Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá)

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá)

"Bảo vệ di tích là cần thiết; song không làm khó, tăng thêm thủ tục cho các dự án đầu tư"

(ĐTCK) Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) khi đóng góp xây dựng dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận hội trường chiều 23/10 về dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) đóng góp ý kiến đối với quy định về dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (quy định tại Điều 30 dự thảo Luật).

Theo đó, dự thảo quy định các dự án đầu tư, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến các yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hóa.

Những công trình có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích được dự thảo Luật quy định tại khoản 2 điều này, ví dụ như: có thể làm sai lệch các sự kiện lịch sử, nguy cơ phá vỡ cấu trúc quy hoạch, có nguy cơ tác động tiêu cực đến sự toàn vẹn về giá trị, cảnh quan thiên nhiên, nguy cơ che khuất tầm nhìn...

Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, quy định để quản lý việc đầu tư, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ ngoài khu vực bảo vệ di tích là cần thiết, song không làm khó, làm tăng thêm thủ tục cho việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng công trình cũng như xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực gần khu vực bảo vệ di tích.

Việc đầu tư, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ ngoài khu vực bảo vệ, theo ông Hải cũng giống như các dự án khác, đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

"Quy định như dự thảo theo tôi rất khó xác định những trường hợp có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc; không xác định được phạm vi từ khu vực bảo vệ 2 trở ra bao nhiêu mét, nên có thể tất cả các công trình, dự án nhà ở gần khu vực bảo vệ 2 đều phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hóa.

Như thế sẽ thêm thủ tục, khó khăn cho đầu tư, xây dựng các công trình cũng như xây dựng nhà ở riêng lẻ của nhân dân", ông Hải nói.

Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV (từ 21/10 đến 30/11/2024)

Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV (từ 21/10 đến 30/11/2024)

Vì vậy, ông Hải đề nghị nên chỉ quy định các dự án, công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trong phạm vi khu vực bảo vệ 2 trở ra bao nhiêu mét và kèm theo các nguyên tắc, tiêu chí để nhận biết cụ thể các công trình ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố gốc cấu thành di tích, không nên quy định, liệt kê các trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố gốc cấu thành di tích như trong dự thảo.

Cùng góp ý nội dung trên, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu, tại điểm a khoản 2 Điều 29 quy định về việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ diện tích thực hiện theo quy định về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định tại Điều 34 và 35 của dự thảo luật.

Tuy nhiên, nội dung tại Điều 34 và 35 chỉ quy định đối với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, chưa có quy định đối với di tích nhà ở riêng lẻ.

"Việc thực hiện quy định này rất khó khăn với những nhà ở riêng lẻ như đô thị cổ Hội An, vì mỗi ngôi nhà không chỉ là di tích đơn thuần mà còn là không gian sống, sinh hoạt, hoạt động kinh tế của người dân nên nhu cầu tu bổ, tôn tạo diễn ra thường xuyên", ông Phước nói.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam)

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam)

Do đó, đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng, việc đưa nhà ở của người dân, do người dân làm chủ di tích đầu tư vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án đối với các công trình do nhà nước làm chủ đầu tư sẽ tạo nên nhiều khó khăn đối với di tích về thời gian và kinh phí, thực hiện nhiều thủ tục hành chính mà không phải chủ di tích nào cũng có thể thực hiện được.

Việc bắt buộc các di tích thực hiện theo quy định này sẽ gây phản ứng tiêu cực, chủ di tích sẽ quay lưng lại với trách nhiệm bảo vệ di tích và từ bỏ giá trị di sản văn hóa đã được họ tâm huyết gìn giữ từ trước đến nay, dẫn đến cả giá trị vật thể và phi vật thể của di sản đối diện với nguy cơ bị đánh mất.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, vấn đề khu vực bảo vệ, rất nhiều đại biểu có ý kiến; cơ quan thẩm tra sẽ cố gắng cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để giải quyết hài hòa nhiệm vụ bảo vệ di sản cũng như việc bảo đảm cuộc sống cho người dân và khai thác di sản để phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Tuy nhiên, ông Vinh đề nghị các đại biểu Quốc hội thống nhất cho quan điểm đã là di sản thì phải được bảo vệ chặt chẽ. Chúng ta đã xác định đó là di sản, là khu vực bảo vệ thì không thể ưu tiên những việc khác hơn là bảo vệ di sản.

Về nhà ở riêng lẻ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chúng ta đã cho phép ở trong khu vực bảo vệ đối với cả nhà ở riêng lẻ ở khu vực 1 thì chặt chẽ hơn, ở khu vực 2 thì chúng ta cho thực hiện theo Luật Nhà ở, Luật Xây dựng và các luật liên quan.

Do đó, các công trình nhà ở riêng lẻ chỉ xin ý kiến cơ quan quản lý về văn hóa để đảm bảo những việc sửa chữa này không phá hỏng hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới di tích chứ không phát sinh thêm thủ tục gì.

"Chúng tôi nghĩ, nếu chúng ta đã xác định quan điểm bảo vệ thì cũng phải để vai trò của cơ quan chuyên môn quản lý ở đây, nếu không ai quản lý thì người nào muốn làm theo ý của người đó và cuối cùng phá hỏng di tích thì ai chịu trách nhiệm?

Vấn đề này mặc dù chúng ta có quan điểm là tạo điều kiện cho người dân, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải có sự quản lý, vì đây là di sản", ông Vinh nói.

Dự thảo luật Di sản văn hoá (sửa đổi) đã được trình Quốc hội và bàn thảo lần đầu ở Kỳ họp thứ 7 (với 122 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường, có 2 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản) và dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.

Theo cơ quan thẩm tra, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan.

Tin bài liên quan