Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong phát triển kinh tế: Sự thật thắng, thuyết phục

0:00 / 0:00
0:00
“Nắm vững bản chất và quy luật vận động, tuân thủ nghiêm túc định hướng phát triển của Đảng là cách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hữu hiệu nhất”.

Đó là khẳng định của PGS-TS Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư.

Thưa ông, “nền tảng” là bộ phận vững chắc, dựa trên đó, các bộ phận khác tồn tại và phát triển. Xây dựng nền tảng tư tưởng lại càng phải vững chắc hơn, khoa học hơn…

PGS-TS Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

PGS-TS Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

Nền tảng tư tưởng của đảng cầm quyền có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của đất nước; những tư tưởng, quan điểm, ý thức hệ là cơ sở để xây dựng đường lối phát triển trên từng lĩnh vực. Cần phải ý thức rằng, đó là “căn cốt” có ý nghĩa hết sức quan trọng để đảm bảo phát triển đất nước theo đường lối đã định.

Trong nhiều bài học của cách mạng Việt Nam, một trong những bài học được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần là “đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng, chống xuyên tạc, bóp méo, phá hoại của các thế lực cơ hội, thù địch có tầm quan trọng đặc biệt.

Có thể hiểu như thế nào về nền tảng tư tưởng của Đảng trong phát triển kinh tế?

Nền tảng tư tưởng trong lĩnh vực kinh tế, hiểu một cách cụ thể nhất, rõ ràng nhất chính là cơ sở để xây dựng đường lối phát triển kinh tế. Với Việt Nam, đường lối phát triển kinh tế hiện nay được xác định là xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là mô hình tổng quát của thời kỳ quá độ, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thực tiễn đã cho thấy tính đúng đắn của quan điểm này từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới đến nay.

Tính đặc thù của mô hình này là sử dụng kinh tế thị trường trong phát triển kinh tế, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, điều kiện trước tiên cần đặc biệt nhấn mạnh là, phát triển phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của nhà nước, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Theo đó, cần nhấn mạnh, phát triển kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, gắn ngay từ đầu, trong từng bước đi, trong từng chính sách phát triển. Bên cạnh đó, xác định kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng, đảm bảo khả năng dẫn dắt, mở đường, nêu gương, chấp hành pháp luật, tạo cơ sở thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Với vai trò được xác định quan trọng như vậy, nhưng có thể thấy, trong thời gian qua, trong quá trình vận động của nền kinh tế, trong một số lĩnh vực, khối doanh nghiệp nhà nước vẫn còn thể hiện những điểm yếu, như phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, còn kém hiệu quả, thất thoát vốn, thưa ông?

Không thể phủ nhận việc khối doanh nghiệp nhà nước đang có những tồn tại, hạn chế trên, tuy nhiên, như tôi đã nói, chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện bằng cách nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước và điều chỉnh lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước tham gia hoạt động. Thay vì tham gia hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế, chúng ta đã kịp thời điều chỉnh phương thức quản trị và chỉ để doanh nghiệp nhà nước tham gia với vai trò dẫn dắt trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, những lĩnh vực kinh tế tư nhân không làm, sắp xếp lại cơ cấu, mô hình doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, đặc biệt là quản trị hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh, để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong điều kiện mới.

Ở Việt Nam, một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hướng tới người dân, trong chừng mực nhất định, doanh nghiệp nhà nước rất coi trọng thực hiện chính sách xã hội gắn với phát triển. Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, doanh nghiệp nhà nước tham gia hạn chế quá trình phân hóa giàu - nghèo, vốn là khuyết tật của nền kinh tế thị trường.

Cùng với phát huy vai trò của kinh tế nhà nước, Đảng ta còn coi trọng định hướng phát triển kinh tế tư nhân, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó, kinh tế tư nhân được coi là một động lực quan trọng trong nền kinh tế nhiều thành phần. Như vậy có thể thấy, về cơ bản, chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần để phát huy mọi nguồn lực xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng, với xuất phát điểm thấp, cùng với nhiều khó khăn khách quan, chủ quan khác, nhưng không thể phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đã đạt được, chúng ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay. Đồng thời, cũng thấy rõ, dù nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những nhược điểm nhất định, song sẽ là cực kỳ sai lầm nếu chỉ thấy hạn chế, mà không thấy thành quả đạt được, đặc biệt là đáng lên án hơn khi cố tình xuyên tạc, so sánh một cách cơ học với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới.

