Nga đã tạm dừng việc xuất khẩu khí đốt trực tiếp sang Ukraine từ tháng 6, khi tranh chấp về giá xảy ra trong bối cảnh mâu thuẫn giữa hai nước lên cao liên quan đến bán đảo Crimea và miền Đông Ukraine.
Động thái mới nhất của Gazprom, một công ty khí do nhà nước kiểm soát, nhằm trừng phạt hoạt động tái xuất khí, là một sự siết chặt thòng lọng của Moscow đối với Kiev trước một mùa đông có thể làm tê liệt nền kinh tế của nước này, nếu không thể cầu cứu được các nguồn cung năng lượng khẩn cấp khác.
Công ty khí nhà nước PGNiG của Ba Lan cho biết hôm thứ Tư rằng, Gazprom đã cắt giảm 20% lượng khí xuất sang Ba Lan hôm thứ Hai, sau đó cắt thêm 24% nữa vào thứ Ba, so với hợp đồng. Kiev cũng xác nhận Ba Lan bị gây áp lực ngừng tái xuất khí cho Ukraine.
Gazprom phủ nhận mọi cáo buộc về việc cắt nguồn khí. “Hiện tại, Ba Lan đang được cung cấp 23 triệu m3 khí/ngày, cùng lượng được cấp như những ngày trước”, một đại diện của Gazprom nói.
Nga đã đe dọa cắt giảm lượng khí xuất sang EU để ngăn cản cái gọi là “dòng chảy ngược” của khí trở lại Ukraine, thông qua Ba Lan, Slovakia và Hungary, theo các quan chức cấp cao của EU và các nhà ngoại giao Đông Âu.
Hệ thống năng lượng của Ukraine là một trong những điểm yếu lớn nhất của nước này
“Theo thông tin mới nhất mà tôi nhận được từ cơ quan tình báo của chúng ta, 70% lính Nga đã trở về nước họ”, ông Poroshenko nói. “Điều này làm tăng hy vọng của chúng ta rằng, các sáng kiến hòa bình đang có triển vọng tốt”.
Nga và Ukraine dự định sẽ nối lại đàm phán về cung cấp khí đốt trong tháng này, nhưng việc thương lượng đã bị phủ bóng đen bởi các cuộc đấu súng ở Đông Ukraine và các biện pháp trừng phạt bổ sung của EU dành cho Nga.
Igor Prokopiv, Giám đốc vận hành hệ thống đường ống khí ở Ukraine, đã xác nhận về hậu quả của những việc này ở Ukraine.
“Lúc 2h chiều, Ba Lan đã ngừng tái xuất khí sang Ukraine, với khoảng 4 triệu m3”, ông Prokopiv nói với các phóng viên ở Kiev ngày hôm qua. “Hôm nay, Ba Lan đặt hàng 11 triệu m3/ngày, nhưng Nga xác nhận chỉ là 7 triệu m3/ngày. Vậy là có 4 triệu m3 xuất ngược cho chúng tôi”.
Ông Prokopiv nói rằng, Ba Lan đã yêu cầu dừng kỹ thuật 2 ngày để tìm nguồn thay thế từ thị trường nội địa Ba Lan, trong đó có PGNiG. Hãng này cho biết không bị ảnh hưởng bởi động thái của Nga.
Trong một cố gắng dàn xếp hòa bình lâu dài ở Đông Ukraine, ông Poroshenko cho biết, ông sẽ đưa ra các đề xuất trong tuần tới về một “tình trạng đặc biệt” đối với các khu vực miền Đông bị kiểm soát bởi lực lượng ly khai.
Nhưng tổng thống Ukraine nói thêm, các đề xuất của ông đối với khu vực Donbass, vùng công nghiệp phía Đông Ukraine, sẽ không có nghĩa là trao quyền độc lập cho khu vực này, như yêu cầu của phe ly khai, hay tách ra thành một bang như gợi ý của Nga.
Ông Poroshenko nói rằng, một kế hoạch hòa bình đã được ký kết tại cuộc đàm phán ở Minsk hôm thứ Sáu tuần trước “trong đó bao gồm sự khôi phục và bảo toàn chủ quyền Ukraine đối với tất cả vùng Donbass, bao gồm cả các phần bị chiếm đóng bởi các tay súng nổi dậy”.
Hệ thống cung cấp năng lượng là một trong những yếu điểm lớn nhất của Ukraine. Nước này là một trong những khách hàng năng lượng kém hiệu quả nhất trên thế giới và khủng hoảng nguồn cung đang trở nên phức tạp hơn bởi sản lượng khai thác than giảm ở khu vực Donbass, do ảnh hưởng của xung đột. Ukraine cần nhập khẩu khoảng 1 nửa nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nước này, khoảng 50 tỷ m3/năm.