Bão vừa tan, nhà đầu tư đi “săn” đất Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Khi lãi suất tiết kiệm không hấp dẫn, một lượng tiền lớn trong dân đi tìm nơi trú ẩn mới. Ngay cả khi thị trường đang tiềm ẩn bong bóng, nhiều nhà đầu tư vẫn nhất quyết phải mua được một mảnh đất để tích sản.
Một nhà đầu tư đội mưa để đi xem đất tại huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Vũ Thanh)

Một nhà đầu tư đội mưa để đi xem đất tại huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Vũ Thanh)

Bất chấp mưa gió để đi mua đất

Cơn bão Yagi vừa đi qua Hà Nội, chị Thu Hương tranh thủ cùng bạn bè tìm tới các huyện ngoại thành Hà Nội như Chương Mỹ, Quốc Oai, Phú Xuyên, Thường Tín… để “săn” đất. Thậm chí, mọi người còn sốt sắng đi xem vì muốn biết khu vực đó có bị ngập lụt hay không.

Đồng hành với chị Hương trong các cuộc “săn” đất là một cuốn sổ tay nhỏ. Trong đó chi chít những dòng chữ viết vội về thông tin bất động sản của các huyện, từ vị trí, giá tiền của lô đất, cho đến số điện thoại của môi giới. Các dữ liệu trên đều được chị cẩn thận ghi lại, đối chiếu và so sánh.

“Tối nào tôi cũng dành khoảng 30 phút để xem các tin rao bán đất. Thấy chỗ nào rẻ thì tôi ghi lại. Sau khi tổng hợp trong một tháng, chỗ nào có giá hợp lý và vị trí đẹp, tôi sẽ đi xem thực tế”, chị Hương chia sẻ.

Trước đây, chị có “khẩu vị” đầu tư là các bất động sản nằm trong phạm vi bán kính 15 km, tính từ quận Đống Đa - nơi chị sinh sống. Khi đó, tầm ngắm của chị thường hướng đến quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… Tuy nhiên, trong 1 - 2 năm trở lại đây, khoảng cách này ngày càng bị nới rộng và hiện nay đã lên tới con số 30 km, tới các huyện như Chương Mỹ, Quốc Oai…

“Cách đây khoảng 7 năm, tôi vẫn có thể mua được một lô đất có ngõ rộng 4 m ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) với giá 13 triệu đồng/m2, song hiện các lô đất như trên, giá tăng lên tới 48 triệu đồng/m2. Do đó, nếu muốn mua đất giá rẻ, nhà đầu tư buộc phải di chuyển ra vùng ven Hà Nội”, chị Hương cho hay.

Đối với đa phần người Việt, bất động sản không chỉ là chốn an cư hay khoản đầu tư, mà còn là của để dành cho con cháu. Do đó, nhu cầu tìm mua nhà đất là rất lớn.

Nhà đầu tư này dẫn chứng tại huyện Chương Mỹ, giá đất thổ cư trong ngõ hiện chỉ khoảng 11 - 13 triệu đồng/m2. Còn những lô đất nằm trên trục đường chính của xã có giá 18 - 25 triệu đồng/m2. Với những thửa đất nằm dọc tuyến quốc lộ, giá bán dao động khoảng 40 triệu đồng/m2.

Chia sẻ thêm về sở thích săn tìm bất động sản của mình, chị Hương cho biết, bản thân đã nghe được thông tin về việc “bong bóng” đang thiết lập trên thị trường. Dù có đôi chút lo lắng, nhưng vì đã bỏ lỡ quá nhiều đợt “sóng” tăng giá, nên lần này chị quyết xuống tiền theo “tiếng gọi của con tim”.

“Tôi và anh chị em trong nhóm chỉ là những nhà đầu tư ‘tay ngang’ và không quá tường tận về thị trường. Do đó, nếu có tiền rảnh rỗi, một là chúng tôi gửi ngân hàng, hai là mua đất”, chị Hương nói thêm.

Vừa “lướt sóng”, vừa đầu tư lâu dài

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, đất thổ cư có đà tăng giá tương đối hấp dẫn trong thời gian qua. Suốt 20 năm nay, những người đầu tư phân khúc này ít khi thua lỗ. Tuy nhiên, trước tình trạng “ngáo giá” hiện nay của thị trường đất vùng ven, người mua cần hết sức thận trọng để tránh rơi vào cảnh “mua đỉnh”.

Về lý do nhiều người dân ưa thích đầu tư bất động sản, thậm chí bất chấp các cảnh báo, ông Điệp cho rằng, điều này xuất phát từ quan điểm “tấc đất, tấc vàng” từ xa xưa. Đối với đa phần người Việt, bất động sản không chỉ là chốn an cư hay khoản đầu tư, mà còn là của để dành cho con cháu. Do đó, nhu cầu tìm mua nhà đất là rất lớn.

“Khi các bất động sản trong nội thành có giá rất cao, với suất đầu tư dưới 2 tỷ đồng, nhà đầu tư buộc phải tìm đến các huyện ngoại thành, nếu muốn mua các lô có vị trí đẹp, ô tô đỗ cửa”, ông Điệp bình luận.

Cũng theo ông Điệp, người Việt vẫn “mê” bất động sản, bởi các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn. Hiện thị trường chứng khoán còn nhiều trồi sụt, vàng cũng bất định. Các kênh đầu tư này thậm chí còn khó đoán hơn nữa, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang rục rịch giảm lãi suất điều hành.

Theo ông Phạm Đức Toản, CEO Công ty Bất động sản EZ, đa phần người Việt vẫn duy trì lối tư duy ưu tiên tích trữ đất hoặc vàng. Thực tế cho thấy, kể từ thời điểm Luật Đất đai 1993 ra đời cho đến nay, giá đất tại Hà Nội chỉ có hai xu hướng, một là chững lại, hai là tăng giá, chứ không hề có việc giảm giá.

“Chính vì sự ổn định trên, nhiều người coi đất nền là kênh trú ẩn tài sản an toàn để chống lạm phát. Do đó, nhiều nhà đầu tư vẫn mạnh dạn xuống tiền, nếu nhận thấy khu vực có tiềm năng, hạ tầng hoàn thiện, gần các đô thị lớn và pháp lý chuẩn chỉnh”, ông Toản nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị CEO này cho biết, phân khúc đất thổ cư có thể dễ dàng “ăn nhập” với nhiều phong cách đầu tư khác nhau. Người mua lướt sóng có thể kiếm lời thông qua các cơn sốt cục bộ trên thị trường. Trong khi đó, những nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể yên tâm chốt lãi sau vài năm.

“Với quy định siết phân lô bán nền, cùng sự xuất hiện của bảng giá đất hàng năm, chi phí cấu thành trên mỗi mét vuông đất chắc chắn sẽ cao hơn so với trước kia. Đây là lý do khiến nhiều người tranh thủ đi tìm mua đất để đón đầu chính sách”, ông Toản nhận định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, phân khúc đất vùng ven có tốc độ thanh khoản khá chậm, trong khi bản thân sản phẩm lại không có khả năng tạo dòng tiền. Do đó, nếu nhà đầu tư không chuyên sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, rủi ro có thể xuất hiện.

Tin bài liên quan