Tóm lại, qua những điểm tôi vừa trình bày, có thể thấy, từ những nền tảng tư tưởng đúng đắn, chúng ta đã xây dựng hệ thống những luận điểm cơ bản về kinh tế để đảm bảo phát triển ổn định, hài hòa theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có ý kiến cho rằng, kinh tế thị trường phải phát triển theo quy luật “bàn tay vô hình”, nếu áp đặt định hướng, đặc biệt là định hướng xã hội chủ nghĩa, sẽ làm thị trường bị méo mó. Theo ông, nên hiểu như thế nào?

Thuyết “bàn tay vô hình” được học giả Adam Smith đưa ra vào thế kỷ XVIII, khi chủ nghĩa tư bản đang trong quá trình sơ khai. Theo thuyết này, trên thị trường, nhà sản xuất và người tiêu dùng tham gia thị trường, mỗi chủ thể theo đuổi một mối quan tâm, lợi ích riêng, khi đó chính “bàn tay vô hình” điều tiết quan hệ cung - cầu, tạo nên cân bằng của thị trường.

Kinh tế thị trường nói chung có lịch sử phát triển hàng trăm năm, từ sơ khai cho đến ngày càng hoàn thiện như hiện nay. Có thể khẳng định rằng, ngày nay, không một nền kinh tế nào hoàn toàn không có sự can thiệp của nhà nước; không ở đâu, nền kinh tế chỉ có “bàn tay vô hình” điều tiết thị trường. Trong kinh tế thị trường hiện có một số mô hình: kinh tế hỗn hợp theo thuyết của P.A Samuelson, mô hình kinh tế xã hội của CHLB Đức, mô hình thị trường tự do ở nhiều quốc gia khác, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Các mô hình trên đều có sự can thiệp của nhà nước với mức độ khác nhau…

Trở lại mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Trong mô hình này, sự điều tiết của nhà nước xã hội chủ nghĩa lấy nhân dân làm trung tâm, lấy mục tiêu công bằng, ổn định làm tiêu chí, lấy dân giàu, nước mạnh làm đích phát triển. Sự điều tiết của nhà nước xã hội chủ nghĩa trước hết phải tuân theo các quy luật của thị trường, đồng thời can thiệp để khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường, khắc phục tính tự phát, chạy theo lợi nhuận một cách đơn thuần, phân hóa giàu nghèo, tạo ra bất bình đẳng xã hội...

Lợi dụng những khó khăn trong quá trình phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa, các thế lực cơ hội, thù địch không ngừng cổ xúy cho “đa nguyên, đa đảng; tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự” kiểu tư bản chủ nghĩa… Chúng ta phải làm gì để nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu này?

Trước tiên phải khẳng định, những luận điệu nêu trên của các thế lực cơ hội, thù địch không có gì mới. Thực tế lịch sử cho thấy, cũng có một số trường hợp cán bộ, đảng viên vì nhiều lý do bị lôi kéo, phụ họa cho những luận điệu sai trái này, nhưng số đó rất ít.

Cần khẳng định rằng, với các thế lực thù địch, dù chúng ta có làm tốt đến đâu chăng nữa, chúng cũng không bao giờ dừng việc xuyên tạc, bóp méo để thực hiện chống phá. Điều quan trọng là chúng ta phải tỉnh táo để nhận diện âm mưu, thủ đoạn của lực lượng thù địch. Mục đích của chúng là lái dư luận, cổ xúy cho những mô hình như tôi đã kể ra ở trên, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết, trong đó có bộ phận hận thù dân tộc, với mong muốn tác động, tạo bất ổn trong xã hội.

Để vô hiệu những âm mưu của thế lực chống phá, có một số biện pháp cần tập trung.

Một là, phải khẳng định những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được, đó là sự thật không thể chối cãi, khẳng định sự đúng đắn của mô hình phát triển đất nước mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Hai là, các cấp ủy đảng phải tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, để mỗi người nắm chắc, hiểu rõ, không dễ bị lôi kéo, xuyên tạc.

Ba là, tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bổ sung phát triển lý luận, làm phong phú thêm nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện mới, nhận diện kịp thời những nội dung, luận điểm, âm mưu, thủ đoạn, đối tượng chống phá để có biện pháp đấu tranh phù hợp.

Bốn là, tăng cường lực lượng đấu tranh với thế lực thù địch, nhất là không gian mạng. Chúng ta cần phải khoanh vùng và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình xuyên tạc, chống phá.

Trên cơ sở nền tảng tư tưởng đúng đắn của Đảng, chúng ta đã xây dựng được những định hướng quan trọng, nên trong nhiều thập kỷ qua, đất nước ta đã phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, trong đó có nhiều kết quả được thế giới thừa nhận, về trước nhiều mục tiêu thiên niên kỷ được Liên Hợp quốc đưa ra.

Tin bài liên quan