Hòn Trống Mái trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Đình Na/TTXVN)
Ngày 29/8, tại cuộc họp thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết Ban Quản lý đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động trực tiếp và giữ ổn định Hòn Trống Mái trên cơ sở tuân thủ đúng các quy trình, quy định của luật pháp Việt Nam và hướng dẫn của Công ước Quốc tế.
Hòn Trống Mái là một trong số nhiều hòn đá vôi trên Vịnh Hạ Long, có hình dạng giống một đôi gà trống-gà mái quay đầu vào nhau. Hiện nay Hòn Trống Mái tồn tại 40 khối đá (gồm 11 khối trên Hòn Trống và 29 khối trên Hòn Mái) có nguy cơ cao bị trượt, đổ, lở.
Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết các hệ thống đứt gãy trong khu vực chính là nguyên nhân khách quan tất yếu của các trường hợp sạt lở, đổ lở đảo đá trên Vịnh Hạ Long.
Cụ thể, các hòn bị sạt lở gồm: Hòn 649 (bị sạt lở năm 2013), Hòn Thiên Nga (năm 2016), Hòn Bề Hẹn Đông (năm 2019) và Hòn 365 (năm 2020). Hiện tượng này đã xảy ra rất nhiều trong quá khứ hàng triệu năm qua, đang diễn ra và sẽ còn diễn ra trong tương lai.
Bản thân một số hòn điển hình, có hình dạng đặc sắc như Hòn Trống Mái, Con Cóc, Chó Đá, Đầu Người… đều được tạo ra bởi chính hiện tượng trượt lở, sạt lở trên Vịnh.
Tháng 11/2020, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh bổ sung nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn Hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long” vào danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai nhiệm vụ này.
Nhiệm vụ đã được nghiệm thu bước đầu vào ngày 25/8 vừa qua, với kiến nghị một số các nhóm giải pháp giảm thiểu các tác động trực tiếp và giữ ổn định Hòn Trống Mái.
Cụ thể, về các giải pháp xã hội và ngắn hạn nhằm giảm thiểu mức độ tác động lên Hòn Trống Mái, đề nghị các doanh nghiệp và các chủ phương tiện vận tải khách có hành trình qua các điểm tham quan Vịnh Hạ Long khi di chuyển qua khu vực Hòn Trống Mái phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động trực tiếp cũng như phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy qua khu vực Hòn Trống Mái như giảm tốc độ di chuyển phương tiện tới mức thấp nhất 10km/h trong phạm vi bán kính 200m, giữ khoảng cách tiếp cận gần Hòn Trống Mái tối thiểu 70m, áp dụng các biện pháp cảnh báo bằng tín hiệu trên phương tiện để tránh ùn tắc giao thông và va chạm tại khu vực tham quan; phổ biến nâng cao ý thức của các chủ tàu, thuyền, du khách và người dân địa phương về bảo vệ di sản…
Về các giải pháp công trình nhằm ổn định Hòn Trống Mái gồm: Khoan neo sẽ áp dụng cho các khối đá có nguy cơ trượt phẳng cao; xây tường bêtông sẽ áp dụng cho các khối đá đã bị sạt mất phần chân, bề mặt đá bị phong hoá mạnh; trám bịt các hệ thống khe nứt mở, giảm thiểu tốc độ ăn mòn trong các hệ thống khe nứt; chống ăn mòn chân đảo bằng cách phun vảy bêtông trộn sợi polyme nhằm bảo vệ chân đảo...
Vịnh Hạ Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới nhờ giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ năm 1994 và giá trị địa chất-địa mạo năm 2000.
Khu vực được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới có diện tích 434km2, gồm 775 hòn đảo đá vôi lớn nhỏ - đây là một trong những yếu tố gốc cấu thành nên giá trị di sản, được quản lý, bảo tồn theo Luật Di sản Văn hóa, Luật Bảo vệ Môi trường; Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; Quy chế Quản lý, Bảo vệ, Phát huy Giá trị Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.
Để có một Di sản Thiên nhiên Thế giới như ngày nay, Vịnh Hạ Long đã trải qua lịch sử địa chất gần 400 triệu năm với quá trình tích tụ tầng đá vôi dày, nhiều lần sụt chìm và bị xâm thực bởi nước biển.