Bảo vệ tiền gửi NĐT: Không chỉ là tách bạch tài khoản

Bảo vệ tiền gửi NĐT: Không chỉ là tách bạch tài khoản

(ĐTCK-online) Việc NĐT gặp khó khăn khi rút tiền tại một số CTCK đã gióng lên cảnh báo về tình trạng mất an toàn tiền gửi của NĐT. Từ góc nhìn của người trong cuộc, lãnh đạo một số CTCK cho biết, việc tách bạch tài khoản tiền gửi của NĐT là cần thiết và không phải không làm được, nhưng đó không phải cách duy nhất để bảo vệ tiền của NĐT.

>> An toàn tiền gửi NĐT, nhìn từ bài học MF Global  

"Nên bắt buộc CTCK tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT”

Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc CTCK Kim Eng

Việc CTCK được phép giữ tiền của NĐT là hoàn toàn không đúng và không an toàn cho dù đó là tài khoản tổng. Các cơ quan quản lý nên có những quy định bắt buộc các CTCK phải tách bạch riêng lẻ đến từng tài khoản của NĐT.

Điều này không phải không thực hiện được. Bằng chứng, từ lúc thành lập và hoạt động tại Việt Nam đến nay, Kim Eng (KEVS) vẫn thực hiện theo cách này. Đó là khách hàng mở TK tại ngân hàng, sau đó, hệ thống của KEVS sẽ kết nối với ngân hàng và thực hiện trích tiền của khách hàng khi khớp lệnh mua. Khi tiền bán chứng khoán của khách hàng được thanh toán, hệ thống sẽ tự động ghi Có vào tài khoản của khách hàng tại ngân hàng. Việc triển khai này đã được KEVS áp dụng trên gần 20.000 tài khoản khách hàng, chiếm hơn 5% thị phần hoạt động môi giới mà chưa xảy ra trục trặc nào.

UBCK nên kiến quyết bắt buộc các CTCK hợp tác với ngân hàng để quản lý tài khoản tiền gửi riêng lẻ của các NĐT. Đây là cách tốt nhất và an toàn nhất nhằm tránh những rủi ro hệ thống và việc lạm dụng tài khoản NĐT của các CTCK.

"Tách bạch tài khoản không phải là cách duy nhất"

Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBS

Bảo vệ tiền gửi NĐT: Không chỉ là tách bạch tài khoản ảnh 2

Nếu thực thi bằng chính sách, câu chuyện tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT đến tận gốc không phải là không thực hiện được. Tuy nhiên, cần phải xem xét, liệu có phải NĐT nào cũng muốn như vậy? 

Vẫn có những lợi ích nhất định cho NĐT khi quản lý tiền của NĐT bằng tài khoản tổng tại CTCK như hiện nay. Đó là hoạt động của CTCK hỗ trợ cho NĐT như margin được chủ động và nhanh chóng hơn. Lợi ích khác là NĐT có thể tránh được những phiền phức có thể xảy ra do lỗi kỹ thuật vì năng lực công nghệ của mỗi nơi rất khác nhau và sự phối hợp giữa ngân hàng và các CTCK không phải lúc nào cũng thông suốt.

Trong khi đó, không nhất thiết cứ phải chuyển tiền của NĐT về ngân hàng thì mới gọi là an toàn. Gửi tiền ở những CTCK lớn, có ngân hàng lớn hậu thuẫn phía sau, NĐT có thể yên tâm. Với những vi phạm, nếu đã nghi ngờ thì không quá khó để phát hiện,  hoạt động chuyển tiền kiểu gì cũng phải lưu lại dấu vết. Ngoài ra, cần phải thấy, nếu triệt để thực hiện tách bạch tận gốc tài khoản tiền gửi NĐT tại ngân hàng, dễ phát sinh những thiệt hại vô hình. Ví dụ, những ngân hàng có  CTCK có thể dùng nhiều chiêu thức khuyến mãi, tăng cường ưu đãi để hút khách của nơi khác về, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Vì tách bạch tài khoản không phải là cách duy nhất để bảo vệ tiền NĐT nên ở nhiều nơi trên thế giới, việc tách bạch tận gốc tài khoản không mang tính bắt buộc. Bù lại, họ áp dụng chế tài đủ khiến cho các CTCK phải e dè nếu có ý định lạm dụng tiền của NĐT. Ở Việt Nam, chúng ta có thể thực hiện những biện pháp như tạm dừng tư cách thành viên của CTCK nếu phát hiện CTCK đó có vi phạm trong sử dụng tiền của NĐT. Chỉ riêng giải pháp này cũng đủ sức răn đe, vì mất tư cách thành viên là ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với CTCK.

 

"NĐT cần tự bảo vệ tiền của mình"

Mạc Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long (TLS)

Thông tin ở các CTCK hiện chưa minh bạch nên rất khó để đánh giá đầy đủ mức độ rủi ro đối với tiền gửi của NĐT tại các CTCK. Trong số hàng trăm CTCK hiện nay, có những địa chỉ tin cậy nhưng cũng có những địa chỉ không tin cậy.

Do đó, để bảo vệ tiền của mình, tốt nhất NĐT nên tự phân tích, tìm hiểu tình hình tài chính cũng như sự hậu thuẫn ở các CTCK mình định gửi tiền vào để thực hiện giao dịch chứng khoán.

Nếu đó là CTCK có tài chính lành mạnh hoặc có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ ngân hàng mẹ thì tiền gửi của NĐT ở CTCK đó ít nhiều được đảm bảo. Ngược lại, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, NĐT cũng không nên để quá nhiều tiền trong tài khoản giao dịch chứng khoán.

Cơ quan quản lý có thể hạn chế rủi ro cho khoản tiền của NĐT thông qua các biện pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát CTCK. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ vì giữa số liệu báo cáo và thực tế đôi khi rất khác biệt. Hơn nữa, việc kiểm tra chỉ xảy ra ở một thời điểm. Còn ở những thời điểm khác, nếu cố tình, CTCK có thể lạm dụng hoặc chuyển tiền của NĐT ra mà không bị phát hiện.

Về dài hạn, chỉ có giải pháp tách bạch tài khoản tiền gửi của NĐT ra khỏi CTCK, chuyển sang các ngân hàng thương mại thì mới có thể đảm bảo rằng tiền của NĐT được an toàn hơn. Đây cũng là chủ trương của UBCK nhưng chưa làm được trong nhiều năm qua. Việc này đòi hỏi phải có sự kết nối hệ thống thông suốt giữa các ngân hàng với các CTCK, nhưng đây là vấn đề không dễ thực hiện. Hiện nay, nhiều CTCK đã triển khai dịch vụ chuyển tiền online nên việc quản lý tiền cũng đã dễ dàng hơn nhiều.