“Sống hạnh phúc cùng Bảo Việt”
Với việc lựa chọn thông điệp “Sống hạnh phúc cùng Bảo Việt” tại Báo cáo phát triển bền vững, Bảo Việt hướng tới giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, đó là lấy con người làm yếu tố trung tâm của sự phát triển, quyết định mọi sự thành - bại. Bảo Việt mong muốn trở thành người đồng hành đáng tin cậy, cùng khách hàng, cổ đông, đối tác và cộng đồng kiến tạo cuộc sống bình an, thịnh vượng, chắp cánh cho yêu thương và hạnh phúc thêm đong đầy.
Tập đoàn Bảo Việt đã tích hợp ESG trong quản trị hướng đến phát triển bền vững thể hiện ở quy trình quản trị, đánh giá rủi ro bài bản bao gồm cả rủi ro phát triển bền vững. Năm 2022, kiểm toán nội bộ đã thực hiện đảm bảo 8 chỉ tiêu và đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến việc lập Báo cáo phát triển bền vững năm 2022. Các chỉ tiêu được đảm bảo này tập trung vào các lĩnh vực con người, phúc lợi, xã hội tương ứng với chủ đề của Báo cáo phát triển bền vững là “Sống hạnh phúc cùng Bảo Việt”.
Báo cáo phát triển bền vững được lập theo tiêu chuẩn GRI có tham chiếu rõ ràng, được trình bày dưới dạng PDF tương tác, có hướng dẫn sử dụng rõ ràng cho phép người xem tiếp cận báo cáo nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Doanh nghiệp Việt đầu tiên chính thức được công nhận đánh giá xếp hạng Chỉ số DJSI
Tháng 3/2023, Bảo Việt được công nhận trong bảng xếp hạng tính bền vững của doanh nghiệp toàn cầu (Corporate Sustainability Assessment - CSA) của S&P Global. Việc góp mặt trong bảng xếp hạng quốc tế đã thể hiện được giá trị, sức khỏe của một doanh nghiệp hàng đầu như Bảo Việt nói chung và sức hút của cổ phiếu BVH nói riêng, thông qua đó, nâng tầm doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu Việt Nam. Tính chung cuộc, Bảo Việt đã đạt điểm cao hơn 59% các doanh nghiệp khác trong nhóm ngành bảo hiểm (gồm 292 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia).
CSA là đánh giá hàng năm về các hoạt động bền vững với hơn 10.000 doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Với lịch sử hơn 20 năm hoạt động của mình, CSA đã trở thành một công cụ tham khảo cho các công ty và nhà đầu tư trong việc đánh giá tính trọng yếu về thực lực tài chính, hoạt động phát triển bền vững và chiến lược giải quyết các xu hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp…, từ đó hỗ trợ đưa ra quyết định đầu tư.
Đánh giá tính bền vững của CSA cũng cho phép nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ESG bao gồm Kinh tế, Môi trường và Xã hội với 61 bộ câu hỏi dành riêng cho từng ngành kinh doanh.
Chỉ số Bền vững Dow Jones Indices (DJSI) là một hệ tiêu chuẩn toàn cầu dành riêng cho phát triển bền vững nhằm xếp hạng các công ty hàng đầu trên thế giới dựa trên phân tích của RobecoSAM và phương pháp đánh giá của S&P Dow Jones Indices căn cứ theo giá trị vốn hóa thị trường điều chỉnh free-float và theo các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Cùng với sự hợp tác của S&P Global ESG Research, một tổ chức bao gồm những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu và phân tích dữ liệu ESG, các doanh nghiệp đáp ứng Chỉ số DJSI cũng sẽ được đưa vào danh mục đầu tư bền vững tiềm năng cung cấp cho các nhà đầu tư quan tâm.
Báo cáo phát triển bền vững của Bảo Việt đã đạt điểm cao hơn 59% các doanh nghiệp khác trong nhóm ngành bảo hiểm (gồm 292 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia) |
Chỉ số được tổ chức S&P Global đánh giá hàng năm xoay quanh các hoạt động bền vững của hàng nghìn doanh nghiệp đủ điều kiện trên khắp thế giới và hoàn toàn miễn phí. Những doanh nghiệp được mời tham gia (và nhận được Điểm đánh giá CSA) dựa trên nhiều yếu tố như: sức khỏe tài chính doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu, tính minh bạch, hoạt động bền vững của doanh nghiệp… Vào năm 2021 và 2022, CSA đã đánh giá hơn 7.800 doanh nghiệp và trong năm 2023, S&P CSA dự kiến sẽ có hơn 11.000 doanh nghiệp được mời và đánh giá.
