nhanh như vậy là không bền vững.
“Những công ty trong nhóm Big Seven đều là những công ty tốt. Họ sẽ không phá sản. Nhưng mọi người đang bắt đầu trả giá quá cao cho những cổ phiếu này”, Michael Mullaney, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của Boston Partners cũng lo ngại.
Trong khi đó, đối với Barclays, tác động của xu hướng chứng khoán trên thị trường tiền tệ thường bị đánh giá thấp. Thêm vào đó, sự gia tăng sở hữu nước ngoài đối với tài sản của Mỹ - đặc biệt là cổ phiếu công nghệ - kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một trong những lý do khiến đồng đô la tăng giá.
Chỉ số đồng đô la của Bloomberg đã tăng 14% kể từ cuối tháng 3/2009, trong khi chỉ số S&P 500 tăng hơn 400% trong cùng kỳ.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích của Barclays đã đưa ra một cảnh báo trước khi AI len lỏi vào các chiến lược của nhà đầu tư và phát triển mối tương quan tạm thời với đồng bạc xanh.
“Chắc chắn, điều này có thể là ngẫu nhiên, tạm thời và tùy hoàn cảnh. Nhưng nếu kết quả gần đây của Nvidia phản ánh một xu hướng mới tiềm năng trong công nghệ Mỹ, thì chúng tôi nghĩ rằng thật công bằng khi đặt câu hỏi liệu sẽ có sự hồi sinh của cổ phiếu công nghệ và theo đó tác động tới đồng đô la Mỹ hay không”.