Tuy nhiên, theo TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các nguyên tắc pháp luật được thực thi tốt.
Thưa ông, từ khi thị trường chứng khoán ra đời, vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số luôn là yêu cầu bức thiết. Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2017 ghi nhận chỉ số bảo vệ cổ đông thiểu số của Việt Nam tăng 31 bậc. Ông đánh giá thế nào về bước tiến này?
Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tính chung, Việt Nam tăng 9 hạng từ vị trí 91 lên vị trí 82 trên bảng xếp hạng 200 quốc gia. Sự tăng hạng này có sự góp phần đáng kể của chỉ số bảo vệ cổ đông thiểu số, tăng 31 hạng, từ 118 lên vị trí 87.
Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian vừa qua đã có kết quả và phản ánh sự thành công của Chính phủ trong triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và Luật Doanh nghiệp 2014.
TS. Phan Đức Hiếu
Lợi ích của cổ đông thiểu số được đảm bảo tốt hơn thì sẽ có ảnh hưởng, tác động ra sao tới doanh nghiệp?
Việc bảo vệ cổ đông thiểu số có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó đảm bảo cho sự an toàn của nhà đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp. Và chỉ số bảo vệ cổ đông thiểu số đo lường mức độ an toàn, đánh giá sự an toàn đến đâu trên thang điểm 100. Doanh nghiệp bản chất được thành lập là để huy động vốn khi tham gia kinh doanh. Vốn của doanh nghiệp gồm có vốn vay và vốn chủ sở hữu.
Quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiệm cận với thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp trên thế giới, nhưng việc áp dụng lại phụ thuộc vào từng doanh nghiệp
Trong ảnh: Báo cáo thường niên của một số doanh nghiệp đạt điểm cao nhất trong Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên mùa giải 2016
Kinh doanh bằng vốn chủ sở hữu sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro nói trên. Với nguyên tắc lời ăn lỗ chịu, việc huy động từ các nhà đầu tư có lẽ là đặc tính lợi nhất của doanh nghiệp. Nếu kinh doanh có lãi thì doanh nghiệp mới phải chia cổ tức và nhà đầu tư chỉ đầu tư khi thấy đồng vốn được đảm bảo an toàn thông qua các quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp, về bảo vệ cổ đông thiểu số.
Cải thiện khuôn khổ bảo vệ cổ đông nhỏ không phải là làm khó doanh nghiệp mà là tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, qua đó doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn để kinh doanh, thay vì trông chờ vào sự tài trợ của ngân hàng. Do đó, chỉ số này có tương quan với lợi ích của doanh nghiệp.
Năm nay, sự cải thiện thứ hạng ở chỉ số bảo vệ cổ đông thiểu số là điều đáng mừng nhưng so với các nước trong khu vực thì sao? Liệu trong những năm tới, chúng ta có tiếp tục cải thiện được các vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số, thưa ông?
Ở chỉ số này, Việt Nam được điểm tuyệt đối là 53,3 trên thang điểm 100 và đứng thứ hạng 87. Nhìn vào mục tiêu của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh thì chúng ta phải đạt mức độ môi trường kinh doanh ngang bằng các nước trong ASEAN 4, gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines.
Singapore đang đứng thứ nhất về bảo vệ cổ đông thiểu số, Malaysia đứng thứ ba, Thái Lan xếp thứ 27 và chỉ có Philippines xếp hạng ngoài 100. Như vậy, thời gian tới, muốn đạt được mục tiêu ngang bằng với trung bình của ASEAN 4 hay ASEAN 3 là rất khó khăn vì chúng ta đang phải so sánh với những nước có mức độ bảo vệ cổ đông rất tốt, đứng đầu thế giới.
Nhưng với nỗ lực đã đạt được trong các cải cách thể chế và thay đổi của Luật Danh nghiệp 2014, có thể nói, chúng ta đã tiệm cận dần với thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp trên thế giới.
Theo ông, để có môi trường kinh doanh tốt hơn với sự đảm bảo cho lợi ích của các cổ đông nhỏ, cần lưu ý vấn đề gì?
Chỉ số bảo vệ cổ đông mới chỉ phản ánh khuôn khổ pháp luật, đo lường mức độ tốt của khuôn khổ pháp luật trong việc đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ, những người mà lá phiếu biểu quyết không có tính quyết định trong hoạt động của doanh nghiệp.
Nhưng với chỉ số như vậy, liệu thực tế trình độ quản trị doanh nghiệp của Việt Nam đã thực sự đã tốt hay chưa? Hay nói khác đi, quy định đã có, khuôn khổ đã có nhưng quyền lợi của cổ đông thiểu số thực sự đã đảm bảo hay chưa?
Chúng ta thấy chỉ số này tốt không đồng nghĩa là mức độ quản trị thực tế của doanh nghiệp đã tốt tương ứng. Chỉ số mới chỉ phản ánh khuôn khổ pháp luật, mức độ quản trị thực tế là việc thực thi các nguyên tắc quản trị theo quy định của pháp luật.
Có thể quy định pháp luật đã tốt, nhưng thực tiễn quản trị của doanh nghiệp có thể không theo kịp các quy định hoặc ngược lại, mức độ quy định của pháp luật chỉ ở mức trung bình, nhưng doanh nghiệp có thể áp dụng mức độ quản trị cao hơn.
Xem xét thẻ điểm quản trị doanh nghiệp của các nước ASEAN, ta thấy, mức độ quản trị doanh nghiệp thực tế của Philippines tốt hơn Việt Nam, nhưng khuôn khổ pháp luật của Philippines chỉ ở mức trung bình, không tốt hơn Việt Nam.
Hay như Singapore, đứng đầu về chỉ số bảo vệ cổ đông thiểu số, Thái Lan chỉ đứng thứ 27, sau Singapore rất nhiều, nhưng mức độ quản trị doanh nghiệp thực tế của Thái Lan cao hơn cả Singapore. Như vậy, có sự chênh lệch rất lớn giữa chỉ số bảo vệ cổ đông – quy định pháp luật và quản trị thực tế trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khuôn khổ pháp luật tốt góp phần đáng kể vào việc có được nguyên tắc quản trị tốt vì quy định của luật là khung tối thiểu doanh nghiệp phải tuân thủ.
Chúng ta mới có điều kiện cần, tức là nền tảng pháp lý tốt để quản trị doanh nghiệp tốt, nhưng mức độ bảo vệ cổ đông thực tế phụ thuộc vào thực tế thực hiện của doanh nghiệp. Với quy định của khuôn khổ pháp lý như hiện tại, đây là yêu cầu tối thiểu mà doanh nghiệp phải thực hiện và doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm tốt hơn, quản trị chặt chẽ theo thông lệ quốc tế.
Ths Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực canh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho rằng, mặc dù Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả một số giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, song vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa được chú trọng.
Ngân hàng Thế giới mới ghi nhận Việt Nam có 3/10 lĩnh vực cải cách (đó là bảo vệ cổ đông thiểu số, nộp thuế, giao dịch thương mại qua biên giới), trong khi Indonesia có 7/10 lĩnh vực, Brunei có 6/10 lĩnh vực cải cách.
Đáng lưu ý là hầu hết các chỉ số của Việt Nam chưa đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4, thậm chí ASEAN 6. Một số quốc gia trong khu vực đã thực hiện nhiều cải cách và tiến nhanh hơn Việt Nam (điển hình là Indonesia và Brunei). Như vậy, để đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách toàn diện, nhiều và nhanh hơn nữa trên các lĩnh vực môi trường kinh doanh.