Áp dụng Chỉ số CSA hiệu quả để tạo khác biệt và thành công
Các doanh nghiệp tham gia và cam kết cải thiện điểm đánh giá chỉ số CSA chứng kiến những tác động tích cực và lợi ích rõ rệt, bao gồm sự cải thiện trong hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp, thúc đẩy một văn hóa minh bạch thông tin, kinh doanh bền vững, quản trị rủi ro biến đổi khí hậu và đạt được một lợi thế cạnh tranh đáng kể với đối thủ. Sự tích cực trong nỗ lực đảm bảo trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp cũng theo đó thu hút các nhà đầu tư đang quan tâm, nâng cao giá trị thương hiệu và xây dựng niềm tin đối với khách hàng.
Bên cạnh đó, nếu điểm đánh giá CSA của doanh nghiệp thuộc Top dẫn đầu trong ngành thì sẽ được tiếp tục đưa vào Bảng xếp hạng chỉ số phát triển bền vững nổi tiếng nhất thế giới - Chỉ số DJSI. Ngay cả khi doanh nghiệp không được nhận vào DJSI, dữ liệu trong bảng đánh giá vẫn rất giá trị đối với các nhà phân tích, nhà đầu tư.
Các lợi ích khác bao gồm giảm gánh nặng trong quá trình thực hiện báo cáo phát triển bền vững do sự liên kết của CSA với các khuôn khổ bền vững hàng đầu (ví dụ: GRI, CDP, GRESB, TCSF), nâng cao nhận thức nội bộ về tính bền vững khi được tham gia vào quá trình hoàn thành bảng câu hỏi và dự án báo cáo phát triển bền vững hàng năm.
Theo thống kê của S&P Global, các nhà đầu tư trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng mức giá trị tài sản AUM liên quan đến ESG của họ lên 33.900 tỷ USD vào năm 2026, từ mức 18.400 tỷ USD vào năm 2021, chiếm 21,5% tổng AUM toàn cầu. Hơn một nửa trong số hơn 1.000 doanh nghiệp trả lời Khảo sát cho biết rằng, việc thu hút các nhà đầu tư quan tâm tới tính bền vững là lý do số một để họ tham gia CSA. Ba phần tư số người được hỏi cũng cho biết, các nhà đầu tư và nhà phân tích quan tâm nhiều hơn đến CSA và các điểm số liên quan so với năm trước; hơn 70% đang sử dụng kết quả đánh giá CSA trong các cuộc thảo luận với các nhóm này nhằm nâng tầm và đem lại lợi thế chiến lược cho doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh hiện nay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng kết quả đánh giá từ chỉ số CSA để làm căn cứ rà soát và cải thiện hiệu suất, hoạt động quản trị, kinh doanh của mình để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững. Gần một nửa số doanh nghiệp được hỏi (45%) nói rằng, CSA giúp họ nhận ra những cách để cải thiện chất lượng báo cáo phát triển bền vững cũng như có sẵn các danh sách về xu hướng, tiêu chuẩn sắp tới cần quan tâm và nghiên cứu.
Là tập đoàn hàng đầu trong ngành, Bảo Việt luôn tiên phong trong các hoạt động về phát triển bền vững và được xếp hạng trong Top 10 Doanh nghiệp bền vững hàng đầu tại Việt Nam. Việc góp mặt trong bảng xếp hạng quốc tế đã thể hiện được giá trị, phương châm kinh doanh bền vững và vị thế của Bảo Việt nói chung và sức hút của cổ phiếu BVH nói riêng, tiếp cận và đáp ứng các chuẩn mực khu vực và quốc tế, thu hút được sự quan tâm của các bên liên quan và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Với những kinh nghiệm từ thực tế 2 năm liền tham gia và trực tiếp nhận được những lợi ích khi áp dụng Chỉ số CSA, Bảo Việt cho thấy những thay đổi to lớn trong hoạt động cũng như hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường. Bằng việc ưu tiên các sáng kiến bền vững, Bảo Việt là doanh nghiệp đầu tiên công bố các số liệu về khí thải nhà kính (GHG Emission) và đã thành công giảm đáng kể lượng khí thải, tiết kiệm chi phí và đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng từng bước quan tâm hơn đến việc nâng cao chính sách đa dạng và bình đẳng tại nơi làm việc và trong Hội đồng quản trị, hay đầu tư tâm sức hơn vào việc quản trị rủi ro phát triển bền vững, chiến lược kinh doanh và đầu tư xanh đang vẫn còn rất mới đối với các doanh nghiệp Việt.