Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới từ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tại Việt Nam trong những năm qua liên tục đạt mức tăng trưởng cao, khi các công ty bảo hiểm đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng. Doanh thu kênh này chiếm 30% tổng thị phần bảo hiểm nhân thọ năm 2020, tăng mạnh so với con số 13% của năm 2017.
Báo cáo triển vọng thị trường năm 2021 do Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố đầu năm cho biết, tỷ trọng phí thu từ kênh bancassuarance trong tổng phí bảo hiểm đã tăng từ 5% năm 2012 lên hơn 30% trong 9 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, theo VDSC, tỷ lệ này vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia như ở Tây Ban Nha là 72%, Italy là 70%, Pháp là 60%.
Điều này cho thấy, dư địa tăng trưởng của kênh bancassuarance vẫn còn rất lớn. Cũng nhờ dư địa thị trường còn nhiều, các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mảng thu nhập từ phí bancassuarance, dù mức độ cạnh tranh ngày càng cao.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhìn nhận, bancassurance là một trong những xu hướng phát triển tất yếu của các ngân hàng trong thời gian gần đây và sắp tới.
Thời gian qua, cơ quan quản lý về bảo hiểm đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng. Theo đó, để kênh phân phối này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm, cơ quan quản lý về bảo hiểm sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng.
“Bancassurance sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt khi đời sống người dân ngày một nâng cao. Bản thân các ngân hàng cũng nhìn thấy thị trường bảo hiểm còn quá rộng, tiềm năng còn rất lớn, nên chắc chắn sẽ còn nhiều thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm để triển khai dịch vụ bancassurance thời gian tới”, TS. Hiếu nhận định.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng thường có mạng lưới, đội ngũ nhân viên và công nghệ phù hợp cho việc phân phối sản phẩm bảo hiểm. Do đó, việc hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho ngân hàng và công ty bảo hiểm, khi ngân hàng muốn tạo ra hệ sinh thái tiện ích và đa dạng hơn cho khách hàng.
Trong mảng bancassurance, LienVietPostBank nằm trong Top các ngân hàng thương mại có doanh số bảo hiểm cao nhất thị trường. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2021 của LienVietPostBank đạt hơn 2.000 tỷ đồng. So với chỉ tiêu lợi nhuận 3.200 tỷ đồng cả năm, Ngân hàng đã hoàn thành gần 2/3 kế hoạch.
Đáng chú ý, thu thuần dịch vụ, cho vay và kinh doanh ngoại hối là 3 nhân tố chính góp phần mang lại mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận của LienVietPostBank. Trong thời gian qua, cơ cấu thu nhập của Ngân hàng chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa nguồn thu, tăng tỷ trọng thu ngoài lãi, giảm thiểu sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. Nhờ đó, thu thuần dịch vụ nửa đầu năm 2021 tăng 86% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, thu phí hoa hồng bảo hiểm tăng gần 90%.
TS. Hiếu dự báo: “Bancassurance sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021. Vấn đề là nắm bắt thời cơ”.
Nối tiếp những thành quả thời gian qua, từ ngày 10/8/2021, LienVietPostBank triển khai chương trình “Bảo vệ vẹn toàn - Ưu đãi ngập tràn” dành cho khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam phân phối tại Ngân hàng. Với mỗi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phát hành thành công, khách hàng sẽ được tặng sổ tiết kiệm có giá trị lên đến 25% tương ứng theo phí bảo hiểm năm đầu không giới hạn.
Đây là một trong các chương trình ưu đãi có ý nghĩa thiết thực, là giải pháp vẹn toàn bảo vệ mỗi khách hàng cả về tài chính và sức khỏe mà LienVietPostBank triển khai trong mùa dịch.